ĐNĐT - Đã thành truyền thống, hằng năm, cứ đến ngày Quốc giỗ 10-3 âm lịch, đình làng Hải Châu (quận Hải Châu) và đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) lại rộn ràng mở hội.
Lễ chánh tế tại lễ hội đình làng Hải Châu. Ảnh: Thanh Tân |
Không gian văn hóa cộng đồng
Đúng 7 giờ sáng nay 28-4 (nhằm ngày 10-3 âm lịch), lễ hội đình làng Hải Châu 2015 chính thức khai mạc. Nghi lễ chánh tế, dâng hương, thả chim bồ câu cầu quốc thái dân an… được cử hành trang trọng, trước sự ngưỡng vọng, thành kính của đông đảo người dân địa phương.
Ông Lê Tú Anh, Phó trưởng Ban tổ chức cho biết, đình làng Hải Châu được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001. Sau nhiều năm vắng bóng, từ năm 2009 đến nay, lễ hội đình làng Hải Châu được khôi phục với quy mô ngày càng lớn. Riêng năm nay, tham gia các hoạt động lễ hội tại đình làng Hải Châu có đến 35 đội thi của các phường, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Vì vậy, không đợi đến ngày khai mạc chính thức, hơn 3 ngày nay, tại khuôn viên đình làng (thuộc phường Hải Châu 1) đã có nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục thể thao sôi nổi như: liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi nhảy bao bố, đi cà kheo, thi cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, biểu diễn cờ người…
Việc tham gia, thi thố trong các trò chơi dân gian, đậm tính cộng đồng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Mỗi đội thi không phân biệt già trẻ, trai gái đều dốc sức, nỗ lực hết mình qua các phần thi. Để rồi, khi ban tổ chức thông báo giải thưởng, thì niềm vui được chia đều cho tất cả mọi người.
“Những phần thưởng có thể rất nhỏ, có phần thi không có giải, nhưng niềm vui tinh thần thì khó nói hết. Cảm giác mọi lo toan thường nhật, áp lực công việc tan biến trong tiếng hò reo cổ vũ, trong cả những giọt mồ hôi nỗ lực của người dự thi”, chị Lữ Thị Trâm Anh, đến từ Trung trâm y tế quận Hải Châu, một trong những đơn vị tham gia rất nhiệt tình tất cả các phần thi của lễ hội đình làng Hải Châu năm nay, chia sẻ.
Hướng về nguồn cội
Lễ hội đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-4 (tức 9&10-3 âm lịch), với phần lễ theo nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa đình làng Việt Nam và phần hội sôi nổi, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia.
Lễ tế tiền hiền tại đình làng Thạc Gián diễn ra trong không khí trang nghiêm, theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Hà |
Theo ông Nguyễn Ngọc Quốc, ban trị sự đình làng Thạc Gián, từ bao đời nay, mỗi năm đến ngày này, dân làng đều tổ chức các nghi lễ cúng tế, tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã khai hoang, lập nên làng ấp. Đó là Lễ cáo đất trời, Lễ tế âm linh, Lễ tế xuân, Lễ tế tiền hiền theo các nghi thức truyền thống như khai thông, lệnh, kiểng cổ, chinh cổ, nhạc, đọc văn tế…
Lễ hội đình làng Thạc Gián được tổ chức quy mô hơn, có thêm phần hội kể từ năm 2009 và tổ chức 2 năm/lần. Theo ông Quốc, thay đổi không khó để nhận thấy là từ ngày khôi phục đến nay, lễ hội đình làng Thạc Gián ngày càng trở thành không gian văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người dân.
Có mặt tại lễ hội từ sáng sớm trong trang phục áo dài, khăn đóng chỉnh tề, ông Phạm Hà (84 tuổi) thành khẩn thắp hương cho các bậc tiền hiền và dừng lại thật lâu trước một bảng sắc phong. Với ông, đây là những hiện vật minh chứng cho công lao của các bậc tiền hiền những ngày khai hoang, lập ấp. Ông chia sẻ: “Cây có cội, nước có nguồn. Đây là đạo lý cần phải nhớ. Lễ hội đình làng Thạc Gián trùng ngày Giỗ tổ Hùng Vương, âu đó cũng là sắp xếp của các bậc cha ông xưa với mong muốn con cháu tưởng nhớ đến những người có công dựng nước, tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền tạo dựng làng ấp ngày nay, hun đúc tình yêu nước, lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”.
Trong khi đó, với nhiều bạn trẻ, đây là dịp để họ tìm hiểu về vùng đất nơi mình sinh ra, vừa tham gia những trò chơi hấp dẫn. “Nhiều người cho rằng tuổi trẻ bây giờ không thích lịch sử, không quan tâm văn hóa truyền thống. Nhưng chúng tôi ít có cơ hội để tìm hiểu. Lễ hội đình làng chính là không gian văn hóa, thu hút giới trẻ tìm hiểu về truyền thống của cha ông”, một bạn trẻ nói.
Theo tài liệu được lưu giữ tại đình làng, làng Thạc Gián được hình thành vào thời vua Trần Nhân Tông mở rộng Châu Ô và Châu Rí và sau này thuộc 1 trong 66 làng của phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trải bao thăng trầm, đình làng Thạc Gián là một trong số ít ngôi đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ được những hiện vật có giá trị gồm 18 sắc phong, 38 chiếu, chỉ của các triều đại hậu Lê, Nguyễn.
THANH TÂN - NGỌC HÀ