Trong không gian chỉ khoảng 40m2 nhưng diện tích dành cho sách nhiều hơn diện tích sinh sống của cả gia đình gồm 4 người. Chủ nhân căn nhà đặc biệt này là ông “vua sách cũ” Đà thành Trương Văn Thông.
Ông Trương Văn Thông giữa không gian sách sưu tầm hơn mấy chục năm qua. |
Chỉ có sách và sách...
Cầm trên tay địa chỉ 187/2 Hùng Vương nhưng chúng tôi cứ loay hoay trước tấm bảng “Mua bán sách báo cũ + mới”. “Tìm ông Thông sách cũ hả? Đi thẳng vào đó kìa”, một người dân đầu hẻm chỉ đường. Đây là cái ngách nhỏ, chỉ đủ rộng cho một người đi bộ. Men theo lối này khoảng chục mét, chúng tôi dừng trước căn nhà nhỏ có cánh cửa màu xanh cũ kỹ. Giống như chuyện cổ tích, khi cánh cửa này mở ra là một kho tàng sách bên trong.
Ngay cả chiếc bàn chúng tôi ngồi cũng lọt thỏm giữa núi sách và đây là khoảng không gian rộng rãi duy nhất trong nhà, vừa là nơi gia đình ăn cơm, vừa là nơi tiếp khách. Nhìn quanh đâu đâu cũng thấy sách: nào sách triết học, kinh tế, kỹ thuật, từ điển đến truyện, thơ… Sách đầy bốn bức tường, chất cao tận mái tôn, quanh giường ngủ, lấn tận xuống bếp. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều có sự hiện diện của sách và mọi thứ trong nhà chẳng có gì quý giá ngoài sách.
Xoay quanh câu chuyện sở hữu gần 70.000 cuốn sách như ngày hôm nay là tình yêu đặc biệt dành cho sách của ông Thông. Người đàn ông ở độ tuổi 63, nhưng gần 50 năm gắn bó với sách kể rằng, ông thích đọc từ nhỏ, hồi học lớp 3, hễ thấy cái gì có chữ là đọc. Mẹ đi chợ về, ông thấy những tờ giấy gói bánh, gói tiêu… thì vớ lấy mà đọc. “Khi tôi học cấp 2 và cả cấp 3, sách vẫn là cái gì đó khá xa xỉ. Khi học đại học tại Sài Gòn, tôi nhịn khoản tiền ăn học mà gia đình gửi để mua sách. Nhưng để vừa với túi tiền, tôi phải lùng trong kho của nhà sách những cuốn được xuất bản đã lâu, có khi khệ nệ ôm ra mớ sách thì người lấm lem bụi bặm”, ông Thông nhớ lại.
Năm 1975, ông về Đà Nẵng, dù tốt nghiệp Văn khoa, Luật khoa, sau đó là ngoại ngữ, nhưng vì nhiều biến cố, sau thời gian làm phiên dịch cho công ty nước ngoài, ông trải qua nhiều nghề khác để sinh sống. Cuộc sống gặp khó khăn nhưng niềm đam mê sách của ông không thay đổi. “Tiền cạn, sách không thể tự đẻ ra, nhưng không có sách đọc là bứt rứt, khó chịu lắm. Thế là tôi nghĩ việc mở một tiệm sách cũ để bán bớt sách mình đã đọc và đổi lấy những cuốn mình chưa đọc. Có như vậy mới đọc được nhiều sách. Thế mà đã hơn 20 năm”, ông Thông nói.
Chia sẻ niềm đam mê sách
Bà Lượng, vợ của ông Thông chia sẻ: “Hồi còn trẻ, mỗi khi ổng đọc xong cuốn sách nào hay thì kể cho tôi nghe. Dần dần tôi cũng thích sách. Tôi hài lòng vì hai con của mình ảnh hưởng ít nhiều từ ba nó. Từ ngày mở quầy bán sách báo trên đường Hàm Nghi, tôi bỏ nghề cho thuê băng đĩa để về phụ ổng”.
Cũng theo bà Lượng, nghề bán sách cũ không kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng nhờ bán phụ thêm xăng và mấy tờ báo nên trang trải qua ngày. Điều đáng quý là từ nơi này, nhiều người hỏi và tìm đến trao đổi sách, chia sẻ tình yêu sách với ông Thông.
Khó tìm đâu ra người bán sách am tường nhiều lĩnh vực, tỉ mỉ giới thiệu những cuốn sách hay, chọn lựa cẩn thận từng cuốn theo nhu cầu của người mua như ông Thông. Có nhiều cuốn sách ông Thông chỉ để đọc, không bán. Quý mến những người có cùng đam mê, ông còn cho mượn sách về nhà đọc vài ngày.
Theo ông Thông, khách đến mua sách đa dạng, nhiều nhất vẫn là những người lớn tuổi, tìm đến sách bầu bạn vì họ xa lạ với công nghệ thông tin. Lứa tuổi học trò đến 90% quan tâm truyện tranh, chỉ 10% đọc những truyện mang tính xây dựng, giáo dục. Cũng nhiều bạn trẻ 21, 22 tuổi có am hiểu đáng nể, say mê Kinh Thi, Kinh Dịch và tìm những cuốn sách quý, sách ngoại ngữ không phổ biến như tiếng Hà Lan, Tây Ban Nha…
“Những người thích đọc sách thường ít tiền nên tìm mua sách cũ. Hơn nữa, người ta yêu sách cũ vì dù màu không đẹp, giấy đen, xỉn màu nhưng từng lời, từng con chữ được chăm chút cẩn thận. Trong khi đó, nhiều sách mới giá thành cao nhưng được biên tập, in ấn cẩu thả, thậm chí đánh lừa độc giả với những tựa sách rất “kêu”, nội dung trống rỗng. Tôi không lo người ta quay lưng với sách, nhất là sách cũ, vì cái gì có giá trị thì sẽ tồn tại theo thời gian. Tôi cũng chưa bao giờ có ý định tìm hiểu tại thành phố ai sở hữu nhiều sách cũ hơn mình. Cái tên “vua sách cũ” do khách tự đặt. Tôi chỉ quan tâm chia sẻ niềm đam mê sách với những người trân trọng sách và niềm vui của tôi là sau một ngày bề bộn công việc được đắm mình trong kho tàng tri thức của nhân loại”, ông Thông tâm sự.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ