Hai năm nay, những vũ điệu thể thao và giải trí (gọi tắt là vũ điệu thể thao) không còn xa lạ với phụ nữ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Không chỉ hấp dẫn, lý thú mà sân chơi này còn rất bổ ích và ai cũng có thể tham gia.
Phụ nữ nhiều lứa tuổi hăng hái tham gia Hội thi vũ điệu thể thao 2014. |
Hiện toàn thành phố có 10 CLB vũ điệu thể thao, giải trí có tổ chức cũng như tự phát, hoạt động sôi nổi, thu hút hàng trăm chị em mọi lứa tuổi, ngành nghề tham gia, với những cái tên rất “kêu” như: CLB cầu Rồng, Hàn Rồng, Hải Âu, Âu Cơ, Hàn Giang, Sông Hàn, 29/3…
Sân chơi bổ ích
Chị Lê Thị Mỹ Anh, Chủ nhiệm CLB Hàn Rồng, một trong những CLB vũ điệu thể thao, giải trí ra đời sớm nhất ở Đà Nẵng cho biết, CLB Hàn Rồng hiện có 40 thành viên, 40 chị em đủ lứa tuổi, ngành nghề: giáo viên, bác sĩ, kinh doanh và cả học sinh, sinh viên... Vì ban ngày ai cũng bận rộn nên CLB Hàn Rồng tập luyện từ 19-21 giờ mỗi ngày. Địa điểm tập là vỉa hè đường Bạch Đằng, đoạn giữa cầu Sông Hàn và cầu Rồng. “Mỗi buổi tập, chúng tôi nhảy đến 9-10 bản nhạc đủ các điệu Rumba, Chachacha, Disco, Tango... Ai cũng nhiệt tình, trời mưa thì núp dưới cầu tập. Hy hữu lắm chị em mới nghỉ một buổi”, chị Mỹ Anh kể.
Chị Đỗ Thị Ngọc, Giám đốc hệ thống nhà hàng Phì Lũ, thành viên và là nhà tài trợ của CLB Âu Cơ chia sẻ, lúc đầu chị tham gia CLB cho vui, nhưng càng ngày càng thấy thích. Những điệu nhảy nhẹ nhàng, thư giãn, khỏe khoắn, “không quá lố”, sân chơi này rất phù hợp với lứa tuổi của chị.
Chị Ngọc còn chia sẻ, nhiều năm nay, chị bị bệnh đau cột sống, chạy chữa đâu cũng không hết, đi lại khó khăn, nhưng từ khi tham gia tập luyện với các chị em tại CLB thể thao giải trí Âu Cơ, bệnh của chị giảm hẳn. Thế là từ chỗ tham gia cho vui thành thành viên chính thức, nay chị Ngọc là nhà tài trợ cho các hoạt động của CLB Âu Cơ và cuộc thi Vũ điệu thể thao được Hội Nghệ sĩ múa tổ chức 2 năm qua. Khác Hàn Rồng, CLB Âu Cơ thường tập luyện từ gần 17 giờ đến 18 giờ 30 mỗi ngày tại vỉa hè bãi biển Phạm Văn Đồng. Ban đầu, CLB chỉ có khoảng 20 thành viên, qua gần 2 năm hoạt động, hiện có từ 70-80 chị em.
Trong khi đó, đến với CLB cầu Rồng mỗi buổi sáng tại vỉa hè Bạch Đằng (đoạn cầu Rồng) có thể cảm nhận không khí vui tươi, sôi nổi của gần 60 thành viên CLB tại đây. Chị Huỳnh Thị Diễm Trinh, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), thành viên CLB, hồ hởi nói: “Có bữa đi dạy 21-22 giờ mới về, sáng thức dậy không nổi nhưng cũng cố đi tập, lỡ ngày nào không tập thì ngày đó người cứ mệt mỏi, cả ngày không làm được việc gì”.
Cần định hướng và nhân rộng
Huấn luyện viên (HLV) Lê Văn Tâm, người đồng hành với chị em trong thời gian qua, đúc rút rằng, việc tham gia sân chơi vũ điệu thể thao không chỉ mang đến niềm vui, sức khỏe cho chị em phụ nữ, mà còn mang lại hạnh phúc gia đình. Bởi lẽ, đây là sân chơi tập thể để chị em thỏa mãn niềm đam mê những điệu nhảy, khiêu vũ mà không lo chồng và gia đình phật ý.
Theo HLV Lê Văn Tâm, có thể hiểu vũ điệu thể thao là sự tổng hợp của các điệu nhảy vừa erobic, khiêu vũ, vừa dancesport. Tuy nhiên, đây không phải là phép cộng của 3 loại hình này mà là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố, điệu nhảy truyền thống cũng như hiện đại, vừa mang tính thể thao, vừa mang tính giải trí...
Tuy nhiên, hiện các bài nhảy được áp dụng trên nền nhạc (có lời và không lời) của nước ngoài, rất hiếm bài nhạc Việt nói chung và bài hát về Đà Nẵng nói riêng. “Chúng tôi luôn khao khát nhảy những điệu mang âm hưởng dân tộc, địa phương mình. Thực tế, Đà Nẵng đang rộ lên phong trào nhảy dân vũ trong giới trẻ, nhưng phân tích theo nghĩa gốc của từ dân vũ (những vũ điệu dân gian) thì hiện chúng ta chưa có cái gọi là dân vũ đúng nghĩa”, HLV Lê Văn Tâm trăn trở.
Bài và ảnh: THANH TÂN