.

Cuộc đời, sự nghiệp GS. Trần Văn Khê qua hồi ức của con trai (II)

.

"Tôi viết về cha tôi cũng như tôi đã viết về nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khác. Tôi chỉ ghi những gì tôi biết về cha tôi với một cái nhìn khách quan tối đa. Tôi ghi lại đây hình ảnh một người cha, một người thầy, một nhà nghiên cứu âm nhạc".

Những năm đầu tiên trên đất Pháp

Năm 1949, vì bị lộ nên Trần Văn Khê, sau khi bàn với các bạn, rời nước Việt Nam sang Pháp, vừa "lánh nạn" vừa du học.

Trần Văn Khê cùng phu nhân với ba người con (Tân Định Sài Gòn 1949)
Trần Văn Khê cùng phu nhân với ba người con (Tân Định, Sài Gòn 1949)

Tới Pháp với hai bàn tay trắng, một bộ đồ vải tropical, và bản hợp đồng với các báo kể phía trên để làm "phóng viên". Trần Văn Khê lúc ấy thành ký giả chuyên nghiệp, có được thẻ nhà báo chuyên nghiệp do sở Thông tin Pháp cấp cho.

Vừa tới Pháp tháng 5, thì tháng 8 cùng đi với học sinh Việt Nam tham dự Liên hoan thanh niên tại Budapest (Hung Gia Lợi - tức Hungari). Cùng với anh Nguyễn Ngọc Hà (hiện giữ chức Phó trưởng ban Việt kiều trung ương), tổ chức chương trình văn nghệ giới thiệu nước Việt Nam đang tranh đấu dành tự do. Trần Văn Khê dự thi nhạc cụ dân tộc, với hai cây đàn cò và đàn tranh, được Giải nhì, sau Liên Xô, đồng hạng với Mông Cổ, trước Hung Gia lợi và Bảo Gia lợi.

Đồng thời Trần Văn Khê được anh đại diện Kháng chiến Việt Nam từ chiến khu sang Miến Điện để đi Bupadest, tặng "Lá cờ thi đua" vì đã giới thiệu có hiệu quả nhứt trong đoàn, tinh thần kháng chiến anh dũng của dân tộc Việt Nam cho thanh niên nhiều nước biết. Sau chuyến đi Budapest, Trần Văn Khê mất học bổng sắp được để học Khoa báo chí tại đại học Michigan, và không được thẻ tạm trú tại Pháp, mỗi ba tháng phải lên sở cảnh sát Paris trình diện.

Tự làm việc để sinh sống, từ năm 1949 tới 1951 đọc các báo Pháp để viết tiết mục "Điểm báo", làm phóng viên về các sinh hoạt Việt kiều, và viết du ký, phóng sự, và cắt gởi về tòa soạn những bài báo xã thuyết về chánh trị quốc tế, và chánh trị liên hệ đến Việt Nam. Nhân làm báo, mới thi vào trường chánh trị nổi tiếng là "Sciences Po" Paris thử chơi. Được đậu vào năm thứ nhì của trường, Trần Văn Khê học hai năm trong môn Giao dịch quốc tế, và học thêm Anh văn tại Đại học văn khoa Paris.

Tiền học nhờ báo bên nhà hàng tháng chuyển ngân. Nhưng báo thường bị đóng cửa. Trần Văn Khê phải đi đờn mỗi tối thứ năm, và tối chủ nhựt tại hiệu cơm "La Paillote" của bà Từ Bá Hòa để được một bữa cơm ngon và chút ít tiền túi. Trong năm sau, mỗi cuối tuần, giới thiệu đờn cò, đờn tranh tại nhà hàng "Bồng Lai" của ông Bùi Văn Tuyền, tại vùng Champs Elysées. Ghi âm cho hãng dĩa hát ORIA, hơn 30 bài nhạc mới của Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Võ Đức Thu, Nguyễn Hữu Ba, Lê Thương, Hùng Lân, với bí danh là Hải Minh (tên của hai đứa con trai ghép lại).

Ngày 10 tháng giêng năm 1950, con gái út của Trần Văn Khê ra đời. Trần Thị Thủy Ngọc sanh tại tỉnh Vĩnh Long. Lúc ấy Trần Văn Khê đã ở Pháp hoạt động văn nghệ cho Hội Ái hữu Việt Kiều do GS Phạm Huy Thông làm hội trưởng, chơi thân với nhà viết báo Khuông Việt, nhà thơ Nguyễn Văn Cổn, Lê Văn Sáu, lúc ấy là sinh viên trường Chánh trị và Đại học văn khoa (cựu giáo sư đại học sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh). Trần Văn Khê khi rời Việt Nam đi sang Pháp thì vợ mới cấn thai có 10 ngày. Đứa con gái út mở mắt chào đời không thấy mặt cha và cũng không biết cha cho tới năm 1969 mới được sang Pháp để nhìn thấy mặt cha lần đầu.

Bốn người con của Trần Văn Khê (Vĩnh Long1954)
Bốn người con của Trần Văn Khê (Vĩnh Long1954)
Bốn người con của Trần Văn Khê và phu nhân (Vĩnh Long1954)
Bốn người con của Trần Văn Khê và phu nhân (Vĩnh Long1954)

Mùa hè năm 1950, Trần Văn Khê sang La Haye, Hà Lan học về luật quốc tế, một khóa với Lê Thành Khôi (từng làm giáo sư đại học Paris, người viết quyển Histoire du Vietnam được nổi tiếng)

Hè năm 1951, thi đậu ra trường Chánh trị Khoa giao dịch quốc tế. Nhờ đậu hạng 5, nên được tuyển vào ngạch thư ký quốc tế cho Liên Hiệp Quốc, năm ấy họp Đại hội tại Paris .

Trong khi chờ đợi nhậm chức vào mùa thu 1951, thì tháng 8, hai tháng sau khi đậu bằng Chánh trị, bị đưa vào nhà thương Cochin, bị giải phẫu gấp và từ đó đến tháng 10 năm 1954, phải bị sống "bên lề cuộc đời", đi từ bịnh viện này, đến trung tâm dưỡng bịnh nọ, bị giải phẩu 4 lần, và đã phải uống, và bị tiêm bao nhiêu thứ thuốc có thể chữa bịnh này gây bịnh khác. Ba năm hai tháng, mới được trở về cuộc sống bình thường.

Nhưng cũng nhờ bị "nhốt" trong nhà thương mà Trần Văn Khê có cơ hội, có thì giờ đọc bao nhiêu sách tại thư viện Paris. Ghi tên soạn luận án Tiến sĩ đại học Paris năm 1952, Trần Văn Khê được các ủy viên văn hóa (délégué culturel) của các nhà thương dành cho sinh viên như Centre de Cure Universitaire tại Aire sur l'Adour, Postcure Universitaire tại vùng Sceaux, ngoại ô Paris, lo việc mượn, và trả sách.

Từ năm 1954, ra khỏi nhà thương, cho đến 1958, theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án Tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone, và André Schaeffner .

Ngoài ra Trần Văn Khê làm nhiều công việc để mưu sống. Đáng kể nhứt là bốn việc sau đây:

Thực hiện 52 buổi nói chuyện bằng tiếng Việt cho đài BBC Luân Đôn với các đề tài âm nhạc kịch nghệ và chuyện cổ tích Việt Nam

Đóng phim cho hãng "Arthur Rank Corporation" bên Anh. Phim tên là "A Town Like Alice" (Một thành phố giống như Alice Springs, một thành phố giữa sa mạc bên châu Úc). Phim dựa theo tiểu thuyết của Nevil Shute, Pháp dịch tên phim là "Ma vie commence en Malaisie" (Đời tôi bắt đầu từ Mã Lai). Đóng vai đại úy Nhựt Sugaya, cai quản trại tù binh Anh và Úc. Đóng chung với Peter Finch và Virginia Mac Kenna. Phim được lựa chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 1957.

Trong phim Pháp "La Rivière des Trois Joncques" (Ba chiếc thuyền trên con rạch), phim gián điệp. Trần Văn Khê đóng hai vai: vai chánh cảnh sát trưởng Việt Nam trong cơ quan phản gián điệp, vai phụ: ông già Tàu bán đồ cổ. Đóng với Jean Gaven và Dominiques Wilms.

Lồng tiếng phim "Gengis Khan" trong vai Thừa tướng Kao Linh. Vai do tài tử Mỹ James Mason đóng. Tiếng Pháp do Trần Văn Khê nói .

Còn lồng tiếng cho phim "Tarzan nổi giận" trong vai Rokov do dược sĩ Nguyễn Trọng Thu, người tiền phong trong việc lồng tiếng phim ngoại quốc ra tiếng Việt chủ trương, và hai phim Mễ Tây Cơ do Vạn Ý Phim phát hành. Giám đốc: ông Huỳnh Tấn Đốc.

Lồng tiếng phim cho mấy chục phim Mỹ chuyển sang tiếng Pháp cho các hãng Kikoine, Henz, vv…. Đóng phim quảng cáo cho xe Renault 4, cho hãng rượu Martini v.v.

Tháng 6 năm 1958: đậu Tiến sĩ Văn Khoa (Môn Nhạc Học) Đại học Sorbonne. Tối ưu với lời ban khen của giám khảo (Mention Très Honorable avec félicitations du Jury). Luận án chánh: Âm nhạc truyền thống Việt Nam (La musique vietnamienne traditionnelle / The Traditional Vietnamese Music). Đề tài phụ: 1. Khổng Tử và âm nhạc (Confucius et la Musique / Confucius and Music). 2. Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam (Place de la musique dans la société viêtnamienne / Place of Music in the Vietnamese Society).

Sau khi đậu Tiến sĩ Văn khoa

Tháng 8 năm 1958: dự hội nghị quốc tế đầu tiên tại trụ Sở UNESCO Paris. Tham luận và Hòa nhạc chung một chương trình với Ravi Shankar (Ấn độ), Ebadi và Hossein Malek (Ba Tư), Yuize Shinichi (Nhựt Bổn) và Yehudi Menuhin (Mỹ gốc Ngă danh cầm thế giới về vĩ cầm (violon/violin).

Trần Văn Khê và con trai Trần Quang Hải (Unesco 1973)
Trần Văn Khê và con trai Trần Quang Hải (Unesco 1973)

Năm 1959: Hội Singer Polignac cho học bổng một năm để nghiên cứu và phổ biến nhạc Việt Nam và nhạc châu Á tại Paris. Sáng lập Trung Tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương (Centre d'Etudes de Musique Orientale / Center of Studies for Oriental Music).

Giữ chức Giám đốc học vụ và Giáo sư nhạc Việt Nam. Từ năm 1979 chủ tịch Trung tâm kiêm Tổng giám đốc học vụ đến năm 1989. Trung tâm này giải tán khi Trần Văn Khê hưu trí, sau 30 năm hoạt động.

Từ khi đậu Tiến sĩ đến lúc về hưu năm 1987, các hoạt động đi vào 2 hướng chánh:

1. Nghiên cứu âm nhạc

Năm 1960, được bổ nhiệm vào Trung Tâm nghiên cứu khoa học Pháp (Centre National de la Recherche Scientifique / National Center for Scientific Research) với chức Tùy viên (attaché de recherche), 1964 lên chức Chuyên viên nghiên cứu (chargé de recherche), năm 1968 lên chức nghiên cứu sư (mai^tre de recherche), và từ năm 1971 lên chức Giám đốc nghiên cứu (Directeur de recherche) .

Đề tài nghiên cứu: trước hết là âm nhạc truyền thống Việt Nam rồi đi lần đến đề tài "Đối chiếu nhạc cụ, nhạc lý và ngôn ngữ âm nhạc các nước châu Á". Trong mỗi đề tài đi dài trong thời gian và rô.ng trong không gian. Trong thư viện tìm thư mục, trong các Bảo tàng viện nghe các băng từ, dĩa hát làm phiếu, và nhứt là đi điền dã (recherche sur le terrain / field research), và tự ghi âm, chụp ảnh trên thuộc địa. Mỗi năm báo cáo kết quả và phải có ít nhiều bài đăng trong các tạp chí chuyên môn .

Trần Văn Khê và con gái Trần Thị Thủy Ngọc đang dự đại hội liên hoan nhạc tại Vicenza, Ý (1971)
Trần Văn Khê và con gái Trần Thị Thủy Ngọc đang dự đại hội liên hoan nhạc tại Vicenza, Ý (1971)

Phải tham gia giảng trong các trường đại học, và tham luận tại các hội nghị quốc tế.

Không thể đi sâu vào chi tiết, nhưng chỉ đưa ra vài con số điển hình:

• Trần Văn Khê đã đăng trong 27 năm làm việc, gần 200 bài đa số viết bằng tiếng Pháp, một số nhỏ bằng tiếng Anh có một số bài được dịch ra tiếng Đức, tiếng Trung quốc, tiếng Ả Rạp trong đó có hơn 130 bài đăng trong từ hai ba chục đến cả trăm trang đánh máy, và những bài đăng trong tạp chí Le Courrier de l'Unesco được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.

• Trần Văn Khê được các nước mời hay được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và UNESCO phái đi dự gần 200 hội nghị quốc tế trên 67 nước trên thế giới.

• Đã tự ghi âm trên 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam, trên 300 giờ âm nhạc châu Á, châu Phi, chụp hơn 8.000 tấm ảnh, dương bản, ảnh màu hoặc đen trắng về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và tại nhiều nước đã đi qua, thu thập được gần 500 dĩa hát của các nước trên thế giới, thực hiện được hơn 15 dĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, 4 dĩa được 5 giải thưởng lớn của Hàn lâm viện dĩa hát Pháp, năm 1960, 1970, dĩa hát Đức quốc năm 1969, Diapason d'or của tạp chí chuyên về giới thiệu và phê bình dĩa hát tại Pháp, và Giải các nhà phê bình dĩa hát tại Đức quốc năm 1994 .

• Đã thực hiện nhiều phim ngắn dài về dân tộc nhạc học như phim về lối hát cổ điển Dhrupad( Ấn độ), vềống Sheng Trung quốc (Sanh hầu), đàn Gu Qin (cổ cầm Trung quốc), đàn tranh Việt Nam.

2. Giảng dạy trong các trường đại học

Từ năm 1963 dạy trong Trung Tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc Học Paris (Institut de Musicologie de Paris / Institute of Musicology) môn thực tập đàn tranh và lớp lý thuyết, ngôn ngữ âm nhạc các nước châu Á đến năm 1980 chỉ lo về hành chánh và tổ chức chương trình giảng dạy.

Từ năm 1965 được mời dạy một lớp về âm thanh, thang âm điệu thức trong các truyền thống tại châu Á.

Từ năm 1970 đến sau dạy môn dân tộc nhạc học cho lớp cử nhân và Cao học. Có cả Séminaire cho các thí sinh Tiến sĩ. GS Trần Văn Khê chỉ đạo nghiên cứu, đỡ đầu và làm giám khảo cho hơn 50 thí sinh bảo vệ tiểu luận án cao học và luận án tiến sĩ về nhạc châu Á, châu Phi. Trong số đó chỉ có một tiến sĩ Việt Nam là Nguyễn Thuyết Phong là có thời gian được dạy âm nhạc Việt Nam tại trường đại học Kent bên Mỹ.

Ngoài ra, còn giảng ba năm cho trường Cao học Khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales), giảng nhiều lần tại Nhạc viện Paris lớp về nhạc cụ châu Á của bà bá tước Genivieve de Chambure, và được thỉnh giảng trên 15 đại học năm châu, chỉ nhắc đến một vài nơi như Hàn Lâm viện Listz tại Budapest, Đại học Varsovie, Đại học Vicenza, Venise, Téhéran (Ba Tư), Tây Nam Úc châu, Perth, Trường nhạc Algerie, 3 lần tại Đại học Hawaii, 2 lần UCLA, Los Angeles, Carbondale (Southern Illinois), 3 lần tại Nhạc Viện Hà nội, và nhiều lần tại lớp thể nghiệm dạy nhạc dân tộc trên cấp đại học của Viện Nghiên cứu âm nhạc và múa do cố GS Lưu Hữu Phước làm Viện trưởng...

GS Trần Văn Khê thường nói trong 20 năm vừa qua đã "đốt đuốc tìm học trò". Và trong nhiều buổi thuyết trình Giáo sư có nhắc đến người môn sinh theo dõi và thực hiện được một số công trình âm nhạc.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.