Vào những năm 70 của thế kỷ XX, Đông Trình là một trong những nhà thơ có nhiều sáng tác hay, tác động tốt đến phong trào đấu tranh đô thị của sinh viên, học sinh miền Nam, trong đó có Đà Nẵng.
Có thể khẳng định rằng, từ những bài thơ của ông, kẻ ít người nhiều, đều có ảnh hưởng nhất định trong việc lựa chọn con đường đến với cách mạng, đến với dân tộc hoặc định hướng trong việc làm thơ, làm nhạc.
Đối với những anh em phong trào, trong suy nghĩ của mình, bao giờ cũng dành chỗ tốt đẹp nhất cho Đông Trình và thơ Đông Trình. Thơ Đông Trình vào những năm từ 1968 đến 1975 là những trang văn đầy chất lửa, đốt cháy lên bao khát vọng của tuổi trẻ. Ông là một trong những thành viên sáng lập nhóm VIỆT, tại Huế, 1968, với tuyên ngôn: “Trong hoàn cảnh cùng khổ chung, người nông dân còn kiên gan cúi xuống cày cấy trên ruộng đồng bom đạn, chúng tôi vẫn kiên tâm cúi xuống viết lách trên vùng đất văn hóa trổ đầy trái độc”.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ngành Việt Hán, năm 1968, nhà giáo Nguyễn Đình Trọng, bút danh Đông Trình, về giảng dạy tại Trường trung học Phan Châu Trinh-Đà Nẵng.
Vào những năm 60, 70, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất tại miền Trung, nơi diễn ra các cuộc đối đầu chiến lược giữa ta và địch về các mặt quân sự, chính trị, văn hóa… Các cuộc xuống đường lớn chống Mỹ-Diệm, chống Mỹ-Thiệu, chống bầu cử độc diễn, chống đôn quân bắt lính… diễn ra thường ngày. Chính từ hiện thực này, nhiều bài thơ Đông Trình ra đời, đăng trên các báo, tạp chí Bách khoa, Văn, Ý thức, Khởi hành, Đối diện, Đứng dậy và có mặt trong nhiều tuyển tập thơ của các hội sáng tác sinh viên trong và ngoài nước.
Khi in tập thơ Rừng dậy men mùa, do Đối Diện xuất bản -1972, Đông Trình nói rõ quan niệm: “Tôi in thơ chắc chắn không phải để tự tấn phong mình, vì tôi vốn quan niệm rằng, trong ý nghĩa sâu sắc mà người làm văn nghệ có ý thức phải chấp nhận là người làm thơ và người làm ruộng không có gì khác nhau”.
Nhiều bài thơ của Đông Trình, trong thế hệ chúng tôi, đều lưu giữ những hình ảnh đẹp, hào sảng, đa cảm, sục sôi nhiệt huyết, đầy ý thức trong nhận đường và hành động, trong dấn thân và chấp nhận:
Bạn bè ta, những thằng nuôi chí lớn
Luyện văn chương thành một lưỡi
gươm thần
…
Có những chiều vàng ta lên núi
Anh em cùng trích máu ăn thề:
Bao giờ quê hương còn lửa khói
Chí cả đường dài ta cứ đi…
(Hành ca cho một tương lai đã nhìn rõ mặt)
Trong thơ ông vẫn có nỗi buồn, đó là một nỗi buồn trong trẻo, như “người ngồi nhớ núi” của một đất nước chiến tranh với bao chia lìa, xa cách:
Xin một ngày trở lại
Nắng rơi trên lối mòn
Mẹ mừng run tay gậy
Ngoài vườn hương cau thơm.
Ta một mình với núi
Rụng không hết lá buồn
Ta một mình thở khói
Vào thiên nhiên cô đơn.
(Người ngồi nhớ núi)
Nhưng rồi, trước sự khốc liệt của cuộc chiến, người thầy giáo-làm thơ như ông không thể “ngồi yên như một gã câm”. Ông đóng hai vai, một vai người thầy, lại là giảng dạy văn chương, làm sao thông qua lời giảng để có thể chỉ ra con đường cho thế hệ trẻ nên chọn và một vai người làm thơ với ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước “một vùng văn hóa trổ đầy trái độc”, cần có sự kiên tâm và dũng khí làm người. Dường như là, suốt những năm mà chúng tôi gần gũi, làm việc với ông, trên đôi vai ấy, ông đã gánh vác được hai thiên chức này.
Bài thơ “Trong nhà tù, trong nhà nguyện” không vẽ nên hai thế giới, như tên đề bài. Cả bài thơ là những tụng ca về một người tù yêu nước. Người tù ấy bị trói tay, mặt úp vào tường, bị quân thù đánh tới tấp từ phía sau, “máu thấm từng dòng trên tóc trên lưng”.
Thế nhưng:
Thịt đã lóc dần trên các khớp xương
Nhưng quả tim hồng cháy lên ngọn nến
Tiếp lửa mặt trời thắp sáng quê hương.
Trên tạp chí Đối diện số 39, tháng 9-1972, đăng bài Hạo khí ca. Bài thơ ra đời được nhiều người đón nhận, trân trọng. Bài thơ dung dị, gần gũi đời thường, đấy là hạt cơm trời mỗi ngày ba bữa ta ăn, đấy là dòng sông hằng ngày ta vẫn tắm, đấy là đỉnh núi, hang đá quê hương, đấy là cây rừng, thôn xóm… Nhưng bên trong mỗi hình ảnh, mỗi tế bào sông núi là những phần xương thịt của cha ông, nhiều đời để lại. Bao câu hỏi vang lên, ta phải trả lời: Có bao giờ, có bao giờ… Bài thơ là sứ điệp truyền thông về sức mạnh kiên cường của nhân dân ta:
Qua đồn giặc chị len từng bước nhẹ
Trong yếm hồng đã giấu sẵn mật thư
Ai biết được dưới gánh hàng của mẹ
Có đầu con trai máu thắm màu cờ?
Sau 1972, chính quyền Sài Gòn ra tay đàn áp phong trào đấu tranh đô thị của trí thức, sinh viên-học sinh một cách khốc liệt, chưa từng có. Tất cả đều bị bắt và giam tại các nhà lao ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ và các địa phương khác. Trong tình thế đó, sáng tác của phong trào cũng bị lắng xuống. Chính thời điểm này, Đông Trình lại luôn có mặt một cách tích cực, dũng cảm.
Những bài thơ giai đoạn 1973-1975, Đông Trình đặt tên Hoa đã hướng dương. Những bài thơ vang lên bao cung bậc, không chỉ đậm đà những tình tự dân tộc mà còn là hồi kèn thôi thúc, xung trận, kêu gọi mọi người đứng lên, theo tiếng gọi non sông. Những bài thơ đi vào nhà trường, vào các buổi sinh hoạt văn nghệ, đi vào thuyết trình văn học… Hoa đã hướng dương, khi được in ra, đó là bài thơ trong lành như những giọt sương ban mai, lóng lánh trên cành cây ngọn cỏ, là những đóa hoa xinh xắn, mơn mởn, hướng về ánh mặt trời. Bài thơ viết cho số bạn trẻ, giã từ trường lớp, bạn bè, thầy cô, giã từ sự ấm êm của gia đình, giã từ cuộc sống đầy đủ của phố thị để thoát ly ra vùng giải phóng, chấp nhận sự hy sinh.
Ngày em đi, tôi không có ở nhà
Ngày em đi, tôi đang sống rất xa
Không bắt được tay, không hôn được mặt
Không được mừng em một dòng nước mắt
Như mừng quê hương sáng chói
bình minh…
Nếu được tiễn em chắc tôi phải khóc
Ai không sinh ra đời với một trái tim…
Những ngày tháng của 1973, 1974, Đông Trình tổ chức nhiều buổi nói chuyện thơ văn tranh đấu, thời sự văn chương, lý tưởng tuổi trẻ tại nhiều trường học tại Đà Nẵng, Hội An. Những bài nói chuyện được nhóm thân hữu như Mai Đức Lộc, Nguyễn Khoa Chiến, Đặng Ngọc Khoa… tập hợp in thành sách có tên Giữa vòng tay thân hữu.
Vào buổi chiều mùa đông năm 1974, giữa khuôn viên chùa Pháp Lâm (thường gọi chùa Tỉnh hội, nằm trên đường Ông Ích Khiêm), trời âm u, mưa nhẹ, không gian như trầm xuống, hàng ngàn bà con, đủ thành phần, trí thức, tu sĩ, tiểu thương, học sinh, người đạp xích lô, xe thồ, nhân dân lao động làm thuê, dự buổi lễ ra mắt Mặt trận nhân dân cứu đói thành phố Đà Nẵng. Hôm đó, với giọng xúc cảm của mình, Đông Trình đã đọc bài thơ dài 107 câu, nêu lên các cảnh đói: “Anh đói em, chồng đói vợ, thầy đói trò/ Ruộng đói người, đất đói phân, cây đói trái/ Nguồn đói nước, mẹ đói con, thuyền đói lái” và “Đất nước ta no bom, no đạn, no xâm lăng/ Gái no thanh lâu, trai no ma túy/ No phe cánh, no gia nô, no quyền thế/ No mồ hôi, no nước mắt, no máu no xương”. Bài thơ không chỉ làm bao người rớm lệ mà như khối thuốc nổ tung ra giữa lòng thành phố.
Hôm sau, tờ Điện Tín đăng nguyên văn bài thơ của Đông Trình. Bài thơ đi vào các chợ, các nhà trường, các bệnh viện, các đường phố… gây nên hiệu ứng lớn trong xã hội.
Năm 1975, nói như Chế Lan Viên, đó là “Năm vĩ đại, ngày vĩ đại”, cũng như bao người dân Việt Nam khác, sau bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ, đánh đổi bằng máu và nước mắt, không một ngôi nhà nào bình yên, không một trái tim nào không bị rướm máu, chia lìa và mất mát, cái giá cho độc lập và tự do quá lớn, trước hiện thực đó, Đông Trình có những vần thơ chân thành, ngợi ca cuộc sống mới. Có một bài thơ dài, đến 32 khổ, có tên Một tuổi tình yêu, một tuổi thành phố, viết cho thành phố Đà Nẵng, vào tháng 3-1976, bằng thủ pháp đối lập, tác giả mô tả đan xen giữa cái cũ và cái mới, hôm qua và hôm nay, quá khứ và hiện tại:
Ta yêu nhau nên biết quý cuộc đời
Những đêm buồn đã tắt giữa ngày vui
Có niềm hạnh phúc long lanh nước mắt
Có nắng xuân hồng lên giữa thu phai…
Bài Ý nghĩa của thời gian đăng trên tạp chí Đứng dậy số 82, ra ngày 30-4-1976, chào mừng một năm thống nhất đất nước, nhà thơ đã nói về Tổ quốc mình bằng tình yêu chân thành:
Em ơi em! Tháng ngày Việt Nam có
bao giờ cũ?
Giữa mùa xuân này, Đất nước bỗng
lớn lên
Ta đứng trên này, đỉnh cao lịch sử
Xin hiến dâng đời nguyên vẹn trái tim…
Những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, đất nước như vặn mình để vươn lên và đứng dậy, cái được cũng nhiều và cái mất cũng lắm. Trái tim đa cảm, chạm vào những vấn đề thế sự, dễ thường không thể hững hờ. Đông Trình nghiêng xuống những cảnh đời đau khổ, sẻ chia với đồng bào của mình về những mất mát, những vết thương chưa lành của một cuộc chiến tranh kéo dài. Vinh quang đấy, song cũng đầy nước mắt và bi kịch. Chiến tranh đi qua, bỏ lại đằng sau bao làng quê nghèo nàn, bao cuộc đời trầm luân, bao số phận nổi trôi. Lộ ra sau cơn bão như nhát dao, cứa vào trái tim người đọc, day dứt và tê tái: “Lộ ra những ngôi nhà tốc mái/ Lộ ra những đời người trống trải/ Lộ ra trẻ con/ Những đứa trẻ đói ăn/ Tóc quăn tiền sử/ Ngây ngô và tư lự/ Hồn nhiên và già nua”.
Trong các tác phẩm của Đông Trình viết vào đầu thập niên 80, Mẹ và Lửa thơ gây xúc động nhiều người. Năm 1984, một chủ trương ra đời, chính quyền xây những ngôi nhà khang trang, mời những mẹ liệt sĩ, không nơi nương tựa về nuôi dưỡng. Mọi việc “đều có người lo”, từ “điếu thuốc miếng trầu” đến “áo quần thay ra có người đi giặt”… Vậy mà “Dần dần các mẹ bỏ ra đi/ Đi về đâu không ai hiểu được”.
Có mẹ thẫn thờ ngồi ngoài trường học
Vào mỗi chiều hôm như ngóng đợi ai về
Có mẹ dật dờ men theo lũy tre
Mắt nhìn ngu ngơ đếm cành đếm lá
Bỗng ngồi sụp xuống bên mô đất lở
Nơi trước kia là miệng một căn hầm
Có mẹ lang thang ra phía bờ sông
Ngày nào cũng chỉ ngồi nhìn dòng
nước chảy
Có một con thuyền trôi theo hướng ấy
Qua rồi… Chiến tranh !
Khi trở về có mẹ quơ theo ít cây cành
Vào phòng riêng tự tay mình nhóm lửa
Chẳng nấu nướng gì đâu-trầm
ngâm tư lự
Lẩm nhẩm gọi tên người và nước mắt
dào ra…
Những người phục vụ là những người trẻ, không hiểu vì sao:
Tại sao nơi đây-vào buổi chiều-
người già hay khóc
Có bếp chung rồi sao còn nhómlửa riêng…
“Các mẹ đã đi về đâu /Chúng ta không biết cách trả lời!”. Ôi chiến tranh! Những bà mẹ đã mất con, mất chồng - những người thân đã ra đi và không bao giờ trở lại…
Suốt gần bốn thập niên, kể từ ngày đất nước thống nhất, thơ Đông Trình vẫn đau đáu về phận người. Nhiều câu thơ, bài thơ bày tỏ tâm tư, trăn trở đầy thao thức của một công dân trước những vấn đề của cuộc sống. Có thể nói, đối tượng thẩm mỹ phản ánh trong thơ Đông Trình trước và sau 1975 vẫn là những mảnh đời bất hạnh, đứng bên lề cuộc sống, là tiếng thơ lay động của một trái tim không chỉ dịu dàng, trầm lắng mà còn quyết liệt, dữ dội.
Trước 1975, Đông Trình là một trong những gương mặt tiêu biểu của dòng văn học yêu nước tại các đô thị miền Nam. Sau 1975, với những sáng tác mới, thêm một lần, nhà thơ khẳng định sự đóng góp của mình vào văn học hiện đại Việt Nam nói chung và văn học đất Quảng nói riêng, đúng như nhà văn Phan Tứ nhận xét: “Đông Trình gần như là cây bút duy nhất tại Quảng Nam-Đà Nẵng đã có sáng tác tốt trước 1975 và cả từ 1975 đến nay. Anh vẫn được bạn đọc yêu mến và tin cậy”.
HUỲNH VĂN HOA