.

Đưa tuồng xuống phố

.

Theo kế hoạch, nghệ thuật tuồng sẽ ra mắt khán giả vào tháng 7 tới tại sân khấu ngoài trời bờ đông sông Hàn (Đà Nẵng). Đó là tin vui cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Thời gian tới, người dân Đà Nẵng có cơ hội xem tuồng miễn phí bên bờ sông Hàn.  Trong ảnh: Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn vở Trưng Nữ Vương.                    Ảnh: NGỌC HÀ
Thời gian tới, người dân Đà Nẵng có cơ hội xem tuồng miễn phí bên bờ sông Hàn. Trong ảnh: Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn vở Trưng Nữ Vương. Ảnh: NGỌC HÀ

Tiếp cận tuồng từ nhiều góc độ

Nghệ thuật tuồng vốn được bảo tồn và phát huy tốt tại Đà Nẵng. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn đỏ đèn, tiếng trống chầu vẫn giục giã, lời ca tiếng hát vẫn vút cao. Song, khán giả đến nhà hát chủ yếu là khách du lịch.

“Làm thế nào để đưa nghệ thuật tuồng đến với đông đảo công chúng và du khách là vấn đề mà chúng tôi luôn trăn trở... Mới đây, thành phố đã đồng ý chủ trương triển khai các mô hình hoạt động giải trí về đêm, trong đó có biểu diễn nghệ thuật tuồng, theo đề xuất của Sở VH-TT&DL. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận tuồng dưới nhiều góc độ”, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết.

Theo kế hoạch, chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ diễn ra từ 19 giờ - 20 giờ 45 chủ nhật hằng tuần, tại phía đông cầu Rồng. Nội dung chương trình dự kiến gồm 2 phần. Phần 1 giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng (vẽ và bán sản phẩm tại chỗ); cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng; cho thuê phục trang và tổ chức chụp ảnh cho du khách có thu phí.

Phần 2 là chương trình biểu diễn trên sân khấu, gồm các tiết mục hòa tấu nhã nhạc cung đình, một số làn điệu dân ca Việt Nam và quốc tế; lớp giáo tuồng (quy tắc mở màn một đêm biểu diễn tuồng truyền thống), trích đoạn tuồng Ôn Đình chém tá, trích đoạn tuồng Kim Lân qua đèo, tiết mục nghệ thuật truyền thống (trống trận Tây Sơn hoặc hát chầu văn), giới thiệu mặt nạ tuồng tiêu biểu và mời khách chụp ảnh giao lưu với các nghệ sĩ.

Theo nghệ nhân Hồ Hữu Có, chương trình giúp người xem hiểu thêm về nghệ thuật tuồng, đặc biệt là mặt nạ tuồng. Mỗi mặt nạ toát lên tính cách nhân vật như trung hiếu, gian manh, xu nịnh... Mỗi tông màu gắn với từng mô-típ nhân vật cụ thể. Chẳng hạn, mặt đen thường đại diện cho sự rắn chắc. Mặt trắng thường chỉ sự bạc bẽo. Mặt mốc dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc. Mặt rằn chỉ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy… Vì thế, người xem tuồng chỉ cần nhìn vào khuôn mặt là biết ngay nhân vật đó thuộc loại nào và nếu hiểu thì khi xem tuồng sẽ càng thích thú hơn.

Hy vọng tuồng “sống” được

Tỉnh Khánh Hòa đã đưa tuồng xuống phố cách đây mấy năm và thực hiện tại thành phố Nha Trang. Ý tưởng này cũng được các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ấp ủ lâu nay…

Cách đây 1 năm, NSƯT Cao Đình Liên luôn canh cánh làm sao để nghệ thuật truyền thống có đất diễn. Ông cho rằng, nhiều hội thảo đã được tổ chức; các nhà nghiên cứu, học giả cứ đưa ra những thực trạng, giải pháp… nhưng chỉ toàn trên giấy. Nếu khán giả chưa tìm đến nghệ thuật truyền thống thì người làm nghệ thuật phải đi tìm khán giả. Cách duy nhất để vực dậy niềm đam mê cho những người làm nghệ thuật và cho cả công chúng là đưa nghệ thuật truyền thống xuống phố.

Lần này, người nghệ sĩ già phấn khích hẳn. “Đưa tuồng xuống phố là thượng sách! Đây là con đường “đào tạo” khán giả ngắn nhất hiện nay, là cách thức tiếp cận khán giả nhanh nhất và là cách làm tốt nhất để nghệ thuật truyền thống được bảo lưu và phát triển”, NSƯT Cao Đình Liên chia sẻ.

Còn với ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, là người trong nghề lâu năm, ông hiểu và cảm nhận được nỗi đau đáu của những người gắn bó với nghệ thuật tuồng nên ông đặt ra những kế hoạch cụ thể và bảo vệ đến cùng để nghệ thuật tuồng được xuống phố.

“Tôi biết vẫn có nhiều người cho rằng, tuồng chỉ nên diễn ở sân khấu trong nhà hát. Tôi muốn nói rằng, diễn tuồng ở đường phố thì chưa cần chất lượng cao của nghệ thuật nhưng không phải dễ dãi trình diễn những cái chưa đạt nghệ thuật. Đưa tuồng xuống phố nhằm lôi kéo khán giả. Ban đầu, có thể họ thấy lạ, dừng chân vài phút vì tò mò, vì con cái thích thú sự rực rỡ của trang phục, mặt nạ… Dần dần trở thành thói quen, rồi nghệ thuật sẽ thấm vào họ một cách tự nhiên”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, tận mắt xem một đêm tuồng đường phố tại Nha Trang, không sân khấu, không phông màn, hay thảm đỏ…, nghệ sĩ chỉ có vài đạo cụ trong tay cùng dàn âm thanh gọn nhẹ và ánh sáng tinh giản nhưng khách ngồi dưới chăm chú nghe. Ông hy vọng tuồng Đà Nẵng cũng sống được như thế khi xuống phố.

“Nhưng muốn đạt hiệu quả cao nhất, tôi nghĩ đừng để nghệ thuật tuồng lẻ loi. Cần có nhiều hình thức giải trí khác ở khu vực lân cận như: biểu diễn rồng phun lửa, chợ đêm, ẩm thực… Đó là bước đi đúng đắn để nâng cao sự hưởng thụ về mặt tinh thần cho người dân Đà Nẵng và cũng là cách cải thiện loại hình giải trí về đêm, từ đó níu chân du khách”, ông Tuấn đề xuất.

Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng cùng 25 di sản khác trên cả nước vừa được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

26 di sản văn hóa phi vật thể mới được bổ sung vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thuộc 3 loại hình: lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.