.

Như có Bác trong ngày vui đại thắng

.

Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Tuyên, chúng ta nhớ ngay nhiều ca khúc của ông như: Chú voi con ở Bản Đôn, Tiến lên đoàn viên, Hành khúc Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đêm pháo hoa, Cánh én tuổi thơ, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội… Trong đó, không thể không kể đến bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: H.T.P
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: H.T.P

Ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng được Phạm Tuyên sáng tác mừng ngày thống nhất đất nước 30-4-1975. Khi đó, người nhạc sĩ 45 tuổi này đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Tin tức chiến thắng từ khắp nơi bay về, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến rất gần đã thôi thúc ông phải viết một bài ca mừng ngày giải phóng.

Đặc biệt, ngày 28-4-1975, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin phi công không lực Việt Nam, cộng hòa ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi nghe thông tin này, cảm xúc trong ông thật khó tả. Ở thời điểm ấy, một số nhạc sĩ cũng đã viết xong bài hát của mình và bắt đầu công bố. Phạm Tuyên phải bỏ dở một bản hợp xướng 4 chương đã được Ban Tuyên huấn - Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ sáng tác trước đó để tìm chủ đề cho bài hát mới. Ông nghĩ đến Bác Hồ - linh hồn của cuộc kháng chiến đã không còn để vui cùng toàn dân tộc. Thế là nảy ra trong ông tứ thơ “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng”. Đêm đó, ông ôm đàn guitar từ 21 giờ 30 đến 23 giờ 30 để ký âm và viết xong ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng.

11 giờ ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng. Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, khi đó là nhà báo Trần Lâm, hỏi một số nhạc sĩ đang công tác ở đài: “Các anh đã có bài hát nào chưa? Sài Gòn giải phóng rồi. Đúng 17 giờ hôm nay, Đài sẽ chính thức công bố tin toàn thắng ra thế giới. Sau khi công bố phải có gì cho có không khí!”.

Khi đến lượt, nhạc sĩ Phạm Tuyên báo cáo đã viết được một bài nhưng không biết có phù hợp hay không. Nhà báo Trần Lâm nhìn tựa đề Như có Bác trong ngày vui đại thắng, liền nói: “Hay lắm! Ông thử hát xem nào”.

Sau khi nghe Phạm Tuyên hát, ông Trần Lâm rơm rớm nước mắt: “Trúng rồi! Tuyệt rồi! Thu thanh ngay để kịp phát sóng”.

Vậy là dàn đồng ca và dàn hợp xướng được triệu tập gấp để dàn dựng ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng.

Đến bản tin chiều phát lúc 17 giờ ngày 30-4, sau tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên lần đầu tiên được phát khắp mọi miền Tổ quốc: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông/ Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa, kháng chiến đã thành công! Việt Nam, Hồ Chí Minh!/ Việt Nam, Hồ Chí Minh!/ Việt Nam, Hồ Chí Minh!/ Việt Nam, Hồ Chí Minh!/ Việt Nam, Hồ Chí Minh!

Bài hát vỏn vẹn 64 chữ, được bật ra trong hai tiếng đồng hồ nhưng gửi gắm sự dồn nén suốt 45 năm sống cùng nhân dân và đất nước của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Cũng chính bởi sự ngắn gọn và cô đọng đó nên ngay sau khi được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng, Như có Bác trong ngày vui Đại thắng được hầu hết người dân Việt Nam thuộc lòng, tìm được chỗ đứng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nối tiếp những ca khúc nổi tiếng khác như: Tiến quân ca (Văn Cao), Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước), v.v…

Trong căn phòng nhỏ tràn ngập kỷ vật âm nhạc ở khu tập thể Vạn Phúc (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên nói rằng, ông luôn xem âm nhạc là vũ khí. Phạm Tuyên nhớ mãi câu nói của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: “Phạm Tuyên ơi, âm nhạc là vũ khí đấy. Nếu biết sử dụng thì nó mang sức mạnh cụ thể”. “Trong những năm kháng chiến, chức năng quan trọng nhất của âm nhạc là cổ vũ động viên là rất quan trọng. Nó sẽ trở thành sức mạnh nếu âm nhạc nói lên tiếng nói của mọi người và cộng đồng lúc ấy”, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.