.
Café sáng

Thương nhớ đồng dao

.

Nếu bạn rời bỏ một vùng nông thôn nào đó để ra thành phố sống, chắc chắn sẽ mang theo trong hành trang nhiều kỷ niệm không phai về thời tuổi thơ nghèo khó.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong hành trang ấy, thế nào cũng có những khúc đồng dao giản dị mà sâu lắng. Cùng với nhiều bài hát ru em, những câu ca dao, tục ngữ, những khúc đồng dao thuở nhỏ là bài học nhập môn về âm nhạc, mà cũng như các bạn, tôi đã học và mang theo cho đến ngày tóc đã lốm đốm bao sợi bạc…

Trong nhiều khúc đồng dao mà tôi thuộc, lạ thay, hầu hết do những bạn chăn trâu thuở nhỏ sáng tác; nhờ rong chơi với họ, tôi nhớ rất lâu. Chẳng hạn bài Gọi nghé lạc bầy:

Huê hà huê hưởng
Cà cưỡng bay cao
Chóc mào bay thấp
Chim bay về ấp
Đỏ mỏ về trời

Huê… huê…
Nghe tiếng tao mời
Về ăn thịt chuột
Mâm trên thì luộc
Mâm dưới thì đầu
Mời chú mời lâu
Chăn trâu nuốt hết…

Những đứa trẻ ngồi trên lưng con trâu mẹ đi trước, một con nghé đủng đỉnh theo sau trở về chuồng sau một ngày gặm cỏ no nê ngoài đồng. Nhưng đến gần bìa làng, chú nghé ham chơi đã đi lạc hướng nào không rõ. Chú bé lại huê… huê… gọi, giọng hát nghe càng lúc càng thống thiết…

Huê… huê…
Huê con nghé nhỏ
Lạc đàn theo chó
Lạc ngõ theo trâu
Nghe mẹ rống đâu
Đâm đầu mà nhảy

Huê con nghé nhỏ
Ham chơi lạc mẹ
Huê… huê… nghé huê
Ham ăn thì lú
Ham bú thì mê
Không biết đường về
Để tao đi kiếm

Huê hà… huê hưởng
Huê dưỡng bến nào
Ai mua đừng bán
một vạn không cho
để nghé ăn no
đi cày đi bừa
đi trưa về tối…

Chú bé chăn trâu lại kể tiếp cảnh mình đi ở, ăn đói mặc rét, lại phải đi cắt cỏ, tắm mát, chăn dắt con nghé từ khi nó mới lọt lòng mẹ. Nghé ham chơi đi lạc là không thương công sức của chú bé. Tiếng hát huê… huê ấy đã đến tai con nghé và nó chạy thục mạng về theo bầy. Tiếng hát của nhiều đứa bạn chăn trâu của tôi hồi nhỏ chiều nào cũng vang vọng như vậy cho đến khi trời nhá nhem tối…

Những bài hát đồng dao có khi theo nhịp điệu lục bát quen thuộc, kể lể cuộc đời chăn trâu nhưng lại gắn liền với các mối quan hệ xã hội nông thôn ngày xưa:

Đời tôi đi ở giữ trâu
Dầm mưa dãi nắng biết đâu cơ hàn
Trên đầu đội nón mo nang
Một manh áo vải nghèo nàn đắng cay

…Trăng kia vừa xế ba sào
Tôi mang bụng đói bước
                              vào chuồng trâu
nước đái nó lộn đầy đầu…

Giữa những cánh đồng quanh làng bao giờ cũng có một gò đất nhỏ, có cây đa, cây duối hoặc tán bồ đề che bóng cho đám chăn trâu nghỉ mát. Bên cạnh đó, thường có một cái miếu nhỏ xây gạch, đã cũ. Có nơi gọi đó là “cây mục đồng” hoặc “mả mục đồng”. Hằng năm, sau ngày gặt lúa tháng ba âm lịch là đến lễ cúng thần Nông. Đám trẻ chăn trâu lại có “lễ mục đồng” rất trịnh trọng và vui nhộn trong dịp này. Chúng chia nhau vào xóm, những nhà có trâu bò để quyên góp vật phẩm hoặc tiền bạc cho việc tổ chức lễ. Thường các nhà cho nếp, gà, vài quả trứng, bông hoa hoặc ít nếp nấu xôi. Bàn cúng đặt trong miếu hoặc giữa gò đất, dưới gốc cây mà hằng ngày chúng vẫn chơi đùa. Một vị lão nông khăn đóng áo dài, đồng thời cũng là chủ trâu trong xóm được mời ra làm chủ lễ. Ông lên hương đèn, khấn vái bốn phương tám hướng thật nghiêm túc. Có nơi chủ lễ còn đọc cả văn tế cô hồn:

... thương những người hồ thỉ tang bồng,
bất đắc chí cành cây vật vã
tưởng những kẻ lên dương xuống dốc
bị rủi ro mạng phải miệng hùm…

Đám trẻ cung kính đứng chung quanh, ánh mắt hân hoan, rạng rỡ bởi vì vào hôm đó chúng là chủ nhân của buổi lễ.

Xong lễ, những đứa trẻ chăn trâu dọn đồ cúng, xôi chè ra giữa gò ăn uống chuyện trò, hát đồng dao hoặc chơi những trò chơi trẻ nhỏ.

Có những khúc hát nói về chính công việc chăn trâu hằng ngày của họ:

Cây gậy bốn phương
Ra đường mạnh mẽ
Bầy trẻ chăn trâu
bay lâu thẳng cánh…

Hay liên quan đến một thực tế phổ quát trong đời sống thôn dã:

Trời mưa lâm thâm/cây trâm có trái
Con gái có duyên/đồng tiền có lổ
Bánh tổ thì ngon/bánh hòn thì béo
Cái kéo thợ may/cái cày làm ruộng
Cái thuổng đắp bờ/cái lờ thả cá
Cái ná bắn chim/cây kim may áo…

Trong nhiều bài đồng dao tôi học được của những đứa bạn chăn trâu ngày ấy, có những câu tuy hình ảnh giản dị nhưng có nhịp điệu lạ và dùng chữ rất sáng tạo:

Tròng trà tròng trành
Trâu trèo trâu trượt
Thậm thà thậm thụt
Trò trụt trò trìa

Hay

Ta là con nít
Đội mũ lá mít
Cưỡi ngựa tàu cau
Đứa trước đứa sau
Rủ nhau một lũ

Cầm cây rựa quéo
Trèo lên hòn núi quẹo
Đốn bó củi cong queo
Về nấu cám cho heo…

Sau này, các nhà lý luận âm nhạc vẫn nói đồng dao thường chuyển tải một cơ chế âm nhạc đậm đà màu sắc và tính chất dân tộc. Trẻ con tiếp nhận và hát đồng dao như một bộ mã di truyền của dân tộc. “Trong xã hội xưa cũ ấy, đồng dao là bài học vỡ lòng về âm nhạc và thi ca. Đó là những sáng tạo nghệ thuật đầu đời của con trẻ…” (nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Trương Đình Quang).

Tôi lớn lên ở nông thôn, những buổi nghỉ học thường ra đồng nhặt phân trâu bò (về cho cha mẹ ủ để bón cho cây trồng) và nhiều lúc cùng chơi, cùng hát với những đứa bạn chăn trâu, nào đã biết gì những ý tưởng cao siêu ấy. Nhưng cả lúc đó và cho đến bây giờ, tôi vẫn đinh ninh rằng những người bạn thời ấu thơ ấy đã đánh thức trong tôi vẻ đẹp kỳ diệu và giàu chất thơ của tiếng mẹ đẻ.

Bây giờ, mỗi lần về quê, tôi vẫn thích ngồi chuyện trò với nhiều người trong số họ như những bạn cũ lâu ngày gặp lại và cùng nhớ lại, lắp ghép những khúc đồng dao cũ…

Giữa những kỷ niệm đẹp và buồn ấy, đã có một cuộc chiếc tranh tàn khốc đi qua làng tôi suốt 15 năm, mang đi nhiều đứa bạn tuổi nhỏ… Bây giờ, làng tôi đang từng bước trở thành thị trấn, nhiều nhà cao tầng mọc lên, ruộng đồng bị thu hẹp lại, đường sá đã trải nhựa rộng cho xe máy và ô-tô xuôi ngược… Ít người còn nuôi trâu để cày ruộng, hình ảnh những cậu bé ngồi lưng trâu buổi chiều trở về làng vắng dần. Vắng họ là mất đi cả những khúc đồng dao tuổi nhỏ của tôi…

Cụ Phan Khôi từng viết: “Con trâu chết vẫn còn lại cái sừng nhọn”. Đàn trâu ngày xưa đang vắng dần ở những làng quê, nhưng tôi vẫn ước ao sao những “chiếc sừng nhọn” mang tên đồng dao của những cậu bé chăn trâu ngày ấy sẽ không bị rơi vào quên lãng!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.