.

Tìm hướng "cứu" làng nghề truyền thống

.

Sản phẩm bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè Quan Châu, chiếu Cẩm Nê... từ lâu trở thành những cái tên quen thuộc khi nói về Hòa Vang. Nhưng thực tế hiện nay, ngày càng vắng dần hộ dân theo nghề truyền thống.

Nhiều người lo lắng chiếu Cẩm Nê sẽ “chết”.
Nhiều người lo lắng chiếu Cẩm Nê sẽ “chết”.

Trước nguy cơ mai một của các làng nghề, huyện Hòa Vang đang lên kế hoạch bảo tồn nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương và tạo thu nhập cho người dân.

Mai một dần

Huyện Hòa Vang hiện có 6 làng nghề truyền thống gồm: bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong), bánh khô mè Quan Châu (xã Hòa Châu), rượu cần Phú Túc (xã Hòa Phú), chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), đan lát Yến Nê (xã Hòa Tiến), làng nghề đá chẻ (xã Hòa Sơn).

So với các làng nghề truyền thống khác thì làng đá chẻ Hòa Sơn khá mới mẻ. Sản phẩm đá chẻ được sử dụng phổ biến như làm đá ốp tường, lát nền, đường đi, đá cọc rào, đá xây bồn hoa, đá bậc thang, tranh áp tường nghệ thuật bằng đá, trang trí ở các khu nhà vườn… nên làng nghề ngày càng phát triển, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Trong khi đó, với bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè Quan Châu, chỉ còn vài chục hộ gia đình sinh sống bằng nghề này mới tiếp tục duy trì. Điều đáng lo nhất là những người theo nghề đều đã lớn tuổi. Phần lớn họ vào nghề từ rất sớm và được ông bà, cha mẹ truyền nghề nên gánh trên vai trách nhiệm duy trì truyền thống của gia đình. Song, con cái họ đều không theo nghề của cha ông vì ngại khó, ngại khổ, kéo nhau đi làm công nhân hoặc các ngành nghề khác với mong muốn có thu nhập cao hơn.

Hẩm hiu và đang chết dần có lẽ là làng nghề chiếu Cẩm Nê và đan lát Yến Nê. Nhắc về nghề chiếu, nghệ nhân Phan Tấn - từng được vinh danh tại Festival làng nghề Đà Nẵng năm 2010 - hào hứng kể lại một thời “vàng son” rằng, theo gia phả ghi lại thì chiếu Cẩm Nê tồn tại gần 600 năm. Chiếu Cẩm Nê bền, có hoa văn trang trí đẹp, từng hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn, những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng; tiếng tăm làng nghề còn được khắc ghi trên văn bia của làng. Hồi đó, ngày nào khung dệt cũng rộn ràng đưa nhịp, nhà nhà rực rỡ sắc màu của cói mới nhuộm đem phơi…

Vợ của nghệ nhân Phan Tấn trăn trở: “Trước đây, cả thôn sống bằng nghề này. Bây giờ, chỉ còn mỗi gia đình tôi và 1 hộ khác theo nghề. Muốn dệt chiếc chiếu cần ít nhất 2 người. Hôm giờ ông nhà tôi bị bệnh, thế là xếp khung vào xó nhà. Tôi có 12 người con, cũng biết dệt chiếu nhưng chẳng có đứa nào theo nghề”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hồng Quế, Trưởng ban Văn hóa thông tin xã Hòa Tiến cho biết, nhu cầu của người dân thay đổi, chuyển sang dùng nệm, chiếu trúc, chiếu nhựa…, chiếu Cẩm Nê dệt theo truyền thống khá công phu nên giá thành cao. Chỉ những ai yêu thích và quen dùng mới sử dụng chiếu Cẩm Nê mà thôi.

Đan lát Yến Nê cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều người bỏ nghề. Đến nay, hai làng nghề vang tiếng một thời của xã Hòa Tiến đang chết dần và có thể bị xóa sổ.

Tìm hướng bảo tồn

Ông Nguyễn Hữu Chất, Phó phòng Công thương huyện Hòa Vang, cho biết trước mắt, địa phương làm việc với các cơ sở, các hộ dân để tạo điều kiện cho họ đưa sản phẩm bày bán tại các phiên chợ hàng Việt tổ chức trên địa bàn huyện nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống đến đông đảo người dân, du khách. Bên cạnh đó, huyện sẽ quan tâm đến chất lượng sản phẩm của làng nghề để trở thành thương hiệu của địa phương.

Cụ thể, các sản phẩm bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè Quan Châu sẽ đăng ký nhãn hiệu. Với sản phẩm chiếu Cẩm Nê, sản phẩm đan lát Yến Nê, sản phẩm đá chẻ thì định hướng bà con sản xuất sản phẩm làng nghề thành mẫu sản phẩm mang tính chất lưu niệm, gắn hình ảnh địa danh nổi tiếng của Hòa Vang lên sản phẩm với kích cỡ, mẫu mã bắt mắt du khách. Với rượu cần Phú Túc, sẽ đưa người làm nghề đến những địa phương có công nghệ làm rượu cần ngon học hỏi…

Về góc độ văn hóa, ông Huỳnh Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang nhấn mạnh: Làng nghề truyền thống chính là yếu tố biểu hiện tập trung nhất bản sắc dân tộc của địa phương nên cần thiết bảo tồn, phát huy. Do đó, chính quyền địa phương đang lập dự án phát triển làng nghề truyền thống, chủ trương chính là định hướng cho bà con làng nghề tham gia làm du lịch.

Cụ thể, làm một số mô hình thí điểm homestay và xây dựng không gian làng quê - nơi có thể tập hợp tất cả mô hình làng nghề của huyện Hòa Vang khi khách du lịch đến tham quan; ngoài việc coi trình diễn nghề truyền thống, khách có thể tự tay làm ra sản phẩm.

Tại không gian cộng đồng sẽ thu vé nhằm trang trải mọi chi phí; còn tại nhà dân, gia đình làm nghề sẽ được hưởng lợi khi có khách tham quan... Nếu làm được điều này sẽ vừa quản lý, giám sát các hoạt động du lịch, vừa đảm bảo quyền lợi cho bà con, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nghề và hoạt động du lịch tại địa phương cũng phong phú hơn.

“Kế hoạch đã có nhưng kinh phí đầu tư lớn nên cần thời gian thực hiện và sự hỗ trợ của thành phố, sự kết hợp của các công ty du lịch thì dự án mới nhanh chóng được triển khai”, ông Nguyễn Thúc Dũng nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.