Có một bài hát mà tôi chưa bao giờ hát trọn bài trong các cuộc vui. Đó là ca khúc Quảng Nam yêu thương. “Ôi, đất Quảng Nam sao mà yêu thương vô cùng/Như con chim én vẫy vùng cho dù bay khắp lòng ta tha thiết nhớ mong”.
Cứ tới đó là nghẹn lại, không hát tiếp được. Biết bao thế hệ người Quảng, người Đà Nẵng, trong đó có chúng tôi, đã từng như đàn chim bay đi khắp nơi để sống, học tập, làm việc, chiến đấu, mỗi lần nghĩ về quê hương, cứ lịm đi vì tha thiết nhớ mong!
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phát biểu trong đêm nhạc “Còn mãi tình yêu” mừng sinh nhật lần thứ 90 của ông tại Đà Nẵng, tháng 11-2014. Ảnh: MINH TRÍ |
Người đã viết ra ca khúc ấy, như vắt ra từ gan ruột của mình, là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11-11-1924 tại Đà Nẵng. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX. Chúng ta thật sự tự hào về người nhạc sĩ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bên sông Hàn.
Nói đến Phan Huỳnh Điểu, trước khi nói đến con người nghệ sĩ tài hoa, phải nói đến con người công dân, con người nghệ sĩ - chiến sĩ trong ông.
Ngay từ thưở thanh niên, ở tuổi 20, 21, Phan Huỳnh Điểu đã hòa vào dòng người đông đảo chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công và sau đó không lâu bước vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Những ngày đầu cách mạng, chàng trai Đà Nẵng ấy đã cùng các bạn bè say mê đàn hát họp nhau lại, hình thành một ban ca nhạc, trong đó có những tên tuổi sau này nổi tiếng như: Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Bích Sơn, Văn Cận (tên thật Võ Văn Hoài)...
Hằng đêm, những thành viên nhóm này thường đến Phòng thông tin thành phố lúc ấy để đàn hát các ca khúc cách mạng như: Tiến quân ca, Diệt phát xít, Tiếng súng Nam Bộ, Cảm tử quân, Bài ca 19/8... Những đêm có các đoàn tàu chở quân Nam tiến từ Bắc vào, đồng bào ta ra ga Đà Nẵng chào đón, đưa tiễn.
Bài hát Đoàn Giải phóng quân của Phan Huỳnh Điểu ra đời trong không khí sôi động ấy, mang khí thế hừng hực của những đoàn quân Nam tiến mà chính nhạc sĩ đã chứng kiến khi các anh dừng chân ở ga Đà Nẵng. Cứ như thế, cuộc đời Phan Huỳnh Điểu gắn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trải qua những năm tháng chiến tranh cho đến thời kỳ xây dựng hòa bình.
Những năm tháng đất nước cắt chia, sống ở miền Bắc nhưng nỗi nhớ quê hương luôn thường trực nơi ông và kết quả của tình cảm thiêng liêng ấy là những giai điệu da diết trong các ca khúc: Liên khu 5 yêu dấu, Quê tôi miền Nam, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm...
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt, dù đã ở tuổi 40, ông vẫn tình nguyện có mặt ở chiến trường Khu 5 với bút danh mới Huy Quang. Những giai điệu hùng tráng năm nào của Đoàn vệ quốc quân lại vang lên, nhưng trầm hùng hơn, thiết tha hơn với lòng căm giận được nén vào bên trong và lời hiệu triệu mạnh mẽ: Ngày từng ngày qua, súng quân xâm lược Mỹ bắn giết đồng bào, giết bao nhiêu đồng chí chúng ta. Anh em ơi có thể nào yên. Không chúng ta quyết không ngồi yên. Cầm súng xông ra tiền tuyến!
Chính trong cuộc sống chiến đấu ác liệt, giữa đạn bom man rợ thét gào, ông lại tìm ra cái “tạng” của mình, đó là chất trữ tình đằm thắm, thiết tha đến nao lòng. Ông đã góp một mảng màu độc đáo trong bức tranh chung những năm đất nước chiến đấu và yêu thương, khổ đau và hy vọng. Đó là lý do vì sao khán thính giả và giới chuyên môn tôn vinh ông là nhạc sĩ của tình yêu.
Dòng nhạc tình yêu của ông như một mạch suối trong lành, chảy qua suốt những chặng đường lịch sử dân tộc. Những bài hát: Anh ở đầu sông em cuối sông, Thơ tình cuối mùa thu, Thuyền và biển, Ở hai đầu nỗi nhớ, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc Ngày và đêm đã đưa ông đến những đỉnh vinh quang. Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Nhưng danh hiệu cao nhất của ông là người nhạc sĩ của nhân dân, của tuổi trẻ, của tình yêu. Hầu hết những bài hát của ông, các thế hệ đều có thể hát và có thể thuộc.
Điều đặc biệt của người nghệ sĩ Phan Huỳnh Điểu là ông đã sống suốt đời với với âm nhạc, chỉ với âm nhạc, đến giây phút cuối, đến giới hạn cuối cùng của cuộc sống. Mấy ngày trước đây, ông còn ngồi ghế giám khảo “Tiếng hát mãi xanh” và tuy phải nhập viện nhưng ông vẫn nghĩ cố vượt qua để có mặt trong đêm chung cuộc.
Vậy mà, đau xót thay! Ông đã đột ngột ra đi, ra đi mãi mãi...
Riêng tôi, trong giờ phút đau thương này, một lần nữa xin nói lời cảm ơn trước hương hồn ông, người đã chắp cánh cho bài thơ nhỏ của tôi để góp vào giai điệu hành khúc tình yêu của một thời đạn lửa.
Chú Điểu ơi, xin cho chúng cháu được thắp nén hương vĩnh biệt người nghệ sĩ đồng hương tài hoa, luôn yêu đời, yêu người, luôn lạc quan trong cuộc sống, trong sáng tạo, cho đến phút cuối cuộc đời. Mong linh hồn chú yên nghỉ thanh thản nơi vĩnh hằng.
Đà Nẵng, 29-6-2015
BÙI CÔNG MINH