Văn hóa - Giải trí
Khai hội làng Khuê Trung và lễ tế nghĩa sĩ Đà Nẵng
ĐNĐT - Sáng 3-5, tại quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang, UBND quận Cẩm Lệ và phường Khuê Trung tổ chức khai hội làng Khuê Trung, lễ giỗ tổ Tiền hiền và lễ tế nghĩa sĩ Đà Nẵng để tưởng nhớ hàng ngàn nghĩa binh đã vị quốc vong thân trong những năm kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860).
Dâng hương tưởng nhớ các vị tướng quân và hơn 1.000 nghĩa sĩ vị quốc vong thân trong những năm kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860). |
Hằng năm, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, cán bộ và nhân dân phường Khuê Trung nói riêng, quận Cẩm Lệ nói chung náo nức tham gia các hoạt động lễ tế vong linh các nghĩa sĩ, cúng Miếu Bà, giỗ các vị Tiền hiền làng Khuê Trung tại Nghĩa trủng Hòa Vang và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Đây là nét đẹp thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử.
Năm nay, lễ tế nghĩa sĩ Đà Nẵng, giỗ tổ Tiền hiền và hội làng Khuê Trung được tổ chức vào hai ngày 3 và 4-5 (tức ngày 15 và 16-3 âm lịch) với các hoạt động như: thi các môn văn hóa - thể thao, dân gian truyền thống, lễ Tiên thường, rước kiệu, dâng lễ tại Miếu Bà, lễ tế nghĩa sĩ Đà Nẵng, sinh hoạt lửa trại, giỗ Tiền hiền, tọa đàm “Cẩm Lệ, một số vấn đề lịch sử, văn hóa tiêu biểu”.
Sau lễ khai mạc hội làng Khuê Trung, hàng trăm vận động viên và người dân của 9 khu dân cư đã sôi nổi tham gia 4 môn thể thao dân tộc là: kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, bước chân đoàn kết và 3 môn thi văn hóa dân gian là: têm trầu cánh phượng, chưng quả, cắm hoa.
Ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung cho biết: “Năm nay, lễ tế nghĩa sĩ Đà Nẵng, giỗ tổ Tiền hiền và hội làng Khuê Trung được chúng tôi tổ chức quy mô và sâu, rộng hơn, thiết thực hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Không chỉ nhằm mục đích tiếp tục bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn kêu gọi xây dựng, phát triển quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang ngày càng khang trang, xanh, đẹp và xây dựng bản sắc văn hóa tốt đẹp của người làng Khuê Trung”.
Người dân các khu dân cư ở Khuê Trung thi chưng quả, cắm hoa, têm trầu cánh phượng để dâng các nghĩa sĩ đã vị quốc vong thân và các vị Tiền hiền làng Khuê Trung. |
Khi liên quân Pháp và Tây Ban Nha tiến đánh Đà Nẵng vào năm 1858, Cẩm Lệ là một trong trong những phòng tuyến quan trọng của quân dân ta trong hệ thống tường lũy kéo dài từ phía Tây núi Phước Tường đến tận sông Hàn. Trong gần 2 năm (1858-1860) chống lại tàu đồng, đạn sắt của ngoại xâm, dưới sự chỉ huy của Tổng đô đốc Quảng Nam danh tướng Nguyễn Tri Phương, nhiều trận đánh ác liệt đã nổ ra, hàng nghìn chiến sỹ và đồng bào ta đã anh dũng hy sinh.
Song trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ, việc mai táng chỉ được tổ chức vội vàng, đơn sơ, tạm thời nhiều nơi. Mãi đến tháng 5-1866, tức năm Tự Đức thứ 19, trên 1.000 hài cốt được quy tập về xứ Trủng Bò, làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang. Đến năm 1920, Pháp mở rộng sân bay Đà Nẵng, Nghĩa trủng dời về Vườn Bá, xứ Trảng Dài, làng Khuê Trung. Năm 1962, Mỹ lại mở rộng sân bay, một lần nữa Nghĩa trủng lại phải dời đến khu Bình Hòa 1 thuộc tổ 97, phường Khuê Trung ngày nay.
Trung tâm Nghĩa trủng có một ngôi mộ lớn, trên bia xi măng cẩn hàng chữ “Tiền triều Đại tướng quí công mộ”, đây chính là mộ của vị Đại võ tướng dưới trướng Nguyễn Tri Phương, có hình dáng cao to khác thường và là chỉ huy đồn Hóa Khuê tên Nguyễn Trọng Ân. Hai bên tả hữu có hơn 1.000 ngôi mộ được thiết kế cân phân ngay thẳng. Nghĩa trủng Hòa Vang được Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 1-4-1999.
Tháng 3 năm Kỷ Sửu (2009), Nghĩa Trủng có thêm 2 ngôi mộ của 2 vị tướng là Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ Nguyễn Viết Hân và Phó Quản cơ sung Tiền bảo nhị vệ Hiệp quản Nguyễn Thượng Chất được đưa về từ Nghĩa trủng Phước Ninh (do quy hoạch mở đường Nguyễn Văn Linh nối dài đến cầu Rồng) được bài trí về phía bên trái.
HOÀNG HIỆP