Văn hóa - Giải trí

Nặng lòng với cổ vật

07:51, 06/04/2015 (GMT+7)

“Bén duyên” với cổ vật hơn 30 năm nay, cái tên “Khánh đồ cổ” - Phạm Phú Khánh đã quá quen thuộc trong giới chơi đồ cổ ở Đà Nẵng và miền Trung.

Ông Phạm Phú Khánh đặc biệt quý những món đồ gốm sứ ký kiểu triều Nguyễn. Ảnh: NGỌC DUNG
Ông Phạm Phú Khánh đặc biệt quý những món đồ gốm sứ ký kiểu triều Nguyễn. Ảnh: NGỌC DUNG

Nghề chơi lắm công phu và tốn kém của Phạm Phú Khánh được học từ nhiều bậc thầy đồ cổ khắp trong Nam, ngoài Bắc mà ông có cơ duyên gặp từ những ngày chập chững vào nghề.

Thông điệp hòa bình

Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Ông Ích Khiêm, căn nhà rợp bóng cây của ông Khánh thu hút mọi ánh nhìn bởi sắc màu phong phú của thế giới cổ vật từ cửa đến mọi ngóc ngách trong nhà. Nhiều vật dụng như: bàn ghế, tủ, bệ thờ, câu đối, đến bát đĩa, bình hoa… đều là đồ cổ. Chỉ tính riêng những món đồ cổ còn giữ lại đến nay, bộ sưu tập của ông có thể lên đến vài ba trăm món. Trong đó, có món có niên đại trên 1.000 năm, có món chỉ vài trăm hoặc mấy chục năm trở lại đây.

Nhưng theo ông Khánh, cái quý của cổ vật không chỉ ở niên đại. Quan niệm của ông trong nghề sưu tầm cổ vật là “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ cổ”. Ông yêu vẻ đẹp tươi sáng, sạch sẽ, tròn vẹn. Mỗi cổ vật cần là một câu chuyện hoàn chỉnh, nên với anh, những cổ vật có niên đại hàng nghìn năm nhưng sứt mẻ, méo mó, hoặc khó gột sạch thì cũng không hẳn là quý giá nhất.

Đi khắp 3 tầng nhà với thế giới đồ cổ được bày biện gọn ghẽ, không khó để nhận thấy những bộ đồ gốm sứ chiếm ưu thế, nhất là gốm sứ ký kiểu triều Nguyễn.

Sứ ký kiểu triều Nguyễn là loại sứ được sản xuất thủ công, do vua quan nhà Nguyễn đi sứ Trung Hoa đặt làm tại các lò gốm sứ theo yêu cầu về mẫu mã, đề tài riêng. Gốm sứ ký kiểu kéo dài trong 400 năm từ thời Lê - Trịnh đến thời Nguyễn sau này. Nhưng theo Phạm Phú Khánh, sứ ký kiểu thời Nguyễn có giá trị hơn cả vì đẹp, tinh xảo hơn hẳn và rất hiếm.

“Cốt nguyên liệu để làm ra các loại bình hoa, bát đĩa ký kiểu Triều Nguyễn được mài từ đá được lấy trên núi Kim Sơn (Trung Quốc), sau lắng lấy bột tinh, trộn với đất đã lọc kỹ. Các hoa văn tinh xảo vẽ bằng cọ được làm từ lông mèo quấn chặt, mực vẽ từ thảo dược, cây cỏ. Mỗi món đồ từ khi bắt đầu qua các công đoạn đến hoàn chỉnh mất rất nhiều công sức”, nâng một bình gốm ký kiểu quý ra khỏi tủ kính, ông Khánh giới thiệu.

Điều khiến “Khánh đồ cổ” mê mẩn những món đồ gốm sứ ký kiểu triều Nguyễn không chỉ bởi dáng vẻ đẹp đẽ, tinh xảo bên ngoài, càng không vì thước đo giá trị vật chất trên thị trường, mà còn bởi những câu chuyện mang khát vọng hòa bình, yên ấm của cha ông được gửi gắm trên những món đồ “rất thiêng” này. Những cảnh Thiên hạ thái bình, Ngư tiều canh mục với cánh đồng, dòng sông, con đò, mái chèo, cỏ cây, hoa lá…, làng quê Việt xưa luôn là thứ “bùa đặc biệt” đối với nhà sưu tầm cổ vật Phạm Phú Khánh. Ông có thể mất hàng giờ để giới thiệu về xuất xứ, câu chuyện của các món đồ này với người tâm giao.

Nghề của đam mê

Nghề chơi đồ cổ xưa vốn tốn kém và đòi hỏi nhiều tâm sức, ngày nay muốn theo đuổi thú chơi này càng không dễ dàng, nhất là ở Đà Nẵng - nơi chưa có bề dày về nghề sưu tầm đồ cổ như hai đầu Nam, Bắc. Ông Khánh cho rằng, không phải ai cũng theo được nghề chơi đồ cổ. Bên cạnh đam mê, còn cần kiến thức sâu rộng về nghề và đó thực sự là một nghề nghiêm túc. “Trong thời buổi thật giả lẫn lộn như hiện nay, đi 100 lần thì may mắn vài ba lần gặp đúng đồ cổ thật, còn lại hầu hết đều là đồ copy, đồ giả cổ. Không chịu khó dấn thân, thật khó sống được với nghề”, ông Khánh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của ông Khánh, những món đồ cổ có giá trị trên dải đất miền Trung này nằm rải rác ở các tỉnh Quảng Bình vào đến Bình Định; riêng Quảng Nam - Đà Nẵng thì vùng Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) trước đây được coi là một trong những nơi trù phú của đồ cổ, nhà cổ… Tuy nhiên, theo ông Phú Khánh, đồ cổ là món đồ chơi không thể áp đặt một bản đồ địa lý, hay một cách định giá tuyệt đối nào. Tất cả có thể được gói trọn trong chữ “duyên”.

Vì vậy, tuy ông đã gây dựng được cơ ngơi tương đối nhờ đồ cổ nhưng không có nghĩa chơi đồ cổ theo cách chăm chú tính toán lợi nhuận thì thành công. Nghề gì cũng cần cái tâm sáng. Với nghề đồ cổ, ông Khánh nghĩ rằng, yêu cầu này càng nghiêm ngặt. Ai không đứng vững được trên lập trường này thì rất khó sống với nghề. Bởi thế, trong giới chơi đồ cổ, có người thành tỷ phú nhờ thú chơi này, nhưng cũng có người khuynh gia bại sản cũng vì đồ cổ.

Hiện nhà sưu tập Phạm Phú Khánh sở hữu khá nhiều món đồ cổ có giá trị. Chỉ tiếc là mấy người con của ông không có ai có niềm đam mê giống cha nhưng ông không nghĩ nhiều về điều này. Ông tự nhận mình là người sống vô tư, thong thả, không có thói quen lo xa… Khi còn sức ông sẽ còn lên đường theo tiếng gọi của niềm đam mê, còn những chuyện sau đó thì không suy tính nhiều. Có lẽ vì cách sống an nhiên như thế mà khi gặp Phạm Phú Khánh, không ai nghĩ ông sắp bước qua tuổi 60 và sở hữu gia tài đồ cổ cùng những kiến thức, kinh nghiệm về nghề chơi đáng nể bậc nhất, nhì Đà Nẵng.

NGỌC DUNG

.