Phế tích Chăm Xuân Dương (thôn Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được các nhà nghiên cứu xác định là trung tâm tín ngưỡng của người Chăm và là tòa tháp được xây dựng gần biển nhất… Với những giá trị này, các nhà nghiên cứu kỳ vọng cơ quan quản lý Nhà nước có ứng xử đúng đắn trước khi phế tích “biến mất”.
Đoàn khảo cổ học đào thám sát phế tích Chăm Xuân Dương. |
Những giá trị còn ẩn dưới lòng đất
Sau khi đào thám sát với diện tích 10m2 tại phế tích Chăm Xuân Dương, đoàn khảo cổ học đã tìm được dấu tích đầm nền của di tích hố thiêng và phạm vi xung quanh cùng 219 mảnh gạch Chăm. Bên cạnh đó, một số di vật của di tích tháp Chăm-pa Xuân Dương còn được lưu giữ nguyên vẹn tại Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm, miếu Bà Bô Bô, đình Xuân Dương. Có thể kể đến bệ thờ chạm khắc 4 con voi, đế bệ Yoni, đặc biệt là bệ thờ gồm 4 phiến đá chế tác vuông vức, kích thước khác nhau (còn giữ lại ở đình Xuân Dương)…
“Tôi cho rằng, bệ thờ này liên quan đến một vị thần mà người Chăm xưa gọi là thần Giông tố. Cứ mỗi chuyến ra khơi, họ lại đến đây cúng tế cầu xin thần Giông tố không đe dọa, uy hiếp khi họ đang ở trên biển. Như vậy, tháp Chăm-pa Xuân Dương, trước hết, trong lịch sử đã là một trung tâm thực hành tín ngưỡng tôn giáo”, TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học nhận định.
Chỉ tay về hướng biển, TS Lê Đình Phụng phân tích thêm, nơi đây nhìn thẳng ra vịnh Đà Nẵng (cửa Hàn), nhận nước từ 2 con sông, phía Nam là sông Hàn chảy dọc bờ biển và phía Bắc là sông Cu Đê chảy từ phía Tây xuống.
Đây là tháp Chăm xây gần biển nhất và là tháp thứ tư trong hệ thống kiến trúc ven biển như các tháp Chăm-pa khác ở Chân Mây - Thừa Thiên Huế, Nha Trang và Phan Rang. Với vị thế như vậy, nó phản ánh đời sống kinh tế của người dân nơi đây, đó là khai thác rừng từ Cu Đê và khai thác biển từ cửa Hàn. Đồng thời, tháp Xuân Dương cũng chính là ngọn hải đăng định hướng cho việc đi biển của người Chăm.
Một yếu tố đặc biệt mà các nhà khảo cổ học phát hiện ra khi tìm hiểu tháp Xuân Dương, đó là vào thế kỷ thứ XI, vùng đất Hóa Châu vẫn thuộc Chiêm Thành, chứ chưa nhập vào Đại Việt như những nghiên cứu trước đây. Phải đến đầu thế kỷ XIV, Đại Việt mới thu về vùng đất này.
“Năm 1306, theo thỏa thuận sính lễ, vua Chế Mân đồng ý cắt hai Châu Ô và Châu Lý để được cưới Huyền Trân công chúa, diện tích này bao gồm hết cả bờ Bắc sông Thu Bồn nên tháp Xuân Dương cũng nằm trong phạm vi này. Tuy nhiên, sau đó, người Chăm kiên quyết không giao vùng đất này cho nhà Trần, một trong những lý do người Chăm quyết giữ là có liên quan đến tháp Xuân Dương”, ông Phụng nói.
Các hiện vật đá tại đình Xuân Dương. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nỗi lo phế tích “biến mất”
Dựa vào sử liệu và cơ sở tín ngưỡng, vật liệu tìm thấy, các nhà khảo cổ học cho rằng đã có đủ cơ sở khẳng định tháp Chăm-pa Xuân Dương được xây dựng vào thế kỷ thứ XI. Đến thế kỷ XIV, tháp này vẫn tồn tại. Nhưng từ năm 1472, khi thành lập Quảng Nam - Thừa Thiên sứ thì người Chăm không còn cư trú nhiều tại đây nên dần dần bị hư hại. Trải qua biến thiên lịch sử, chiến tranh và hai lần bị san lấp để làm bãi nghỉ mát Nam Ô, làm sân bóng thì tháp Chăm ngày nay chỉ còn trong ký ức, sách sử và những gì chôn vùi dưới lòng đất.
“Tôi đồ rằng, tháp Chăm Xuân Dương có quy mô giống với di tích Chăm Chiên Đàn ở Quảng Nam. Tuy nhiên, muốn hiểu rõ về tháp Chăm Xuân Dương này, chúng ta cần một cuộc khai quật trên diện tích 500m2 để tìm hiểu về quy mô các tháp móng”, ông Phụng cho biết.
Tuy nhiên, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố, bày tỏ lo ngại về sự “biến mất” của phế tích tháp Chăm Xuân Dương. Bởi lẽ, vùng đất có phế tích này đang nằm trong dự án của một khu du lịch sinh thái. “Chúng tôi cố gắng trong năm 2016 sẽ tiến hành khai quật di tích Chăm Xuân Dương trước khi dự án này khởi công. Nếu không thực hiện được thì tháp Chăm vốn ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa sẽ bị “biến mất” và chỉ còn trong ký ức với những giả định, suy đoán.
NGỌC HÀ