Lần đầu tiên một hội thi hát dân ca dành cho diễn viên không chuyên trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng) được tổ chức đã thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả, mang đến những hy vọng về việc giữ gìn giá trị văn hóa biển.
Làn điệu lý vọng phu đưa người nghe đến với những cung bậc tình cảm trong đời sống vợ chồng những người dân miền biển. |
Nét văn hóa độc đáo vùng biển
Có dịp thưởng thức những tiết mục văn nghệ độc đáo, đặc sắc của hội thi do Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà được tổ chức vào trung tuần tháng 12-2014, chúng tôi phần nào cảm nhận cuộc sống, nét sinh hoạt văn hóa khác nhau của người dân vùng biển Sơn Trà, từ điệu hò chèo thuyền lúc đều đặn, lúc gấp gáp, có lúc rộn ràng, phản ánh những hoàn cảnh lao động khác nhau của nghề đánh bắt hải sản; hay việc tái hiện lại lễ hội cầu ngư đầy màu sắc linh thiêng, trang trọng với nghi lễ rước cá Ngư Ông thành kính; hoặc một làn điệu lý vọng phu đưa người nghe đến với những cung bậc tình cảm khác trong đời sống vợ chồng những người dân miền biển.
Rồi các tiết mục hát bài chòi đưa chúng ta trở về với lối trò chuyện đối đáp tưởng chừng vui đùa mà thâm thúy của cha ông; hát bả trạo đưa người thưởng thức về với không khí lao động phấn khởi, giữa khung cảnh nắng đẹp nên thơ và sự hăng say lao động cho mùa cá bội thu…
Những làn điệu dân ca nói chung, các điệu dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng vốn dễ đi vào lòng người do chính những người lao động biểu diễn với sự hồn nhiên, mộc mạc. Vì vậy, những ai có mặt dường như có chung cảm giác được chứng kiến cuộc sống muôn màu muôn vẻ của người dân vùng biển Sơn Trà.
Chị Phạm Thị Mỹ (31 tuổi, thành viên trẻ tuổi nhất trong đội thi dân ca phường Nại Hiên Đông) cho biết, vì yêu thích và tiếp cận dân ca từ nhỏ nên chị yêu mến và quyết định gắn bó với những làn điệu này. “Dân ca thường dễ nghe, dễ đi vào lòng người, nhất là từng câu hát đều khơi dậy tình cảm yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Những hội thi như thế này rất ý nghĩa, góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu và thêm yêu dân ca hơn”, chị Mỹ tâm sự.
Còn ông Lê Bé (57 tuổi), có thâm niên lâu năm gắn bó với các làn điệu dân ca của Sơn Trà trăn trở: “Điều tôi mong muốn là các cơ quan chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, tổ chức nhiều sân chơi, hội thi hát dân ca để thế hệ trẻ có cách nhìn nhận đúng đắn và thêm yêu mến nét đẹp văn hóa của quê hương”.
Còn đó nỗi lo
Theo ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà, nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc lưu giữ các làn điệu dân ca Khu 5 nói chung, làn điệu dân ca vùng biển Sơn Trà nói riêng nên “Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng biển Sơn Trà” ra đời.
Mục tiêu là đưa văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư, nhằm khơi dậy tình cảm yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn về những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Hội thi hát dân ca là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa đề án nói trên.
“Hầu hết các phường đều có những nhân tố về dân ca xuất sắc, như các phường Nại Hiên Đông, Phước Mỹ…, nhưng khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí. Do không thể xã hội hóa được nên nguồn kinh phí hạn hẹp, không thường xuyên tập hợp, duy trì tập luyện của các đội dân ca. Không duy trì được thì sẽ dẫn tới nguy cơ mai một hoặc có thể biến mất”, ông Đức nói.
Về vấn đề này, ông Trương Quý Khanh, Cán bộ phụ trách văn hóa - thông tin và thể thao phường Nại Hiên Đông cho biết, đội hô bài chòi của phường được thành lập vào năm 2005, thu hút hơn 15 thành viên tham gia. “Tuy nhiên, đội không có điều kiện luyện tập thường xuyên do bên cạnh vấn đề kinh phí thì hiện nay còn thiếu các sân chơi, sinh hoạt dành cho dân ca”, ông Khanh nói, đồng thời lo ngại dân ca sẽ bị mai một dần.
Theo ông Đức, ngoài việc quan tâm đầu tư kinh phí từ các cấp cho đề án nói trên, nên mở nhiều hơn nữa những lớp bồi dưỡng cho các cán bộ phụ trách văn hóa, các hạt nhân dân ca; đồng thời tìm ra những cách thu hút đông đảo người dân yêu thích loại hình nghệ thuật này, bởi người dân chứ không ai khác mới có thể giữ hồn dân tộc qua những câu ca, điệu lý ấy trường tồn. Cùng với đó, nên tìm cách đưa dân ca vào giảng dạy tại các trường học, để đông đảo lớp trẻ có thể tiếp cận được nhiều hơn các giá trị văn hóa nói chung, các làn điệu dân ca vùng biển Sơn Trà nói riêng.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH