.

Dư Dư và thế giới những sắc màu

.

Nói về họa sĩ Dư Dư, có người cho rằng, ẩn sau vẻ đằm thắm, dịu dàng “rất Huế” ấy là một phụ nữ đầy cá tính và khát vọng.

Một ngày chưa cầm cọ vẽ, đối với họa sỹ Dư Dư, nghĩa là chị chưa làm được gì.        Ảnh: N.D
Một ngày chưa cầm cọ vẽ, đối với họa sỹ Dư Dư, nghĩa là chị chưa làm được gì. Ảnh: N.D

Gần 30 năm cầm cọ, nữ họa sĩ đã góp những sắc màu rất riêng cho hội họa Đà Nẵng, khu vực và cả nước. Với riêng tôi, tranh của Dư Dư là thế giới của những sắc màu trong trẻo…

“Khu vườn rất Huế”

Dù không thể giữ lại tất cả nhưng khoảng 1.000 bức tranh là gia tài nghệ thuật vô giá của nữ họa sĩ gốc Huế có cái tên là lạ - Dư Dư. Chị vẽ về nhiều đề tài, thể loại, chất liệu như: tranh chân dung, tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh khắc và làm cả gốm nghệ thuật với nhiều chất liệu: sơn dầu, lụa, giấy dó, đất... Chị không ngại khai thác các yếu tố tạo hình hiện đại của chủ nghĩa Ấn tượng,

Lập thể, Siêu thực, Biểu hiện, Trừu tượng… để làm phong phú thế giới nghệ thuật của riêng mình. Học chuyên ngành Lụa, song tên tuổi của Dư Dư lại được biết đến bởi nhiều tranh sơn dầu khổ lớn; đề tài thường khái quát, cô đọng như: Thế giới riêng, Khoảng trống, Giai điệu cổ, Di sản, Nét xưa, Âm thanh của những sắc màu...

Với Dư Dư, mỗi thể loại, chất liệu mang lại cho chị những trải nghiệm, xúc cảm riêng, như lụa đem lại sự tịnh yên, thư thái trong tâm hồn và đòi hỏi sự chuẩn mực gần như tuyệt đối trong từng nét cọ. Trong khi đó, chất liệu sơn dầu mang sự phóng khoáng, tung tẩy trong từng đường nét… Được đào tạo bài bản từ một trong những cái nôi của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, nét tinh hoa của mỹ thuật cung đình, phảng phất chút hoài cổ rất Huế đã thấm vào chị.

Có điều, nghệ thuật không đứng yên, truyền thống muốn được bảo tồn, phát huy cần được đặt trong sự vận động, phát triển. Theo quy luật ấy, tác phẩm của Dư Dư ở một mức độ nhất định đã bước đến địa hạt của nghệ thuật siêu thực, trừu tượng. Theo nữ họa sĩ, đó là thế giới nghệ thuật không bị ràng buộc vào cái thấy, cái cụ thể, mỗi người xem có thể có cách cảm nhận riêng, tranh trừu tượng là nơi những sắc thái tình cảm được biểu hiện bằng nhịp điệu, sắc màu sinh động, nơi những giấc mơ được cất cánh.

Có người nói rằng, ẩn sau vẻ đằm thắm, dịu dàng rất Huế của Dư Dư là một phụ nữ đầy cá tính và khát vọng chinh phục không ngừng những thử thách của nghệ thuật. Điều này được thể hiện trong sự đối chọi quyết liệt của những mảng màu sáng - tối, lối biểu hiện cô đúc, sắc gọn mà đa chiều trong nhiều tác phẩm của nữ họa sĩ. Song, dù là tranh biểu hiện, trừu tượng hay sự pha trộn của cả hai khuynh hướng này thì nhiều bức họa của Dư Dư vẫn toát lên nét nữ tính, sự trong trẻo đến nao lòng! Đó vẫn là những rung động mềm mại, tinh tế, là cách cảm cuộc sống theo cách của Dư Dư như nhan đề một số tác phẩm của chị: Lời của đá, Hạnh phúc, Dư âm…

Nghệ thuật là “Nhân - Trí - Thiện”

Họa sĩ Dư Dư nói rằng, âm nhạc luôn là nguồn cảm hứng để dẫn dắt sáng tạo trong chị. Những thanh âm dìu dặt, tinh diệu của âm nhạc là một trong những ngọn nguồn để chị cho ra đời những đứa con tinh thần rất tâm đắc như: Dạ khúc mưa, Thiên Thai, Trương Chi, Tiếng đàn, Giai điệu cổ, Mozart - tôi lắng nghe...

Được đánh giá là một trong những họa sĩ biết làm chủ cây cọ của mình, Dư Dư vẫn thừa nhận rằng, đôi khi chị vẫn để thời gian, sự tất bật của cuộc sống cuốn đi… Vì vậy, điều kiện cần đối với người nghệ sĩ chính là sự cân bằng. Lâu lắm rồi chị không có điều kiện vẽ lụa - thứ chất liệu đã đem đến trong chị những rung động ban đầu cùng nghiệp vẽ và âm thầm dung dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. “Khi có thời gian, tôi vẫn ước được thảnh thơi đắm mình trong những bức lụa như: Chân dung Mẹ, Giấc mơ của bạn tôi, Kiều, Chàm… một thời”, họa sĩ Dư Dư trải lòng.

Dạo này, Dư Dư thường nghĩ về dự định triển lãm nghệ thuật của riêng mình để kỷ niệm 30 năm kể từ ngày đặt chân đến thành phố Đà Nẵng (1986-2016). Có thể chủ đề của triển lãm sẽ là “Nhân- Trí - Thiện”, nghe có vẻ to lớn nhưng thực tế cái Nhân, cái Trí, cái Thiện là điều sau cùng mà mỗi con người và nghệ thuật cần hướng tới, có thể bắt nguồn từ những điều rất nhỏ nhặt trong đời sống, trong hành xử của con người, cũng như trong nghệ thuật. Vậy mà, chỉ cần một chút dễ dãi, những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng lấp lánh vẻ đẹp nhân sinh ấy có thể không còn ý nghĩa”, họa sĩ Dư Dư chiêm nghiệm.

Khi không ít người than phiền rằng, đời sống hiện đại vật chất ngày càng đủ đầy nhưng những giá trị tinh thần dường như có dấu hiệu đi xuống, kéo theo sự khan hiếm đề tài đối với sáng tác văn học - nghệ thuật, khi cảm xúc thiếu sự bồi đắp để thăng hoa, thì nữ họa sĩ gốc Huế vẫn tất bật vẽ, chị vẽ để tham gia các triển lãm cá nhân, nhóm, thành phố, khu vực và cả quốc tế…

Chị cũng là người rất có duyên với việc vẽ theo đơn đặt hàng, và cho đến bây giờ Dư Dư vẫn có thể “sống được” nhờ tranh. Nghỉ hưu, nhưng Dư Dư chưa một ngày rảnh rỗi. Đối với chị, một ngày chưa cầm cọ vẽ nghĩa là chị chưa làm được gì. “Nghệ thuật cần được đào luyện và người nghệ sĩ không được phép bằng lòng với những gì mình có”, họa sĩ Dư Dư chia sẻ.

Họa sĩ Dư Dư tên thật là Nguyễn Thị Dư, sinh năm 1962 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế 1986. Chị là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng; từng tham dự các triển lãm thường niên tại Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên và toàn quốc; triển lãm cá nhân tại Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều triển lãm nhóm nữ tại Đà Nẵng các năm 2001, 2002, 2003, 2006, 2007.

Giải thưởng: Giải thưởng toàn quốc 2000; Giải thưởng Tổng cục Chính trị 2003; Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam 2014; Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng năm 1995, 2000, 2006; có nhiều tranh được trưng bày trong các sưu tập tư nhân tại Đức, Mỹ, Pháp, Nhật, Anh…

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.