Văn hóa - Giải trí
Câu chuyện viết bằng tem
Câu chuyện về Bác Hồ được viết không phải bằng chữ mà bằng… tem. Với hàng trăm con tem quý về Bác, ông Phạm Trung Kiên (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã tái hiện câu chuyện xuyên suốt về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ, vị cha già của dân tộc mà ông hằng kính yêu.
Ông Phạm Trung Kiên nâng niu bộ sưu tập tem về Bác như một báu vật. |
Những con tem nhuốm màu thời gian
Căn nhà của ông Phạm Trung Kiên nằm trong con hẻm khá yên tĩnh. Đó cũng là nơi ông dành một phòng để lưu giữ bộ tem quý, phim tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Bằng những con tem nhuốm màu thời gian, chúng tôi như chứng kiến toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, bắt đầu từ những con tem về Bác Hồ lần đầu được in ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Lào, Cuba và các nước Mỹ Latinh thể hiện con đường cứu nước của Bác, đến những con tem về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…
Trong bộ sưu tập của ông Kiên có cả những con tem có hình ảnh Bác được in vào tháng 8-1946 trên giấy dó hay bưu thiếp của người dân hai miền Nam - Bắc gửi cho nhau vào năm 1963 bị chế độ cũ giữ lại… Đặc biệt hơn, có khoảng 100 con tem dị bản (bản in có lỗi đường viền, thường được hủy tại nhà in, không phát hành).
Có những con tem in hình Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945 hay những phong bì in ngày phát hành đầu tiên cũng là giờ phút Bác Hồ qua đời, đóng dấu nhật ấn của Bưu điện Việt Nam đúng 9 giờ 47 phút ngày 3-9-1969 với dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến”.
Độc đáo hơn, bộ sưu tập tem về Bác có những chiếc phong bì thực gửi và dấu nhật ấn ngày phát hành tại địa phương. Những chiếc phong bì ố vàng này luôn được ông nâng niu, trân trọng.
Bộ sưu tập tem của ông với nhiều con tem có giá trị lịch sử, đánh dấu chặng đường hoạt động cách mạng của Bác. Ảnh: P.TRÀ |
Mang thông điệp lịch sử
Sinh ra ở vùng đất Quảng Nam, chàng thanh niên Phạm Trung Kiên xung phong vào chiến trường khi mới 14 tuổi. 16 tuổi, Kiên là biệt động nội thành khu Đông - Sông Đà (quận 3, Đà Nẵng cũ). 18 tuổi, Kiên được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận năm 1971. “Với tôi, Bác Hồ luôn là tấm gương sáng”, ông Kiên thổ lộ. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông dành tầng trên cùng để thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với ông Kiên, bộ sưu tập tem về Bác Hồ như báu vật. Bộ tem chuyên đề về Bác của ông được nhận giải Bạc tại triển lãm tem bưu chính quốc gia (Vietstampex 2005). Ông kể, ban đầu ông tìm kiếm và lưu giữ tem thư do muốn giữ lại cho riêng mình hình ảnh về Bác bởi lòng kính yêu và ngưỡng mộ Người. “Đối với tôi, việc có một con tem về Bác là niềm vui sướng vô bờ. Nếu thấy ai có con tem in ảnh Bác thì tôi hỏi mua cho bằng được”, ông Kiên thổ lộ.
Có lần ông Kiên đã bỏ hàng triệu đồng hoặc đổi đồng hồ chỉ để có được một con tem và bì thư có ảnh Bác. Cũng có lúc ông chấp nhận đổi một con tem quý trong bộ sưu tập để lấy con tem về Bác Hồ.
Ông Kiên tự nhận mình là người may mắn bởi sau ngày hòa bình, công tác ở ngành Bưu điện nên có nhiều thuận lợi để sưu tầm tem về Bác. “Ngày trước, mình chỉ nghĩ tem như một thứ bưu hoa để trả phí dịch vụ nhằm vận chuyển thư nhưng thật sự nó mang thông điệp lịch sử và là tác phẩm hội họa nhiều ý nghĩa. Đó là những con tem biết nói”, ông Kiên thổ lộ.
Ông Kiên còn trăn trở rằng, học sinh và nhiều người hiện vẫn chưa biết, chưa hiểu hết lịch sử dân tộc, đặc biệt là cuộc đời của Bác. Ông Kiên cho biết, nhà ông luôn mở cửa đón khách với mong muốn ngày càng có nhiều người đến xem bộ tem về Bác, để biết và hiểu nhiều hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Người.
PHƯƠNG TRÀ