Chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi đến mức đáng báo động của làng Việt. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi cho rằng, làng chính là hàn thử biểu về những gì tốt đẹp, thiêng liêng của người Việt, của văn hóa Việt; nhưng những gốc đa, ao làng, giếng làng đang dần biến mất.
Làng quê Việt đang biến đổi. Ảnh: H.T.Phố |
* Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, vào những ngày cuối năm này, không hiểu sao tôi lại nhớ về làng, những ngôi làng Việt mà ở đó, rất nhiều người trong chúng ta đã được sinh ra, lớn lên rồi rời làng mà đi. Những ngôi làng ấy không chỉ chất chứa những câu chuyện của ký ức, của ông bà, cha mẹ, mà còn mang theo câu chuyện của thời đại này - thời của sự xô lệch về kiến trúc?
- Tôi cho rằng, làng chính là hàn thử biểu về những gì tốt đẹp, thiêng liêng của người Việt, của văn hóa Việt. Những chỉ số về kiến trúc, dòng họ, gia đình, làng xóm, thiên nhiên, phong tục… từ những ngôi làng sẽ cho chúng ta xác lập chính xác tâm thế của người Việt, tinh thần sống của người Việt và sự chuyển động tích cực của xã hội Việt Nam.
* Ông đi nhiều nơi, lắng nghe nhiều kinh nghiệm về sự gìn giữ và bảo tồn. Vậy câu chuyện về những ngôi làng Việt được bảo tồn như làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), làng Phước Tích (Hương Điền, Thừa Thiên - Huế)… có mang lại cho chúng ta bài học nào để giữ gìn làng cổ của người Việt không, thưa ông?
- Có quá nhiều ví dụ và kinh nghiệm trên thế giới trong việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc. Tôi biết có rất nhiều đoàn nghiên cứu của Việt Nam hằng năm đến các nước châu Âu và đặc biệt là các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… để học tập. Chỉ cần nhìn cách bảo tồn và phát triển các làng ở Nhật Bản và Hàn Quốc đủ cho chúng ta kinh nghiệm để bảo tồn, phát triển làng Việt Nam. Có quá nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chỉ có một điểm khác biệt là họ thực sự nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa truyền thống và đã dùng khoa học, luật pháp để bảo tồn, phát triển những di sản đó. Còn chúng ta thì không. Đó chính là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cái chết của những di sản văn hóa truyền thống vốn đã làm nên bản sắc của dân tộc chúng ta.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều Ảnh: H.T.PHỐ |
* Sự thật ấy của kiến trúc làng Việt hiện tại phải chăng không chỉ tác động đến thời chúng ta đang sống, mà còn để lại hậu quả cho con cháu chúng ta sau này?
- Cách đây 20 năm, tôi có một dự báo “cực đoan” là: trong tương lai, những hậu duệ của chúng ta sẽ từng bước phá đi cái làng mà chúng ta đang tùy tiện dựng lên như bây giờ để xây dựng lại. Nhưng dự báo của tôi không phải là một dự báo “cực đoan” mà là một dự báo logic và chính xác. Một hiện tượng đa nghĩa là việc ngày càng nhiều hơn những cá nhân trở lại làng mình, bắt đầu dựng lại những vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống nhưng đủ điều kiện phục vụ đời sống hiện đại trên chính mảnh đất của ông bà, cha mẹ họ để lại như: nhà thờ, nhà ở và các khu nhà nghỉ cuối tuần.
Nhưng chúng ta cần một chiến lược và luật pháp để bảo vệ làng. Khi một đời sống không bản sắc, không truyền thống thì sẽ sinh ra những công dân không bản sắc và không truyền thống. Một con người như thế sẽ là một sản phẩm thuộc loại gì và tác động nguy hiểm đến xã hội như thế nào? Cái mà thế giới đang cảnh báo và đang tìm cách gìn giữ như sự sống còn của nhân loại chính là “căn cước văn hóa” của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trú ngụ trên thế gian này.
* Ngoài việc chứng kiến sự mất dần bản sắc trong kiến trúc làng, chúng ta còn nhận ra những mảnh hồn làng khác đang từ từ biến mất như: lũy tre xanh, cây đa, gốc gạo cổ thụ - những biểu tượng làng Việt từng ám ảnh trong tâm thức nhiều người, tạo những dấu ấn văn hóa đặc trưng trong tương quan với các ngôi làng ở xứ sở khác. Những mất mát ấy ngày càng cho chúng ta thấy một sự thật: làng đang biến thành phố, thưa ông?
- Việc biến làng thành phố không phải là một thành tích mà phải coi đó là một hậu quả, một thất bại. Nhắc đến lũy tre xanh, cây đa, gốc gạo cổ thụ… không phải là sự hoài cổ như không ít nhà quản lý quan niệm. Bây giờ, trong những khu nghỉ cuối tuần nhiều tiền, những resort hay những biệt thự sang trọng…, vẫn xuất hiện những khóm tre xanh, những cây cổ thụ, những vật dụng truyền thống…
Nghĩa là những thứ anh kể ra không bao giờ trở thành cũ kỹ hay lỗi thời và nếu nằm trong một tổng thể kiến trúc hợp lý thì sẽ vừa giữ lại vẻ đẹp của làng quê Việt Nam, vừa tạo ra đời sống tinh thần mới. Có lần tôi đã viết một bài báo với tựa đề: “Hỡi làng quê ở đâu hãy về”. Đó chính là lời gọi hồn. Không ít các làng Việt Nam vẫn tồn tại như cái xác làng, còn hồn của làng đã rời bỏ chúng ta ra đi.
* Cả những chiếc ao làng cũng đã và đang biến mất một cách dữ dội?
- Trong một bài thơ về Hà Nội, tôi đã viết đêm đêm trên bầu trời thành phố bị nung nóng bởi hàng triệu khối bê-tông vô cảm là linh hồn những hồ nước đã bị giết chết (bị san lấp). Linh hồn những hồ nước bay lượn và than khóc cho những con người đang sống. Những cái ao ở nhiều làng cũng đang càng ngày càng biến mất. Có thể nông dân vì nhu cầu mưu sinh tạm thời nào đó và sự thiếu hiểu biết đã đẩy họ vào cuộc tàn sát các ao, hồ và sông. Nhưng tại sao các nhà quản lý lại không hiểu điều này?
Đấy là câu hỏi đau lòng tuy nó đã có ngay câu trả lời trong đó. Tôi tạm thời không nói về vẻ đẹp của những ao làng, chỉ nói về sự cân bằng môi trường mà những cái ao, hồ nước và sông tạo ra để thấy tầm quan trọng đối với cuộc sống của mọi người. Chúng ta không nằm trong danh sách những tội phạm giết người nhưng chúng ta thực sự là những kẻ đã giết chết thiên nhiên, môi trường, gián tiếp giết chết chính chúng ta và các thế hệ con cháu chúng ta.
* Những chiếc giếng làng - nơi mà mỗi dịp cuối năm Tết đến, cả làng xôn xao ra giếng gánh nước nay cũng không còn. Chính xác hơn là những chiếc giếng đã chết, mạch nước ngầm đã cạn kiệt. Điều này có mang đến cho chúng ta sự cảnh báo nào?
- Cũng giống như chúng ta giết chết những hồ nước. Nó mang đến lời cảnh báo: Thiên nhiên đang chết, văn hóa đang chết và kéo theo cái chết tâm hồn chúng ta.
* Trân trọng cảm ơn ông!
HOÀNG THU PHỐ thực hiện