Văn hóa - Giải trí

Độc đáo di chỉ văn hóa đình làng Khuê Bắc

07:24, 06/07/2015 (GMT+7)

Theo các nhà nghiên cứu, di chỉ văn hóa đình làng Khuê Bắc là di chỉ cư trú điển hình của văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn Đà Nẵng, làm nền tảng cho sự phát triển của các nền văn hóa ở các thời kỳ tiếp theo.

Đoàn khảo cổ khai quật di chỉ đình làng Khuê Bắc.                                   		                  Ảnh: N.HÀ
Đoàn khảo cổ khai quật di chỉ đình làng Khuê Bắc. Ảnh: N.HÀ

Nhiều hiện vật giá trị

Đầu tháng 6, trung tâm quản lý di sản thành phố phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ đình làng Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Vị trí khai quật cách lần khai quật đầu tiên vào tháng 5-2001 khoảng 10m về phía Nam, hướng ra sông Cổ Cò 26m. Tại đây, đoàn khảo cổ do thạc sĩ Phạm Văn Triệu, Phó phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam), trực tiếp chỉ đạo cuộc khai quật đã tiến hành mở 2 hố khai quật, trên diện tích 100m2. Kết quả đã phát hiện được tổng số 4.554 hiện vật, bao gồm: 13 đồng tiền, 25 mảnh nhuyễn thể, 207 hiện vật đá và 4.309 hiện vật gốm.

Di vật đá gồm các loại công cụ sản xuất như: rìu, bôn, bàn mài, hòn kê, bàn nghiền và cả mảnh đá nguyên liệu chế tác đồ trang sức. Trong số 207 di vật đá, phong phú nhất là loại hình rìu, gồm 12 hiện vật được chia thành các loại: rìu vai cân, rìu vai xuôi, rìu gót vuông, rìu mặt cắt hình chữ nhật.

“Lần đầu tiên tại di chỉ này, một bôn đá (công cụ giống rìu, nhưng chỉ được mài một mặt lưỡi) với đường kính 2cm, rất sắc bén, được tìm thấy. Có thể người ta sử dụng bôn đá trong việc cắt, gọt các đồ vật nhỏ; cũng có thể là đồ minh khí - đồ dùng thường để trong mộ người chết. Để xác minh, cần phải nghiên cứu thêm”, ông Triệu cho biết.

Cũng theo ông Triệu, trong lần khai quật này, còn phát hiện cả cụm san hô hóa thạch, góp thêm bằng chứng về cư dân Sa Huỳnh gắn liền với kinh tế biển.

Về đồ gốm, phát hiện được tổng cộng 4.533 hiện vật, trong đó có 4.309 mảnh gốm Sa Huỳnh, 175 mảnh gốm Chăm, 37 hiện vật gốm Việt Nam và 10 hiện vật gốm có nguồn gốc Trung Quốc.

Các hiện vật gốm Sa Huỳnh ở đây có đặc điểm xương gốm thô lẫn nhiều sạn sỏi nhỏ, giữa có lõi đen. Mặt ngoài và mặt trong được miết láng tạo thành lớp áo màu nâu đỏ hoặc xám đen. Hoa văn trang trí gồm hoa văn thừng thô, hoa văn thừng mịn, hoa văn khắc vạch, hoa văn chải, kết hợp giữa hoa văn thừng và khắc vạch.

Gốm Chăm (thế kỷ 2-4) chủ yếu thuộc đồ dùng sinh hoạt, vật liệu kiến trúc (gạch và ngói), có màu đỏ hoặc màu hồng nhạt, Ngoài ra, hiện vật là gốm Việt Nam nằm trong giai đoạn thế kỷ 14-20; gốm Trung Quốc có niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 20. Đồng thời, quá trình khai quật cũng phát hiện hiện vật là tiền cổ, chủ yếu tiền thời Tống có niên đại từ năm 1.024-1.100 và duy nhất 1 đồng tiền của thời Minh (1368-1398).

Sau khi nghiên cứu các hiện vật thu thập, địa tầng văn hóa, các nhà nghiên cứu nhận xét di chỉ đình làng Khuê Bắc gồm 2 lớp văn hóa. Lớp văn hóa 1 bắt đầu từ khoảng thế kỷ 2 và kéo dài liên tục đến thế kỷ 19-20, trực tiếp trên địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh. Lớp văn hóa 2, địa tầng hố khai quật và các di tích, di vật phát hiện được cho thấy đây là lớp văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh, có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạnh (Quảng Ngãi), niên đại khoảng hơn 3.000 năm.

Di chỉ đặc biệt

Theo TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam), về lịch sử và nghiên cứu văn hóa dải đất miền Trung, đến nay, các nhà nghiên cứu thường nhắc đến văn hóa miền Trung được xác lập bởi các cơ tầng văn hóa thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau: văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm-pa, văn hóa Đại Việt. Điều đáng ngạc nhiên là di chỉ đình làng Khuê Bắc vừa mới khai quật, các di vật thể hiện cả ba cơ tầng văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm-pa, văn hóa Đại Việt. “Đây là di chỉ duy nhất hiện nay được biết đến với đầy đủ 3 cơ tầng văn hóa”, TS Phụng nhấn mạnh.

Qua khai quật, các nhà nghiên cứu còn đưa ra một số nhận định quan trọng, giúp tái hiện lại lịch sử văn hóa của vùng đất này cũng như đời sống của cư dân nơi đây. Theo đó, dựa vào sự có mặt của bàn mài với số lượng lớn trong tổng thể các loại hình công cụ, cùng với các mảnh đá nguyên liệu sản xuất công cụ và đồ trang sức, các nhà nghiên cứu cho rằng, khả năng nơi đây từng là nơi chế tác công cụ, trang sức phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của cư dân.

Đồng thời, địa tầng hố khai quật cho thấy, người Sa Huỳnh đã cư trú trên gò đất cao, gần với sông suối, thuận lợi cho việc khai thác các điều kiện tự nhiên phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt. Nơi đây, hoạt động giao thương với cư dân ở các khu vực khác cũng khá phát triển.

“Với diện tích đã được khai quật, công tác nghiên cứu trong 2 đợt (năm 2001 và 2015), một số vấn đề của di chỉ vườn đình Khuê Bắc đã bước đầu được giải quyết như tính chất di chỉ, niên đại di chỉ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khoa học cần tiếp tục giải quyết là nguồn gốc cư dân, các giai đoạn phát triển. Do đó, để có được cái nhìn khách quan hơn về di chỉ quan trọng này, cần tiếp tục tổ chức khai quật, nghiên cứu trên phạm vi rộng lớn hơn, toàn diện hơn. Bởi di chỉ vườn đình Khuê Bắc phản ánh bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất, góp phần dựng nên diện mạo văn hóa của Đà Nẵng trong nền văn hóa chung của dân tộc”, thạc sĩ Phạm Văn Triệu đề xuất.

NGỌC HÀ

.