.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Thái Nghĩa

.

Vậy là những khoảnh khắc mong manh của sự sống qua từng giờ, từng phút đã khép lại, trái tim nhạc sĩ Thái Nghĩa đã ngừng đập vào lúc 15 giờ chiều nay- ngày 15 tháng 5 năm 2015.

Tác giả và nhạc sĩ Thái Nghĩa
Tác giả và nhạc sĩ Thái Nghĩa

Buổi sáng, trên đường vào bệnh viện C Đà Nẵng thăm nhạc sĩ Thái Nghĩa, tôi còn nói với nhà thơ Nguyễn Văn Tám, rằng sự hồn nhiên cũng là một thứ thần dược giúp con người ta chống chọi lại những bệnh tật, mà Thái Nghĩa thì luôn giàu có sự hồn nhiên ấy. Thế nhưng, khi vào tới bệnh viện trông anh nằm im lìm, mắt khép hờ đờ đẫn, thì chút hy vọng như một niềm an ủi mong manh về thứ “ thần dược” hồn nhiên kia gần như tắt.

Mặc dầu biết cái kết cục xấu nhất rồi sẽ đến, nhưng thật không ngờ Thái Nghĩa đi nhanh đến vậy. Tôi biết giờ này không riêng gì tôi, mà nhiều bạn bè anh em làm văn nghệ của chúng tôi, đâu đó trong Đà Nẵng này, tất cả đều rưng rưng trước tin nhạc sĩ Thái Nghĩa qua đời được lan truyền nhanh qua các trang mạng của bạn bè.

Nhạc sĩ Thái Nghĩa sinh năm 1958 tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Anh là Hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, Trưởng phòng văn nghệ Đài Phát thanh & Truyền hình thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thương vụ các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Từ khi tốt nghiệp Đại học âm nhạc, Thái Nghĩa về công tác tại phòng văn nghệ Đài Phát thanh Quảng Nam- Đà Nẵng vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, cho đến khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, anh liên tục là Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng các khóa 2002 – 2007, 2007 -2014.

Bề bộn công việc là vậy nhưng Thái Nghĩa vẫn miệt mài, say mê sáng tác. Ngoài hàng trăm ca khúc đã viết, Thái Nghĩa còn nhiều công trình biên soạn, sưu tầm văn nghệ dân gian, đặc biệt là âm nhạc dân gian các dân tộc miền núi. Nhưng, tất cả giờ đây xem ra hãy còn dang dở so với khát khao của anh. Một trong những khát khao mà tôi biết anh canh cánh mãi trong lòng, và thường tự chất vấn chính mình, ấy là: Làm sao viết được một ca khúc hay về Đà Nẵng?

Đây cũng là đề tài một bài báo tôi viết từ mười lăm năm trước, Thái Nghĩa đã cho phát đi phát lại nhiều lần qua sóng phát thanh của Đài Phát thanh & Truyền hình Đà Nẵng. Anh nói với tôi: đấy là cách kích thích niềm say mê, khích lệ cho tất cả bạn bè đồng nghiệp cùng dốc tâm huyết đi tìm.

Ấy vậy mà Thái Nghĩa phủi tay, bỏ cuộc. Chúng tôi đã có nhiều tháng năm sống bên nhau, có những đêm xa xôi ở tận miền biên giới ngồi trên bờ dòng sông Hồng, chỗ “ nơi con sông chảy vào đất Việt”, lang thang đầu sông cuối sông như thế, tưởng Nghĩa nghe ra những gì, hóa ra anh vẫn quay về câu hỏi tự vấn kia: làm sao có một ca khúc hay cho Đà Nẵng bọn mình?

Bây giờ thì Thái Nghĩa đã đi xa. Liệu rồi khi khép lại cuộc đời này cũng là để mở ra cho cuộc đời khác hay không ? Hỏi như thế cũng chỉ là hỏi hư vô cho ngàn gió thổi. Trong niềm im lặng rưng rưng này, tôi nghe ra từ anh em bạn bè của anh, của tôi, chợt vang vọng bài ca của Thái Nghĩa “ Điệu lý quê em”, như điền tên của anh vào quãng vắng chiều nay trên thành phố bên bờ sông Hàn:… Em còn đi học đường xa/ mang theo điệu lý quê nhà…em đi/ Ba lý tang tình mà nghe…!       

                                                                                    Theo Nguyễn Nhã Tiên/Báo CAĐN

* Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt lại

;
.
.
.
.
.