1. Vừa nhận được điện thoại báo tin Thầy Trần Văn Khê khó qua khỏi, cần chuẩn bị bài viết nếu phải đón nhận tin xấu, tôi thấy buồn…
GS Trần Văn Khê trong một lần trả lời báo giới tại Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
Tôi có vài kỷ niệm nhỏ nhưng rất đặc biệt với GS Trần Văn Khê. Ví dụ như, ông đề nghị và cho phép tôi gọi ông bằng “Thầy”, trong khi tôi chưa từng học Thầy ngày nào, sao có thể tùy tiện muốn gọi như vậy là gọi được!
2. Tôi vừa là thư ký, vừa là trợ lý báo chí cho Thầy, được bay cùng chuyến với Thầy và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - là khách mời đặc biệt của Tỉnh ủy Quảng Nam trong chương trình Lễ hội văn hóa Nhật - Việt diễn ra tại đô thị cổ Hội An vào trung tuần tháng 8-2009.
Tôi được Ban tổ chức sắp xếp chung phòng với Thầy tại khách sạn An Hội ở Hội An. Tôi là người tham vấn cho Thầy thông tin báo chí; phóng viên nào muốn gặp, phỏng vấn và lên lịch để tiếp chu đáo. Thầy Khê không gặp bất kỳ ai nếu không có lịch hẹn trước, dù là lãnh đạo cấp cao chăng nữa.
Trong một tuần diễn ra lễ hội văn hóa tại Hội An, vì xa nhà và thay đổi không khí nên Thầy thường khó ngủ. Vì thế, tôi may mắn được đàm đạo với Thầy. Tôi xin phép Thầy được ghi chép lại nội dung những cuộc chuyện trò này và Thầy đồng ý. Đặc biệt hơn nữa là Thầy cho phép tôi hỏi bất cứ chuyện gì. “Nếu Thầy biết, Thầy sẽ kể cho con...”, GS Trần Văn Khê nói.
Chuyện về cuộc đời Thầy thì báo chí, sách vở khai thác gần như cạn kiệt rồi. Vì thế, tôi “làm khó” Thầy với những chuyện “thâm cung bí sử”, cắc cớ. Ví dụ như, Thầy đã trả lời tôi câu hỏi: Khi Thầy mất, ai là người mà Thầy kỳ vọng sẽ thay thế, tiếp nối? Tại sao phương Tây vẫn phải thừa nhận âm nhạc truyền thống Việt Nam là đỉnh cao? Thật sự âm nhạc cổ truyền Việt Nam có hay, có đạt đến độ tinh hoa, kỳ diệu đến mức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận một số loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới và trao tặng bằng khen - nếu không có GS Trần Văn Khê? Thầy là người “quảng bá” hay “viết lại?”.
Thầy Khê thừa nhận, nhiều nghiên cứu của Thầy là “thêm vào”, là đưa “triết học” vào. Không biết khi ông cha mình sáng tạo các làn điệu, các thể thức, nghi lễ hát - múa ra sao, là dịp vào mùa màng hay các lễ hội tôn giáo, tâm linh vì thất truyền theo thời gian, chiến tranh hay rất ít văn bản còn ghi chép lại? Nhưng mỗi lần có dịp nói chuyện, diễn thuyết, trình bày với thế giới hay trong các công trình nghiên cứu của mình, Thầy thường tìm cách liên kết, nghiên cứu, nâng cao cái hay, cái đẹp của các làn điệu, các thể thức, nghi lễ hát - múa đó trong mỹ cảm nhân văn - nhân loại, truyền thống - hiện đại. Đó là tìm cách lật lẩy vấn đề, là giải thích, lý luận, vận dụng khoa học, đưa “nội hàm vĩ mô” vào lòng nó!... Nói thế để biết công lao của Thầy Khê đối với việc đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới là quá lớn!
3. Thầy Khê làm việc rất chu đáo và khoa học, cẩn thận. Điều này có được, hình thành được do Thầy vận dụng ngay từ thời trẻ. Vì thế, cũng ngần ấy thời gian, Thầy sắp đặt và làm được nhiều việc, nhiều chuyện, nhiều công trình đến… khủng khiếp! Với Thầy, mọi thứ đều phải có lịch trình, phương pháp sát rạt đến từng phút, từng giây. Việc gì, làm ra sao, Thầy đều cố gắng kiểm soát tối đa. Nhìn Thầy nói chuyện lim dim, ngỡ rất phiêu diêu, ngẫu hứng, nghệ sĩ… nhưng thực ra hoàn toàn không! Mà cũng đừng nên thất vọng! Bởi Thầy nói chuyện vấn đề đó trong hàng ngàn buổi rồi, đòi Thầy ngẫu hứng sao được!
Sau cánh gà, Thầy luyện tập không tiếc mồ hôi, nước mắt, từ ánh mắt, câu hát, tiếng vỗ tay, lời chào khán giả… Và mỗi ánh mắt, câu hát, tiếng vỗ tay, lời chào khán giả của Thầy thường kèm theo đó là tiếng vỗ tay rào rào. Tôi đã ngẩn ngơ khi một người tầm cỡ như Thầy mà còn nói: “Lâu lâu mình phải xin khán giả một tràng vỗ tay để lấy hứng. Mà mình lỡ “xin” thì ai không cho!”. Cứ thế, cuộc nói chuyện nào của thầy cũng tuyệt!
4. Có thể “xin tràng vỗ tay” khán giả, Thầy cúi mình. Nhưng xin tiền, bàn về tiền bạc thì Thầy không, không bao giờ làm. Tôi còn nhớ Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam đã nhờ tôi tư vấn nên gửi thù lao cho Thầy trong buổi nói chuyện lần đó như thế nào. Tôi hỏi Thầy nhưng Thầy không trả lời, chỉ nói Thầy cần một chỗ ở thuận lợi vì Thầy ngồi xe lăn, đi lại khó khăn. Chỉ giản đơn thế thôi!
5. Vì vậy, khi tôi đọc bài viết trên một tờ báo nói Thầy đau yếu, con cái ở xa nên không ai chăm sóc và chỉ còn không nhiều Euro trong tài khoản thì thấy tội cho Thầy quá! Một người như GS Trần Văn Khê thì chắc chắn không phải xin ai lo hậu sự cho mình và tự biết cách để giải quyết việc của mình. Tôi xin viết lại cho rõ: Tự - biết - cách! Giống như một mình Thầy là người đầu tiên đặt nền móng nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đã lặn lội, nghiên cứu, đã chấp nhận những thử thách, khó khăn “trần ai” từ buổi đầu như thế nào khi giới thiệu tinh hoa âm nhạc cổ truyền nước Việt ra thế giới. Sự ra đi của Thầy sẽ là nỗi thương tiếc to lớn, không gì bù đắp được cho những người Việt Nam còn có tâm, có lòng với văn hóa, tâm thức Việt. Nhưng đó âu cũng là quy luật của trời đất. Lá vàng rơi về cội! Thật buồn và tổn thương nếu dễ quên đi những “tấm lòng” tri âm, tri kỷ mà viết như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là “dìu dặt tới quanh đây…” !
6. Tôi cùng những người từng có dịp làm việc với Thầy Khê lại biết Thầy rất giàu có… Thật vậy! Thầy giàu ra sao?
Tất cả nơi nào Thầy Khê xuất hiện thì ngay lập tức nơi đó trở thành đặc biệt, bởi GS Trần Văn Khê là nhân vật đặc biệt.
Khi Thầy đến đâu, Thầy là khách quý của “quan đầu xứ tỉnh”. Tất cả nhân vật lớn nhất ở vùng đó không biết thì thôi, biết thì đều muốn đến chào Thầy, đến thăm Thầy.
7. Thầy giàu tình cảm, giàu lễ nghĩa, giàu trí tuệ, tri thức và đặc biệt giàu học trò, bạn bè! Ai cũng quý mến Thầy.
Thầy chưa nghèo bao giờ!
8. Bảy ngày đêm ở chung phòng với Thầy Trần Văn Khê tại Hội An, trong những buổi tri kiến, lắng nghe, tôi mong được Thầy chỉ bảo, dạy dỗ trên con đường làm nghệ thuật chông gai và gian nan. Thầy đã dạy tôi một câu mà tôi rất thấm thía, khắc ghi trong lòng và chắc chắn còn ghi nhớ mãi về sau này: “Con hãy nhớ người nghệ sĩ càng lớn thì càng phải khiêm tốn và càng phải biết kiểm soát thế giới sáng tạo của mình!...”.
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH