Hội thảo về học giả - nhà văn - GS Nguyễn Đổng Chi vừa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc của ông đối với nền văn hóa, văn học hiện đại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu cũng như trong lĩnh vực sáng tác.
GS - học giả Nguyễn Đổng Chi |
Hội thảo do Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và NXB Trẻ tổ chức nhân 100 năm ngày sinh của học giả Nguyễn Đổng Chi.
GS Nguyễn Đổng Chi (6-1-1915 - 20-7-1984) quê gốc Hà Tĩnh nhưng sinh tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), là con của nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Đổng Chi làm chuyên viên Ban Sử học của Viện Khoa học xã hội (KHXH) thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Hán Nôm thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam. Năm 1979, ban này trở thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Nguyễn Đổng Chi được bổ nhiệm quyền Viện trưởng.
Nhắc đến Nguyễn Đổng Chi, nhiều độc giả nhớ ngay đến ông với bộ truyện cổ tích Việt Nam đã nằm lòng suốt từ ngày thơ bé. Ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì và tại nhiều tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang có đường phố mang tên ông.
Nhận xét về học giả Nguyễn Đổng Chi, PGS,TS Nguyễn Thành Thi, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng qua mảng sưu tầm, nghiên cứu biên khảo về văn học dân gian (Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh) và dân tộc học (Người Ba Na ở Kon Tum), chân dung nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi hiện lên rõ nét. “Đó là một nhà nghiên cứu văn học dân gian xông xáo, một nhà văn hóa tiên phong- mở đường, một nhà biên khảo sáng tạo, chuyên nghiệp với nhiều công trình khả tín, hiện đại về lý luận và dồi dào vốn liếng điền dã cũng như tư liệu thực tế”, PGS,TS Nguyễn Thành Thi nhấn mạnh.
Tập sách đặc biệt của học giả Nguyễn Đổng Chi vừa được tái bản. |
Trong khi đó, PGS,TS Trần Thị An, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam lại cho rằng, GS Nguyễn Đổng Chi thực sự là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu thần thoại mà vài chục năm sau vẫn chưa có chuyên khảo nào tiếp bước.
Nói về việc sưu tầm, biên soạn hàng trăm truyện cổ tích Việt Nam đến nay vẫn được coi là “bản mẫu chuẩn” của các thế hệ người Việt, PGS,TS Trần Thị An đánh giá: “Thành công của bộ sưu tập 200 truyện cổ tích của ông thể hiện ở chỗ vừa mang tính bao quát và phong phú, vừa mang tính chọn lọc và đại diện; vừa mang tính hồn nhiên của một thể loại truyện truyền miệng, lại vừa mang tính nghệ thuật cao với cách kể được gọt giũa trau chuốt.
Đặc biệt, các bản kể trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam thể hiện bản sắc của văn hóa dân tộc nên ông hoàn toàn xứng đáng được so sánh với các nhà văn hóa lớn trên thế giới như Charles Perrault, Jacob Ludwig Karl Grimm và Wilhelm Karl Grimm”.
Còn PGS,TS ngữ văn Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Ngoài Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam nổi tiếng, GS Nguyễn Đổng Chi còn là cây bút phóng sự xuất sắc với tác phẩm ấn tượng Túp lều nát (xuất bản năm 1937, bút danh Nguyễn Trần Ai) làm giới nghiên cứu ngạc nhiên và cảm phục. Không có phóng sự nào viết về tầng lớp nông dân dưới ách địa chủ cường hào phong kiến trước năm 1945 có được cái nhìn sắc sảo và thái độ dũng cảm, quyết liệt như vậy”.
Phóng sự Túp lều nát in năm 1937 ký bút danh Nguyễn Trần Ai, theo GS Phong Lê, là “một phóng sự văn chương về tình cảnh khốn khổ của dân quê xứ Nghệ, ra đời cùng lúc với Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan”.
GS Phong Lê cũng cho rằng, Nguyễn Đổng Chi trước hết là nhà khoa học có tư chất bách khoa, trong buổi đầu hình thành khoa học văn chương, khoa học nhân văn và xã hội ở ta. Ông nhấn mạnh: “Nếu thời kỳ 1930-1945 là thời kỳ phát triển và hoàn thiện nền văn chương học thuật Việt Nam hiện đại thì ở chặng cuối của nó - thời kỳ 1941-1945 là thời xuất hiện những tác phẩm tiêu biểu trên 3 lĩnh vực: phê bình, nghiên cứu, lý luận văn học.
Đó là Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, và Văn học khái luận của Đặng Thai Mai.
Trong 6 tên tuổi đã kể trên thì Nguyễn Đổng Chi là người trẻ nhất - chưa đến 30 tuổi. Như vậy, chỉ riêng với Việt Nam cổ văn học sử, Nguyễn Đổng Chi đã xác lập một vị trí quan trọng trên tiến trình hiện đại hóa văn chương học thuật dân tộc. Thế nhưng, trước đó ông đã có Mọi Kontum - một công trình dân tộc học có giá trị, viết chung với Nguyễn Kinh Chi”.
GS Nguyễn Đổng Chi đã rời xa cõi trần gần hơn 30 năm. GS Phong Lê cho rằng: “Nhân cách, cốt cách kẻ sĩ xứ Nghệ của Nguyễn Đổng Chi trong mọi ứng xử của đời thường, với tất cả những ai quen biết, hoặc có quan hệ gắn bó rộng hẹp với ông thuộc các thế hệ là điều rất đáng ghi nhớ và trân trọng.
Mất ở tuổi 69, sau số lượng các công trình đồ sộ đã được in, trong tư cách một nhà khoa học lớn, một nhà văn hóa, và còn nhiều bản thảo chưa in, nhiều dự định còn chưa kịp thực hiện, đó là một thiệt thòi, một tiếc nuối lớn cho khoa học văn chương ở xứ ta”.
Dịp này, NXB Trẻ cũng giới thiệu những tựa sách của học giả Nguyễn Đổng Chi vừa được tái bản. Trong đó, đáng chú ý, công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi được in thành 2 tập dày tới gần 2.000 trang, bìa cứng, đóng hộp. Ngoài ra, còn có: Túp lều nát, Gặp lại một người bạn nhỏ… |
MAI HOÀNG