.
Phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang

Bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử

.

1.

Nói đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử ở huyện Hòa Vang, có một câu hỏi được đặt ra là huyện Hòa Vang nhìn từ góc độ văn hóa và lịch sử là huyện Hòa Vang nào? Xét về địa giới hành chính, huyện Hòa Vang bây giờ chỉ nằm trong phạm vi 11 xã: Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Phú và Hòa Bắc.

Nhưng xét về văn hóa và lịch sử thì huyện Hòa Vang rộng lớn hơn nhiều, bao gồm hầu như toàn bộ các đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương ngày nay - trừ quận Sơn Trà và hai phường Mỹ An, Khuê Mỹ của quận Ngũ Hành Sơn vốn thuộc huyện Diên Phước và chưa từng trực thuộc huyện Hòa Vang.

Nói cách khác, huyện Hòa Vang ở đây chính là huyện Hòa Vang mà Tú tài Trần Nhật Tỉnh từng hình dung khi khởi sự viết Hòa Vang huyện chí từ năm 1868, cộng với quần đảo Hoàng Sa vừa được Chính phủ Sài Gòn giao cho quận Hòa Vang quản lý từ thập niên 60 của thế kỷ XX (trước đó thuộc quyền quản lý của tỉnh Thừa Thiên - Huế).  

Rước sắc tại Lễ hội đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: CÔNG HƯNG
Rước sắc tại Lễ hội đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: CÔNG HƯNG

2.

Với một đóng góp học thuật tầm cỡ như Hòa Vang huyện chí, Tú tài Trần Nhật Tỉnh xứng đáng có một con đường mang tên ông trên địa phận Hòa Vang. Như vậy, Trần Nhật Tỉnh sẽ được tôn vinh là danh nhân văn hóa của thành phố bên sông Hàn. Nhiều năm nay, người Đà Nẵng thường tôn vinh những người có công tích trên chiến trường/chính trường mà ít chú ý tôn vinh những người có công tích trên lĩnh vực văn hóa.

Ngoài trường hợp Trần Nhật Tỉnh, cũng cần nghiên cứu để tiếp tục tôn vinh các danh nhân văn hóa khác, chẳng hạn ông/bà tổ các làng nghề truyền thống trên đất Hòa Vang như: làng nghề dệt chiếu Cẩm Nê, làng nghề bánh tráng Túy Loan, làng nghề đá Non Nước, làng nghề nước mắm Nam Ô, làng nghề bánh khô mè Cẩm Bắc…

Trên cơ sở đó, hoàn toàn có thể biên soạn tập sách về gương danh nhân Hòa Vang trên các lĩnh vực để làm tài liệu giáo dục lịch sử địa phương trong trường học - cũng là cách bảo tồn giá trị văn hóa/lịch sử của huyện.

3.

Hòa Vang từng là biểu tượng của cả đất Quảng. Có một thời danh xưng Ngũ Hành Sơn chí sĩ được thiên hạ dùng để gọi chung những người ưu tú toàn tỉnh Quảng Nam. Và không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Bùi Công Minh có lần nhớ lại: “Ngày chiến tranh, đất nước còn chia cắt, chỉ một quyển ký sự văn học không thật dày dặn lắm, nhan đề vỏn vẹn chỉ có hai chữ Hòa Vang, của nhà văn Nguyễn Khải, vậy mà khi phát hành rộng rãi trên miền Bắc lúc ấy, đã làm lay động tâm hồn bao nhiêu bạn đọc”. Càng không phải ngẫu nhiên mà lúc sinh thời, Bác Hồ từng kỳ vọng Hòa Vang sẽ trở thành một chấm son trên bản đồ Tổ quốc.

Nói chung Hòa Vang hơn người nhờ sự phong phú về giá trị văn hóa/lịch sử. Thế nhưng, không phải lúc nào sự phong phú về giá trị văn hóa/lịch sử cũng tạo thuận lợi cho công cuộc bảo tồn, thậm chí có khi vì di sản quá phong phú mà không chừng bảo tồn đành lực bất tòng tâm. Cho nên, muốn bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử để phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang, không thể không nhận diện và tìm cách khắc phục một số trở lực nhãn tiền…    

4.

Trở lực đầu tiên là Hòa Vang có một đặc điểm về dân cư mà không quận/huyện nào có được: hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc là nơi định cư tập trung của cộng đồng người Cơtu tại Đà Nẵng. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất cho một ngàn nhân khẩu Cơtu, huyện Hòa Vang còn có trách nhiệm bảo tồn đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư Cơtu.

Có thể nói trong điều kiện hiện nay, bảo tồn cho được đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư Cơtu rất khó. Cộng đồng Cơtu tại Hòa Vang số lượng không đông- thậm chí có thể nói là quá ít - và hai xã Hòa Phú, Hòa Bắc cũng không phải là không gian sinh tồn lâu đời của bà con.

Một công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng gần đây cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về hiệu quả bảo tồn bản sắc văn hóa Cơtu giữa cộng đồng Cơtu tại Hòa Vang với cộng đồng Cơtu tại Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang nằm cách nhau không xa về địa lý. Vì vậy, việc quảng bá thương hiệu rượu cần Phú Túc đầu năm 2015 cũng có thể được xem là mô hình cần nhân rộng trên tiến trình thực hiện “nhiệm vụ kép” này.

5.

Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn bản sắc văn hóa Cơtu vẫn chưa phải là trở lực lớn nhất hiện nay. Trở lực lớn hơn nhiều là làm thế nào để bảo tồn đặc trưng văn hóa mang “tính chất nông thôn” của một Hòa Vang đang phải từng ngày đương đầu với xu thế đô thị hóa.

Bằng sự nhạy cảm nghệ sĩ, nhà thơ Bùi Công Minh đã tỏ ra băn khoăn khi tham quan một khu dân cư mới ở Hòa Vang với bao nhiêu là nhà đúc bê-tông hai tầng, tường ngăn cách giữa các hộ được xây gạch và tô xi-măng: “Quả cũng thấy thật đáng vui mừng về sự đổi mới của bộ mặt nông thôn.

Nhưng sao những người chứng kiến cảnh ấy vẫn cảm thấy tiếc. Tiếc những rặng cây chè tàu được các cụ xưa vẫn trồng quanh sân nhà, xén tỉa cẩn thận, tạo nên một khuôn viên sắc nét không kém những bờ tường xi-măng; tiếc những hàng dâm bụt ngay hàng thẳng lối, kể cả nếu như có một giậu mồng tơi đi nữa thì cũng thật dễ thương như trong câu thơ Nguyễn Bính: nhà nàng ở cạnh nhà tôi - cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn…

Tiếc màu xanh, cái mà nông thôn xưa thừa thãi, nay lại muốn thay thế nó bằng vật liệu xi-măng sắt thép”.

6.

Có người cho rằng, ở các nước phát triển, khó có thể phân biệt cảnh quan đô thị và cảnh quan nông thôn, khó có thể nhận ra đâu là nông thôn đâu là đô thị, nếu có khác chăng là ở đô thị người dân để ô-tô dưới tầng hầm, còn ở nông thôn người dân để ô-tô ngay bên vệ đường…

Không biết bao giờ Đà Nẵng có được một cảnh quan đô thị như thế, và quan trọng hơn là Đà Nẵng có nên có một cảnh quan đô thị như vậy không? Trong công nghiệp không khói, chỉ có sự khác biệt mới tạo nên hấp dẫn, liệu một Đà Nẵng hầu như không còn ranh giới về cảnh quan đô thị như vậy có đủ sức hấp dẫn du khách thập phương không, và điều đáng nói hơn là trong trường hợp ấy, liệu có còn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của Hòa Vang không?

Cũng có người cho rằng, văn hóa truyền thống thường mang tính bảo thủ dễ làm ảnh hưởng đến phát triển. Ý kiến ấy rất đáng để suy nghĩ, có điều vấn đề ở đây không phải là bảo thủ hay không bảo thủ, vấn đề ở đây là cái cần bảo thủ, cần gìn giữ nâng niu như là “của hương hỏa” cha ông để lại thì mình lại đang tâm vứt bỏ, còn cái cần vứt bỏ để không biến thành trở lực của phát triển thì mình lại khư khư giữ cho bằng được. Bản chất của văn hóa là cái gì còn lại sau khi đã mất đi tất cả, chỉ sợ rằng cái còn lại sau khi mất đi tất cả ấy không phải là cái mà chúng ta hằng mong đợi!

Trong một cuộc hội thảo về tầm nhìn phát triển mới đây ở Hòa Vang, Tiến sĩ Trần Du Lịch kể rằng, khi được hỏi vì sao thời buổi này mà vẫn trồng lúa nước, người Nhật đã trả lời một cách rất “bảo thủ”: Lúa nước là hiện thân của văn hóa phương Đông/văn hóa Nhật Bản, không trồng lúa nước, làm mất lúa nước thì làm gì còn văn hóa Nhật Bản/văn hóa phương Đông!      

7.

Công cuộc bảo tồn giá trị văn hóa/lịch sử ở Hòa Vang hoàn toàn không giống/không thuận chiều như ở các quận khác, bởi giữ lấy màu xanh (mượn tên bài thơ của Giang Nam) - chứ không chỉ giữ vài lũy tre xanh để làm du lịch sinh thái - cho các làng quê Hòa Vang ngày nay đúng theo mong đợi của nhà thơ Bùi Công Minh và chắc không riêng nhà thơ Bùi Công Minh, là một cuộc lội ngược dòng không hề đơn giản.

Cho nên để phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa Vang phù hợp với trào lưu tăng trưởng xanh của thế giới hiện đại, người Hòa Vang nói riêng, người Đà Nẵng nói chung phải hết sức tỉnh táo trong việc phố hóa các làng quê. Hiện tượng Hòa Vang là huyện duy nhất trong cả nước chưa có thị trấn huyện lỵ không chừng lại trở thành sự ngập ngừng/ngần ngại cần thiết của người Hòa Vang trước cơn lốc đô thị hóa.

Đương nhiên Hòa Vang còn có những cánh rừng nguyên sinh, nhưng xin hãy nhớ lấy điều này: một khi đã không có ý thức giữ lấy màu xanh cho các làng quê ngày nay thì trong tương lai không xa cũng chẳng có gì bảo đảm những cánh rừng nguyên sinh ấy sẽ còn…nguyên!

8.

Có thể nói Hòa Vang vừa là cội nguồn quá khứ - nơi yên nghỉ ngàn thu của phần lớn người Đà Nẵng - vừa là viễn cảnh tương lai của thành phố bên sông Hàn. Điều quan trọng là cả cái quá khứ và tương lai ấy đều tùy thuộc vào cách nghĩ cách làm của người Hòa Vang đương đại trong công cuộc bảo tồn giá trị văn hóa/lịch sử hiện nay.

Đối với cội nguồn quá khứ, Hòa Vang cần hướng đến sự đều khắp bằng cách sớm giải quyết nhiều vấn đề đang bất cập như phối hợp với Cẩm Lệ để kiểm kê các phần mộ nghĩa sĩ hy sinh dưới chân thành Điện Hải vừa nằm tập trung vừa nằm phân tán trên đất Hòa Vang/Cẩm Lệ để có kế hoạch bảo tồn đồng bộ, hoặc như đầu tư từ ngân sách và huy động sự đóng góp của tang gia toàn thành phố để hình thành hệ thống đường nhựa/đường bê-tông vào các nghĩa trang nhân dân, nhất là các nghĩa trang ở Gò Cà.

Còn đối với viễn cảnh tương lai, nếu không kịp giữ lấy màu xanh cho các làng quê, không kịp phục dựng những rặng chè tàu/những hàng dâm bụt/những giậu mồng tơi thì trước mắt cũng phải giữ nguyên những cánh rừng nguyên sinh như giữ lá phổi của thành phố này.   

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.