.

Bảo tàng Đà Nẵng: Thêm không gian trưng bày mới

.

Bảo tàng Đà Nẵng vừa ra mắt chuyên đề trưng bày “Diên cách Đà Nẵng” thu hút sự quan tâm của công chúng.

Bảo tàng Đà Nẵng cần liên tục làm mới mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Bảo tàng Đà Nẵng cần liên tục làm mới mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết “Diên cách Đà Nẵng” được xây dựng từ nguồn kinh phí sự nghiệp có tính “đột phá” mà thành phố đầu tư trong năm 2014.

Tái hiện Đà Nẵng trong chiều dài lịch sử

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, người trực tiếp theo dõi quá trình xây dựng “Diên cách Đà Nẵng” cho biết, chuyên đề này dựa trên cơ sở những tài liệu, hiện vật quý nhằm cung cấp cái nhìn khá xuyên suốt, hệ thống về diễn trình hình thành, phát triển Đà Nẵng từ năm 1306-1945, vốn chỉ được đề cập rải rác trong 21 chuyên đề trưng bày của bảo tàng trước đó.

Việc lấy mốc từ năm 1306 để xây dựng chuyên đề xuất phát từ ghi chép của Đại Việt Sử ký toàn thư, gắn với sự kiện vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân vào tháng 6 năm Bính Ngọ 1306.

Theo lời hứa của Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vân du sang Chiêm Thành trước đó, vua Chế Mân đã cắt dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ. Vùng đất này trải dài từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam - tức Đà Nẵng ngày nay.

10 sắc phong liên quan đến quá trình hình thành các làng xã Đà Nẵng được phục chế. 5 bản đồ Đà Nẵng giai đoạn nhà Nguyễn cùng hàng loạt bức ảnh về cuộc sống Đà Nẵng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng nhiều hiện vật gắn với đời sống, sinh hoạt sản xuất của người Đà Nẵng trước năm 1945 như: trang phục, dụng cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt bằng gốm sứ; các loại tiền thời Lê - Nguyễn… được trưng bày tập trung, bài bản trong gần 100m2 không gian trưng bày “Diên cách Đà Nẵng” đã đem đến cho người xem những trải nghiệm lý thú.

Dừng khá lâu trước bức ảnh đen trắng lưu lại những buổi thầy giáo xưa dạy đạo đức, kinh sử, triết lý Nho gia cho học trò, trong đó có những buổi học thực tế về di tích văn hóa, về lịch sử…, ông Huỳnh Hà (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), giáo viên đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay xúc động nói: “Từ thế kỷ 19, người ta đã chú trọng giáo dục bằng thực tiễn và lịch sử luôn để lại những bài học đáng suy ngẫm cho hiện tại. Những bức ảnh sinh động như thế này thật quý báu, cần được gìn giữ và sưu tầm thêm”.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, các tư liệu, hiện vật trưng bày tại chuyên đề “Diên cách Đà Nẵng” được vận động từ nhiều nguồn như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 và 2, hay từ những nhà sưu tập tư nhân. Ngoài ra, các cán bộ bảo tàng còn về các làng xã, vùng sâu, vùng xa để sưu tầm, sao chụp, phục chế tư liệu, hiện vật.

Đà Nẵng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được tái hiện sinh động tại chuyên đề trưng bày mới “Diên cách Đà Nẵng”.
Đà Nẵng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được tái hiện sinh động tại chuyên đề trưng bày mới “Diên cách Đà Nẵng”.

Không ngừng làm mới

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, nói rằng nguồn kinh phí 600 triệu đồng mà thành phố đầu tư liên tiếp cho Bảo tàng Đà Nẵng trong năm 2014 không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần quý báu đối với tập thể cán bộ, nhân viên bảo tàng. Điều này cũng thể hiện sự kỳ vọng rất lớn từ phía lãnh đạo thành phố đối với đơn vị.

Thực tế, năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã kịp thời xây dựng, hoàn thiện ra mắt chuyên đề trưng bày mới “Diên cách Đà Nẵng”. Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí có tính “đột phá” nói trên, bảo tàng còn dành để sưu tầm, bổ sung hàng trăm hiện vật, tư liệu quý cho các không gian trưng bày khác của bảo tàng như: chuyên đề “Cảng biển Đà Nẵng”, chuyên đề “Điều kiện tự nhiên”…; đầu tư, nâng cấp khang trang kho bảo quản hiện vật, đáp ứng yêu cầu mới.

Tuy nhiên, theo ông Hà Phước Mai, nếu nhìn nhận khách quan, trong tinh thần cầu thị, chuyên đề “Diên cách Đà Nẵng” mới ra đời còn phải bổ sung, hoàn thiện nhiều. Hiện tại, “Diên cách Đà Nẵng” trưng bày nhiều tư liệu hình ảnh, bản đồ, sắc phong, vốn hiện vật còn quá khiêm tốn. Mặt khác, tư liệu, hiện vật chủ yếu thuộc giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thiếu những tư liệu, hiện vật cả giai đoạn lịch sử dài trước đó.

Năm 2015, nếu được thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tập trung nâng cấp, chỉnh lý, làm mới chuyên đề trưng bày “Chứng tích chiến tranh”, sau đó là chuyên đề “Văn hóa Việt” - những nội dung rất được công chúng quan tâm, ông Hà Phước Mai cho hay.

Năm 2014, Bảo tàng Đà Nẵng thu hút khoảng hơn 38.900 lượt khách tham quan, trong đó có 13.000 lượt khách nước ngoài (phần lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc).

Nghị quyết số 75/2014/NQ-HĐND của HĐND thành phố Đà Nẵng cho phép từ ngày 1-6-2015, Bảo tàng Đà Nẵng thu phí khách tham quan. Theo đó, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ thu phí 20.000 đồng/lần/người và trích lại 100% tổng số tiền thu phí để chi cho hoạt động thường xuyên của bộ máy phục vụ công tác thu phí và hoạt động chuyên môn. Trong đó, dành ít nhất 20% cho việc bảo quản, phục chế hiện vật, tu bổ và mua sắm trang thiết bị phục vụ khách tham quan.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.