Văn hóa - Giải trí
Trịnh Lữ: Vừa quen vừa lạ
Trịnh Lữ, cái tên này mới nghe đã thấy quen quen. Ông chính là người đã giúp nhiều độc giả Việt Nam tiếp cận tác phẩm Life of Pi qua bản dịch xuất sắc Cuộc đời của Pi.
Hoạ sĩ - dịch giả Trịnh Lữ. Ảnh: H.T.PHỐ |
Với cuốn sách ấy, ông đã nhận cú đúp giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2004 và Hội Nhà văn Việt Nam 2005.
Nhớ tới Cuộc đời của Pi, nhiều người nhớ đến một loạt sách Trịnh Lữ đã dịch và xuất bản ở Việt Nam: Con nhân mã ở trong vườn, Utopia, Bí mật chôn vùi - Sự thật tàn bạo (giải Pulitzer năm 2004), Người trong bóng tối, Đại gia Gatsby cùng hàng loạt sách “khó đọc” mang tính nghiên cứu khác. Đặc biệt là Rừng Na Uy qua bản dịch của Trịnh Lữ nghe nói đã tiêu thụ cả vạn bản ở Việt Nam.
Nhưng Trịnh Lữ không chỉ là người giỏi tiếng Anh. Bởi nếu chỉ có thế, chắc ông đã an phận với công việc của phóng viên, biên tập viên tiếng Anh - Đài Tiếng nói Việt Nam; hay an phận với biệt danh “Tuấn tiếng Anh” mà đồng nghiệp ở Đài thường gọi (tên thật của Trịnh Lữ là Trịnh Hữu Tuấn). Sinh năm 1948 ở Hà Nội, người đàn ông này tài hoa hơn sự tưởng tượng của mọi người khi mới quen, mới gặp. Ông không chỉ dịch sách mà còn có tài thiết kế nội thất. Ngoài ra, ông còn là một nghệ sĩ piano nghiệp dư, một cây bút truyện ngắn ẩn chứa nhiều phong vị hoài cổ.
Trịnh Lữ bấy nhiêu thôi vẫn còn chưa đủ! Người ta còn nghe kể ông từng có 15 năm làm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên Hợp Quốc, đi Đông đi Tây cũng nhiều, cơ hội cũng lắm nên tranh ông vẽ được triển lãm ở cả New York (Mỹ).
Nhưng trời Tây không hấp dẫn được “giai Hà Nội”. Cách đây hơn chục năm, Trịnh Lữ cùng vợ trở về, thi thoảng mới làm chuyến “rong ruổi”. Hè năm ngoái, ông có chuyến đi dài quanh vùng Milwakee, bên bờ hồ Michigan, tiểu bang Wisconsin (Mỹ). Đáng kể, chuyến đi ấy bằng xe đạp, tổng cộng hơn 100 ngày. Cứ đạp xe và nhìn ngắm. Chỗ nào thấy ưng, ông dừng xe, hạ giá vẽ và mực màu xuống, vẽ trực họa tại chỗ. Cả trăm bức tranh đã được hoàn thành trong chuyến rong ruổi ấy. Khi mang tranh về Hà Nội, bạn nghề xem thấy thú vị. Thế là Trịnh Lữ được khích lệ làm triển lãm để những người đã đọc sách Trịnh Lữ dịch, đã nghe danh tiếng của ông, hay thuần túy muốn xem Trịnh Lữ vẽ vời thế nào, có thể đến phòng triển lãm vừa xem, vừa trò chuyện với ông.
Tác phẩm Dĩ vãng của Trịnh Lữ. |
“Đi vẽ phong cảnh Mỹ”, tên phòng tranh được bày ở một địa chỉ lạ: 31-33 Hàng Đồng, trong phố cổ Hà Nội nhỏ và hẹp. Nhưng 67 bức trực họa sơn dầu của Trịnh Lữ đưa người ta đến với những cảnh sắc 4 mùa tuyệt đẹp, nơi nhiều người ước ao một lần đặt chân đến. Mỗi bức tranh của họa sĩ Trịnh Lữ thể hiện một rung cảm khác nhau trước thiên nhiên.
Tên tranh cũng được ông đặt theo từng cảm xúc khởi sinh ra tác phẩm, chứ không phải là ghi chú hình ảnh trong tranh. Một đặc điểm nổi bật trong tranh Trịnh Lữ là các tác phẩm dù vẽ những cảnh khác nhau nhưng đều mang một chiều sâu, với không gian bao la, rộng lớn. Bởi Trịnh Lữ quan niệm phong cảnh là hình tượng của trời, đất và đời. Vẽ phong cảnh không hẳn là đi tìm những hình tượng đất, trời và đời, mà là vẽ cái hữu duyên chợt nhìn thấy, nhận ra. Bởi vậy, tranh phong cảnh Trịnh Lữ trước hết thể hiện sự giao cảm của bản thân họa sĩ với cảnh.
Ban đầu, Trịnh Lữ chỉ định bày khoảng 20 bức. Nhưng khi xem tranh, bạn nghề đều “xúi” ông nên bày nhiều hơn. Vì thế, 67 bức được bày chật kín cả phòng triển lãm, chật như cái phố Hàng Đồng ngày đêm rộn rã bước chân người.
Nhưng điều thú vị hơn, bước vào phòng tranh này, người ta còn được tiếp cận với những câu chuyện hậu trường vẽ tranh rất thú vị. Kể cả khi tác giả không có mặt ở đây, không ân cần, chu đáo một cách tỉ mỉ kể về cái cớ vẽ bức này bức kia của mình, thì cuốn sách Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ vừa ra mắt sẽ làm điều đó. Cuốn sách kể tỉ mỉ, tâm tình về chuyến du hành cùng hội họa để mọi người hiểu rõ hơn về thời tiết, cảm xúc của tác giả. Đó là những câu chuyện nho nhỏ xoay quanh cuộc độc hành với chiếc xe đạp và bảng vẽ, mà tác giả bảo rằng, có lúc ông đã hóa thành những khóm cây, ngọn cỏ hay những vệt nắng, vẩn mây…
Cái gen tài hoa của Trịnh Lữ được thừa hưởng từ cha mẹ: hai họa sĩ Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương. Ông Trịnh Hữu Ngọc và bà Nguyễn Thị Khang dạy con trai Trịnh Hữu Tuấn vẽ từ nhỏ, “vẽ như một cách tu thiền”. Trịnh Lữ bảo, từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, ông đã vẽ phong cảnh về Hà Nội. Tuy vậy, những tác phẩm này công chúng chưa được biết đến nhiều.
Trịnh Lữ, rằng quen thì quen thật, nhưng cũng còn vô khối điều lạ cần khám phá.
HOÀNG THU PHỐ