.

Đặc sắc văn hóa tâm linh miền biển

.

Từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, lễ hội cầu ngư được tổ chức long trọng, trang nghiêm ở những vùng ven biển của thành phố Đà Nẵng như: Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Nam Ô... Đây là loại hình lễ hội đậm nét văn hóa tâm linh của ngư phủ.

Lễ rước trên biển tại lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê.
Lễ rước trên biển tại lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê.

Theo các lão ngư tại những làng chài ven biển Đà Nẵng, lễ cầu ngư gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân vùng biển. Dân làng gọi cá Ông bằng những cái tên tôn kính như: Ông Đông Hải, Ngài, Đức ngư Ông… Tìm về làng biển Mân Thái (quận Sơn Trà) chúng tôi được các cụ cao niên, lão ngư trong làng nói về sự tín ngưỡng này.

Chỗ dựa giữa muôn trùng sóng gió

Ông Lê Văn Bích, đại diện chư tôn tộc Tân Thái cho biết, lễ cầu ngư xuất phát từ đời sống của người dân vùng biển “đi trên ba tấc nang” (con thuyền nhỏ bé, mong manh- PV), biệt lập trong nghề sông nước. Ông Bích kể rằng, từ ngày biệt lập xã hiệu Tân An vào năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769), không có sào ruộng, tấc đất canh tác trồng trọt, chỉ có cát trắng ven biển nên cư dân vùng này bám biển cả làm kế sinh nhai. “Cứ thế bốn mùa xuân - hạ - thu - đông sống bằng nghề biển. Cái nghề làm bạn với sóng to, gió lớn. Vì thế, tiền nhân của chúng tôi luôn cầu khấn các vị tiền hiền, thần linh cho trời yên, biển lặng để cho ngư phủ có cái mà sống”, ông Bích nói.

Cũng chính vì lênh đênh trên biển mưu sinh nên con người có thể gặp nguy bất cứ lúc nào. Mỗi khi gặp sóng to, gió lớn, người dân thường cầu cứu Đức ngư Ông. “Những lúc đó, Ngài xuất hiện, có khi đi trước dẫn đường, có khi đi dưới lòng mê. Thật lạ kỳ, trời lập tức êm hẳn. Vì thế, với chúng tôi, cá Ông là biểu tượng của sự thiêng liêng, uy quyền, cứu nhân độ thế”, một lão ngư kể.

Như để khẳng định điều đó là thật, lão ngư Lê Văn Ta (88 tuổi) thuật lại câu chuyện của mình rằng, trong một chuyến đi biển, ghe của ông bị đẩy tút ra ngoài khơi, nhìn vào đất liền chỉ thấy sóng và nước. Lênh đênh trên biển Cù lao Chàm 2 ngày đêm, nhịn đói, nhịn khát, tưởng như bỏ mạng nơi biển khơi. Nhưng trong lúc mơ màng, ông cảm nhận có ai đó nhè nhẹ đẩy ghe mình trôi và đưa vào tận cửa An Hòa (cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam bây giờ).

“Sau này, theo lý giải khoa học, người ta đã chứng minh hiện tượng cá Voi hay cứu người. Nhưng trong tiềm thức của người dân vùng biển, cá Ông là vị thần của biển cả, có vị trí quan trọng, được tôn kính hết mực. Mỗi làng biển đều có lăng thờ cá Ông. Khi Ngài lụy (mất đi) thì được ngư dân chôn cất nghiêm trang và sau thời gian sẽ mang cốt Ông về thờ tại lăng”, ông Phạm Văn Liễn, Ban quản lý Lăng Âm linh tại Mân Thái cho biết thêm.

Nét văn hóa đặc sắc

Tùy theo mỗi địa phương, lễ hội cầu ngư được tổ chức trong vòng 2 hoặc 3 ngày. Tuy diễn ra chỉ vài ngày nhưng công tác chuẩn bị khá công phu. Trước ngày diễn ra lễ hội khoảng nửa tháng, các chư phái tộc của làng, vạn trưởng, ban phụng sự di tích Lăng, chính quyền địa phương cùng họp bàn để bầu ra Ban tổ chức lễ hội.

Trong khi đó, khoảng vài ngày trước thời gian tổ chức lễ hội, các tàu thuyền đánh cá tập trung về neo đậu gần bờ, treo cờ Tổ quốc. Đồng thời, Ban tổ chức cùng nhân dân dựng rạp, trang trí bàn thờ rực rỡ và trang nghiêm tại nơi diễn ra lễ.

Ngày đầu tiên sẽ diễn ra lễ nghinh thần. Lễ này được tổ chức trang nghiêm với lễ rước trên biển, lễ cúng, đọc văn tế mời thủy thần chứng dám lòng thành của ngư dân. Sau lễ nghinh thần, tiến hành các nghi lễ cầu an, cầu ngư nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi. Trong ngày này, còn diễn ra lễ nghinh sắc (sắc phong của nhà vua) hoặc nghinh văn (văn tế) về lăng và lễ vọng.

Lễ tế chính diễn ra vào ngày thứ hai, bao gồm lễ tế âm linh và lễ tế thần. Văn tế trong lễ chủ yếu ca ngợi công đức cứu nhân độ thế của cá Ông.

Về phần hội, chủ yếu là các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển như: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... và hát bả trạo, múa tường trình, thả hoa đăng, lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển…

Cần nâng tầm lễ hội cầu ngư

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội cầu ngư không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau hơn, đoàn kết, xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa.

Hơn nữa, lễ hội cầu ngư không còn gói gọn trong phạm vi cư dân tại địa phương mà thu hút nhiều người dân và du khách tham gia. Ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố nhận định: “Từ sự phục hồi lễ hội trên dưới 15 năm trở lại đây cho thấy sự biến đổi trong lễ hội, có sự đan xen giữa cổ truyền và đương đại, đặc biệt phần hội ngày càng được chú trọng đã làm thay đổi thành phần tham gia lễ hội. Người tham dự lễ hội như đi xem hội chứ không phải đi lễ hội, nghĩa là người đi xem lễ hội không đóng vai trò tham gia, là chủ thể của lễ hội mà chỉ là người đi xem hội, thưởng thức và hưởng thụ từ lễ hội - tức hưởng thụ di sản văn hóa phi vật thể”.

Từ những lý do trên, nhiều bậc cao niên tại các làng biển mong muốn lễ hội cầu ngư được các cấp lãnh đạo quan tâm, nâng tầm lễ hội, để giới thiệu nét văn hóa tâm linh miền biển đến đông đảo người dân thành phố và cả du khách nước ngoài.

Lễ hội cầu ngư tại Đà Nẵng:

- Ngày 15 và 16-1 âm lịch, tại miếu thuyền (đường Nguyễn Tất Thành), phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê.

- Ngày 25 và 26-1 âm lịch, tại Lăng Âm Linh, phường Mân Thái và tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà.

- Ngày 15 và 16-2 âm lịch, tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà.

- Ngày 15-2 âm lịch tại Lăng Ông Hải Nam, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

- Ngày 19-2 âm lịch tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.

- Ngày 4-3 âm lịch, tại Lăng Miếu Ông, phường Thuận Phước, quận Hải Châu.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.