.
Café sáng

Văn hóa cốt ở sự giản dị

.

Có một thời người Việt cảm thấy đau lòng khi đọc bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du của nhà thơ Vương Trọng sáng tác năm 1982: Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây (…) Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề/ Hút tầm chẳng cánh hoa lê/ Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non/ Xạc xào lá cỏ héo hon/ Bàn chân cát bụi lối mòn nhỏ nhoi…

Bức tượng thi sĩ Truyện Kiều tại Khu lưu niệm Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Bức tượng thi sĩ Truyện Kiều tại Khu lưu niệm Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Bảy năm sau ngày Vương Trọng làm bài thơ rất hay và đầy tâm trạng này, mộ cụ Nguyễn Du đã được tôn tạo trùng tu nguy nga hoành tráng, ngang tầm với đóng góp lớn lao của đại thi hào người làng Tiên Điền vào nền văn hóa nước nhà. Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi có dịp viếng mộ cụ và tất nhiên không còn cái cảm giác xót xa của Vương Trọng năm nào - Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu…

Thế nhưng, lần đầu trong đời đứng trước lăng mộ hoành tráng, nguy nga của một người từng viết Truyện Kiều Văn tế thập loại chúng sinh, tôi lại cảm nhận giống hệt như Vương Trọng: Lặng yên bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm. Trong khói hương và vào một buổi chiều Hà Tĩnh, tôi nghĩ vẩn vơ rằng không chừng Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề ngày ấy mới thật… Nguyễn Du!

Tôi cũng vẩn vơ nghĩ rằng biết đâu khi đến viếng mộ Nguyễn Du còn đương nằm lặng lẽ khiêm nhường giữa bãi tha ma làng quê chật chội mà mênh mông (chữ của Lại Nguyên Ân), bên cạnh bao nhiêu nấm mồ khuyết danh vô chủ của mười loại cô hồn kia, hậu thế mới có thể cảm nhận hết cái vĩ đại của một tài năng văn chương cực kỳ nhạy cảm với nỗi thống khổ của người đời…

Thực ra, từ năm 1965, ngôi mộ cụ Nguyễn Du từng được tôn tạo một lần và trở nên nổi bật so với những nấm mồ đồng hương/đồng bào nằm xung quanh. Hồi ấy, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào, một trường trung học mang tên cụ đã xây mộ cụ thành ba cấp bằng gạch nung và thầy trò nhà văn hóa Đặng Thai Mai cũng mang từ Hà Nội ra đặt trước mộ cụ một tấm bia đá khắc mấy chữ Hán đơn sơ: Tiên Điền Nguyễn Du tiên sinh chi mộ. Người nằm dưới mộ tỏa sáng ở những cống hiến cho cuộc đời này - chẳng hạn như Nguyễn Du với tuyệt tác Truyện Kiều (Phạm Quỳnh: Truyện Kiều còn tiếng ta còn/ Tiếng ta còn nước ta còn), chứ không tỏa sáng ở lăng mộ nguy nga hoành tráng. Cho nên, chừng đó là đủ để vinh danh người sáng tạo Truyện Kiều, đồng thời cũng đủ để chứng tỏ văn hóa cốt ở sự giản dị.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.