.

Giữ gìn vốn quý

.

Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng hiện có gần 90 hội viên thuộc nhiều đối tượng, cùng chung niềm say mê chữ Hán Nôm. Những người giảng dạy, hướng dẫn ở đây hoàn toàn không có thù lao. Họ tự nguyện dốc tâm dốc trí truyền đạt vốn kiến thức Hán Nôm cho người học; còn người học cũng tự giác theo học loại chữ tượng hình này mà không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào.

Trình diễn thư pháp của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng.
Trình diễn thư pháp của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng.

Hằng tháng, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng tổ chức trao đổi, học tập chữ Hán Nôm 2 buổi (sáng mồng một và sáng 15 âm lịch); dạy chữ Hán Nôm miễn phí vào sáng thứ bảy hằng tuần cho hơn 50 học viên tại nhà sinh hoạt cộng đồng (số 119 Nguyễn Hữu Thọ, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu).

hương trình dạy của Trung tâm dựa theo giáo trình bộ môn Hán Nôm của khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Hầu hết thành viên của Trung tâm là cán bộ hưu trí; cũng có những người đang là cán bộ, bác sĩ, giảng viên các trường ĐH…

Tham gia lớp học, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải, cho biết chữ Hán Nôm rất độc đáo; biết chữ Hán Nôm sẽ có điều kiện đọc, nghiên cứu, sử dụng các tác phẩm, tài liệu của ông cha ta ngày xưa. Còn cụ Nguyễn Xuân Thiều (ở quận Thanh Khê) đã ngoài 90 tuổi vẫn đều đặn mỗi tháng hai lần đến học chữ Hán Nôm. “Tham gia lớp học này vừa hiểu biết kiến thức chữ Hán, vừa làm gương cho con cháu về tinh thần hiếu học, phù hợp với chủ trương xây dựng xã hội học tập”, cụ Thiều khẳng định.

Cựu chiến binh Huỳnh Ngọc Khăn (ở quận Cẩm Lệ) đã 8 năm theo học chữ Hán Nôm. Từ một người chưa biết chữ Hán Nôm, bây giờ ông là một trong 7 giáo viên của Trung tâm. Ông Khăn cho biết, lúc đầu tổ tự học Hán Nôm được hình thành, sau phát triển thành CLB Hán Nôm, đến năm 2012 trở thành Trung tâm Hán Nôm, trực thuộc Hội Khuyến học thành phố.

Những năm qua, Trung tâm đã tổ chức đọc, dịch các văn bia, hoành phi, câu đối, gia phả ở một số địa phương trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận, tạo sự tin cậy của nhiều người. Cụ thể, tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) có một tấm bia chữ Hán đã mờ, người dân không hiểu nội dung, các cụ đã đến dịch và giải thích tỉ mỉ đó là bia ghi tên những người đã đóng góp xây dựng Văn chỉ La Châu.

Mặt khác, Trung tâm được các cơ quan chức năng hợp đồng dịch thuật nhiều công trình như: dịch các sắc phong thời Nhà Nguyễn đối với danh nhân Phạm Phú Thứ, thẩm định hơn 200 tài liệu của tác giả Nguyễn Văn Xuân. Các cụ đã dịch và giới thiệu một số văn bản chữ Hán nói về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa như: Hoàng Sa đảo của nhà bác học Lê Quý Đôn, Bộ Công thời Minh Mạng phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc ở Hoàng Sa…

Đặc biệt, các cụ tự đóng góp công sức, kinh phí, ấn hành 3 tập san Hán Nôm Đà Nẵng bằng chữ Hán Việt, nhằm tuyên truyền kiểu chữ viết từng thịnh hành một thời kỳ dài trong lịch sử dân tộc, trong đó đăng nhiều tác phẩm xưa bằng nguyên bản chữ Hán và cả bản dịch. Điều trăn trở của lãnh đạo Trung tâm là số lượng người theo học chữ Hán Nôm tại đây còn ít. “Loại chữ này ngày xưa gọi là “chữ thánh hiền”, chỉ con nhà khá giả mới có điều kiện học, bây giờ chúng tôi dạy miễn phí, ai học cũng được hướng dẫn tận tình, vậy mà vẫn ít người học!”, Giám đốc Trung tâm Huỳnh Phương Bá chia sẻ…

Bài và ảnh: MINH NGỌC

;
.
.
.
.