Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ không bộ môn nào đòi hỏi diễn viên phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe như múa.
Nghề múa đòi hỏi người diễn viên phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Trong ảnh: Một tiết mục múa trong chương trình ca múa nhạc Đà Nẵng đất Đồng Long kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3. Ảnh: NGỌC DUNG |
Theo NSND - biên đạo múa Lê Huân, múa là loại hình nghệ thuật vừa không gian, vừa thời gian; diễn viên múa thực thụ cần năng lực cảm thụ âm nhạc, diễn xuất, cả sự tưởng tượng và nhiều kỹ năng khác trên sân khấu. Vì vậy, chỉ những ai có năng khiếu và tình yêu thực sự thì mới sống được với nghề.
Khổ luyện…
NSƯT Thiện Tâm, một trong những học sinh xuất sắc của trường múa Việt Nam những năm 1966-1971, vẫn nhớ như in những năm tháng ông được đào tạo bài bản ở trường múa ngày ấy, tất cả học sinh phải tuân thủ nội quy “như người máy”.
Thời gian học văn hóa, luyện múa, ăn, ngủ đều được quy định sít sao, đặc biệt mỗi ngày phải thực hành, ôn luyện múa từ 9-10 tiếng đồng hồ. “Hôm nào cũng vậy, ít nhất phải 10 giờ đêm mới về đến phòng, mồ hôi ướt đẫm. Quần áo, giày dép vắt ra nước, bàn chân, bàn tay bầm dập, rướm máu vì các bài tập là chuyện thường”.
Có điều, “mặc dù chân tay, các khớp xương người nào cũng thường xuyên trong tình trạng mỏi nhừ, đau nhức, nhưng chẳng ai dám lơ là tập luyện, bởi niềm say mê nghề nghiệp, bởi những áp lực từ thầy cô, bạn bè... và hơn thế nữa là muốn được thành nghề, được sống với niềm đam mê của mình. Lúc bước vào nghề này, tôi mới 14 tuổi, nhưng tôi vẫn kiên trì”, NSUT Thiện Tâm kể.
Biết nghề múa vất vả, học sinh trường múa ngày ấy thuộc diện được Nhà nước ưu ái, xếp vào loại lao động nặng, như công nhân mỏ, và được hưởng mức trợ cấp lương thực cao nhất. Cụ thể, theo chế độ tem phiếu, công chức các ngành khác mỗi người chỉ được hưởng 12,5kg gạo/tháng; riêng nghề múa thì được hưởng đến 22,5 kg/tháng/người.
NSND - biên đạo múa Lê Huân cho biết, ngày trước, để theo được nghề múa, yêu cầu trước hết thí sinh phải có hình thể đẹp, chỉ hơi béo, hơi thấp, chân tay hơi cong, gương mặt thiếu “bắt mắt” thì bị loại ngay từ vòng đầu. Những người được tuyển buộc phải có độ dẻo của cơ thể, cảm thụ âm nhạc tốt và có khả năng sáng tạo để tưởng tượng ra các động tác múa theo yêu cầu của hội đồng thi. “Tôi biết mình có chiều cao khiêm tốn, khó đáp ứng được yêu cầu khắt khe về hình thể của diễn viên múa, nhưng vì mê loại hình nghệ thuật này quá nên chọn học vào lớp biên đạo”, NSND Lê Huân nói vui.
Nói vậy, song học biên đạo và sống được với nghề biên đạo múa là chuyện không dễ. Bằng chứng là cùng khóa học (khóa đầu tiên của trường múa Việt Nam) với NSND Lê Huân hồi ấy có 32 người, nhưng đến nay, mỗi người một ngả rẽ. Ngoài NSND Lê Huân, hiện không còn ai sống và thành danh được với nghề. Theo ông, ngày nay, việc đào tạo và học múa có phần “nhẹ” hơn trước nhưng thời nào cũng vậy, đã bước vào cái nghiệp dùng “ngôn ngữ cơ thể” để biểu đạt những hình tượng nghệ thuật thì không tránh khỏi những trầy trật, nhọc nhằn.
Tuổi nghề ngắn, thiếu đất diễn…
Trước khi là giảng viên khoa múa của Trường Trung học Văn hóa - nghệ thuật Đà Nẵng, cô giáo Lê Thị Hậu từng là diễn viên múa của các đoàn ca múa nhạc Bình Dương, Bình Thuận và Đà Nẵng. Tốt nghiệp loại ưu ngành múa Trường Cao đẳng nghệ thuật quân đội năm 1998, diễn viên trẻ Lê Thị Hậu không kể thêm về những nhọc nhằn, vất vả của người học múa, bởi cô nghĩ, để thành tài ở bất kỳ lĩnh vực nào thì việc khổ luyện là yêu cầu tất yếu.
Tất nhiên, nghề múa có những đòi hỏi đặc thù và rất khắt khe. Điều đáng nói đối với những người đã “trót” theo nghiệp múa là trải qua được những năm tháng rèn luyện trong trường học đã khó, nhưng sống được với nghề càng khó hơn.
Khi vừa tốt nghiệp được phân bổ ngay về làm việc trong những môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, ổn định, nhưng diễn viên múa Lê Thị Hậu thừa nhận rằng, khi ở đoàn Bình Dương, Bình Thuận hay Đà Nẵng, chị đều phải tranh thủ “chạy sô” ngoài giờ mới đủ sống. “Những năm trước, có ít đoàn nghệ thuật nên việc kiếm tiền từ những sô diễn ngoài giờ khá dễ dàng, nay khó hơn, vì các đoàn nghệ thuật đủ thể loại và yêu cầu mọc lên như nấm, trong khi đất diễn ở Đà Nẵng cũng như miền Trung nói chung ngày càng thu hẹp”, diễn viên múa Lê Thị Hậu nhìn nhận.
Thu nhập thấp, múa lại có tuổi nghề ngắn và khá kén khán giả là những lý do khiến không nhiều người trẻ mặn mà với nghề. Đối với nữ theo nghiệp múa, thông thường chỉ đến khoảng 35 tuổi coi như hết tuổi nghề. Vì vậy, từ tầm 30 tuổi, nhiều diễn viên múa thường bắt đầu nghĩ về những ngả rẽ khác nhằm tìm kiếm sự ổn định cho cuộc sống và đây cũng là một trong những lý do để diễn viên múa Lê Thị Hậu chuyển công tác từ Đoàn ca múa nhạc sang trường Trung học Văn hóa - nghệ thuật.
“Tôi biết mình may mắn vì đã tìm được ngả rẽ tốt, vừa có thể sống với nghề, vừa bảo đảm cuộc sống, nhưng không ít người phải ngậm ngùi đi học rồi làm những việc không liên quan đến đam mê như thợ may, thợ cắt tóc…”, diễn viên múa Lê Thị Hậu bùi ngùi.
Theo nhìn nhận của những người tâm huyết với nghiệp múa, Đà Nẵng rất thiếu những sân khấu chuyên nghiệp. Thực tế, “chạy sô hội nghị thì ít, đám cưới thì nhiều”, hay dễ dãi trong đào luyện nghề của nhiều diễn viên trẻ hiện nay ở Đà Nẵng không phải là không có nguyên do. “Chúng tôi thật sự rất khó trả lời những câu hỏi của học sinh trong trường như học xong các em sẽ làm việc ở đâu, thu nhập như thế nào…, trong khi biên chế của hai đoàn ca múa chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố hầu hết đều đã đủ; còn sân khấu, tụ điểm ca múa nhạc thường xuyên thì quá ít”, giảng viên Lê Thị Hậu băn khoăn.
Hạnh phúc với tình yêu nghề Theo những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt như NSND Lê Huân, NSƯT Thiện Tâm, thời kỳ gian khổ nhất và cũng hạnh phúc nhất là những năm tháng biểu diễn phục vụ chiến trường. “Đói khổ, thiếu thốn vật chất không kể hết, nhưng trái tim mỗi diễn viên trên sân khấu chiến trường ngày ấy luôn được sưởi ấm bởi tình cảm của đồng bào, chiến sĩ. Có đêm phải diễn đến 5 vai, 5 gương mặt, nhưng bao giờ cũng diễn xong mới biết mệt”, NSƯT Thiện Tâm tự hào nhớ lại. “Bước qua thời bình, niềm vui của tôi mỗi ngày là được sáng tạo và cống hiến. Với tôi, trạng thái thư giãn nhất là khi dồn tâm sức để sáng tạo những tác phẩm múa”, NSND Lê Huân chia sẻ. Trải qua nhiều nhọc nhằn, gian khổ nhưng điểm chung của những người đã chọn nghề múa như NSND Lê Huân, NSƯT Thiện Tâm, giảng viên Lê Thị Hậu chưa bao giờ chán nản, hối hận. Họ luôn tự hào vì mình là những người diễn viên, biên đạo múa. |
THANH TÂN