Văn hóa - Giải trí
Pete Pepper ở Đà Nẵng
Một buổi chiều tháng 4 trên đường Bạch Đằng, tôi ngồi một mình ở quán cà-phê nhìn ra sông Hàn. Một dãy khán đài khổng lồ đang được dựng bên kia sông để chuẩn bị cho lễ hội pháo hoa dịp 30-4.
Pete Pepper trên đường phố Bạch Đằng. Ảnh: T.Đ.THẮNG |
Ở đó, mấy chục năm trước là những khu nhà chồ xiêu vẹo, nhếch nhác của ngư dân. Gần đó, đoạn cầu Đen là một căn cứ Hải quân Mỹ, hằng ngày tấp nập trực thăng lên xuống, bụi mù…
Tôi nghĩ những hình ảnh đó đã trở thành cổ tích của thành phố với những bạn trẻ hôm nay. Bỗng một người Mỹ dong dỏng cao, vai mang máy ảnh bước vào quầy. Rồi ông bưng cốc cà-phê ra chỗ bàn tôi và hỏi có thể ngồi đây không…
Chúng tôi ngồi bên nhau và trở thành quen biết. Thì ra Pete Pepper cũng là nhà báo. Ông tốt nghiệp trường báo chí Hawaii năm 1971 sau khi rời chiến trường Việt Nam. Ông từng là phi công trực thăng Lữ đoàn 1, Sư đoàn Không quân 101 đóng tại Đà Nẵng, Phú Bài những năm 1965-1967… Ông kể rằng, ông có nhiều kỷ niệm ở đây và đã 7 lần trở lại Việt Nam từ năm 2002. Khi nói về mình, Pete chỉ cho biết, ông là Giám đốc điều hành Quỹ giúp đỡ cựu binh Mỹ.
Nhưng thông qua hoạt động của mình, ông trở thành người sản xuất, viết kịch bản và sản xuất bộ phim tài liệu nổi tiếng Killing Memories. Tại Liên hoan phim hy vọng và tự do (Hope and Freedom Film Festival) tổ chức tại Art Theatre Long Beach (California, Mỹ), phim này đã được giới phê bình đánh giá rất cao.
Killing Memories là câu chuyện có thật của Pete Pepper và các bạn của ông. Báo chí Mỹ cho rằng, tác giả đã chia sẻ một câu chuyện đầy kịch tính về con người với những bằng chứng bi thương và sự chuộc lỗi. Nó khám phá nội tâm của một cá nhân và chia sẻ trong chuyến đi của một cựu binh, người đã kết nối lại liên lạc với các quân nhân cũ trong những giờ phút đen tối nhất…
Câu chuyện của Pete bắt đầu với cái chết của Ann, vợ anh. Bà đã tự tử bằng khẩu súng của chồng còn giữ từ chiến tranh Việt Nam. Pete kể: “Chúng tôi gặp nhau năm 1986 và kết hôn một năm sau đó. Cô ấy đã chết vào năm 2004, hơn 17 năm sau… Ann từng đến Việt Nam trên chuyến bay của World Airways. Cô sinh ra ở New York nhưng gia đình chuyển đến căn cứ không quân Clark ở Philippines sau đó không lâu, cho đến khi cô về học đại học tại Mỹ… Cha Ann là nhân viên dân sự nhưng làm việc tại căn cứ không quân và mẹ là nhân viên thư ký ở đó…
Ann trở thành nhà môi giới bất động sản thành công ở thung lũng Silicon. Với nhan sắc nổi trội, cô có ưu thế trong kinh doanh. Sau khi Ann qua đời, tôi đưa câu chuyện này lên phim, có thông tin xác nhận rằng cô từng bị xâm hại tình dục khi mới 12 tuổi nhưng cô đã giấu điều này. Giống như nhiều cặp đôi khác, khi nghỉ hưu, chúng tôi phải tìm một nơi đẹp để sống và đã chuyển từ San Jose đến một nơi khá biệt lập ở quận Sonoma County. Và chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể tự làm mới cuộc sống của mình”.
Một ngày kia, Ann tự vẫn bằng chính khẩu súng mà chính Pete đã mua và luôn giữ bên mình cả trước cũng như sau chiến tranh ở Việt Nam. Pete chán nản, nhiều lúc muốn kết liễu cuộc đời vì hối hận, buồn đau…
“Tôi nghĩ rằng, mọi cựu chiến binh như chúng tôi đều gặp một số khó khăn dai dẳng. Khẩu súng mà Ann đã sử dụng để tự vẫn là nỗi ám ảnh đối với tôi. Tôi vẫn giữ khẩu súng này bên mình khi trở về. Tất cả chúng tôi đều phải làm một việc giống nhau, đó là quên đi phần đời trong quá khứ. Nhưng trong những ngày đen tối đó, tôi đã nhận được cuộc gọi từ một người lính cũ của tôi rằng, anh ấy đã đi tìm tôi từ lâu.
Lúc đó, tôi đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất chưa từng có. Tôi sống cô độc hằng tháng sau cái chết của Ann. Tôi có thể tự tử! Tôi chẳng thiết sống nữa… Nhưng một trong những điều lớn nhất ngăn cản tôi trước cái chết là mối ràng buộc với những người lính của mình…”.
Sau cuộc điện gọi đó, Pete vội vã bay đi Chicago và gặp 3 người bạn. Sau này, họ đều có mặt trong phim. Pete kể: “Tôi bắt đầu gặp lại đơn vị cũ, Lữ đoàn 1, Sư đoàn 101 Không quân. Tôi cũng gặp lại nhiều bạn khác và rốt cuộc họ đồng ý để tôi chỉ huy chuyến đi bởi tôi đã quay lại Việt Nam từ năm 2002 với con trai tôi và có nhiều kinh nghiệm. Tôi đặt ra mục tiêu của chuyến đi cho 5 người với hy vọng đây là chuyến đi chữa bệnh (therapeutic) cho họ”.
Bộ phim Killing Memories của Pete Pepper đã bắt đầu từ cái chết của Ann và kết thúc là những cuộc gặp gỡ xúc động, nhiều nước mắt với các cựu binh, những người dân thường Việt Nam tuy còn nhiều vất vả, khó khăn vì hậu quả chiến tranh để lại, nhưng đầy nhân hậu, cởi mở và thương yêu nhau.
Pete nói: “Việt Nam đã cho chúng tôi thấy thế nào là hệ quả của chiến tranh. Chiến tranh vẫn còn đó dù những người lính tham chiến năm xưa đã trở về nhà”.
Pete cũng nói rằng, chiến tranh đã qua đi nhiều thập niên nhưng các cựu binh phía Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi như một gánh nặng. “Nếu chúng tôi đã gây ra cuộc chiến với nhiều khổ đau thì chúng tôi phải chia sẻ những mất mát, khổ đau đó với mọi người”, Pete trầm ngâm.
Câu chuyện của chúng tôi bên bờ sông Hàn vẫn chưa kết thúc. Pete cho biết, ông đang viết một cuốn sách về những lần đến Việt Nam và Đà Nẵng. Cuốn sách không thể tự nó có được, mà phải từ những chuyến đi. Và lần này, ông sẽ dành nhiều trang cho Đà Nẵng…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG