Thực hiện chủ trương tăng cường đầu tư cho văn hóa, trong đó có việc xây dựng các thiết chế văn hóa (TCVH) phường, xã, riêng 6 tháng đầu năm, thành phố đã hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp gần 30 công trình, TCVH cơ sở đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Song, khi cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, đầy đủ hơn lại đặt ra yêu cầu vận hành, quản lý sao cho hiệu quả, tương xứng.
Khi cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại, cần có cơ chế vận hành hiệu quả để phát huy tối đa công năng sử dụng các thiết chế văn hóa phường, xã. |
Giao phường, xã quản lý
Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), một trong 5 đơn vị có trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) vừa được đầu tư, nâng cấp, cho biết thêm 2 sân cầu lông cùng nhiều dụng cụ tập thể thao nên khuôn viên rộng rãi của trung tâm VHTT phường sinh động hẳn. Già, trẻ, trai, gái tập trung vui chơi rất đông, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối.
Qua khảo sát của chúng tôi, không riêng phường Xuân Hà, 6 khu vui chơi giải trí (KVCGT) hoạt động hiệu quả được đầu tư cải tạo, nâng cấp; 11 KVCGT chuyển đổi công năng thành trung tâm VHTT xã, phường; 10 KVCGT được cải tạo thành công viên vườn dạo đã góp phần thay đổi diện mạo TCVH phường, xã tại nhiều khu dân cư trên toàn thành phố.
Song, bên cạnh niềm vui đón công trình mới thì mối quan tâm lớn của chính quyền cơ sở là làm sao quản lý, vận hành tốt nhất các TCVH vừa được bàn giao. Theo chỉ đạo của thành phố, UBND các phường, xã sau khi được bàn giao các KVCGT, trung tâm VHTT, công viên vườn dạo phải chịu trách nhiệm giữ tài sản, tránh mất mát, hư hỏng và giữ nguyên công năng sử dụng.
Theo ông Đặng Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), làm tròn nhiệm vụ mà thành phố giao là điều không dễ.
Ông Tài dẫn chứng, trước đây, khi KVCGT của phường chỉ là bãi đất trống, việc quản lý, vận hành được giao cho Đoàn Thanh niên giữ vệ sinh và những cá nhân, đơn vị hợp đồng với địa phương đưa thiết bị đồ chơi trẻ em đến kinh doanh; hết giờ chơi, họ mang về tự giữ gìn, bảo quản; cán bộ chuyên trách văn hóa lâu lâu đi kiểm tra.
Nhưng nay có tài sản tại chỗ, tường rào, sân nền, cổng ngõ đều được đầu tư mới thì không thể quản lý theo cách cũ. Khi chính sách đãi ngộ không đáng kể, thiếu cơ chế ràng buộc rõ ràng, Đoàn Thanh niên hay cán bộ kiêm nhiệm chỉ làm, kiểm tra chủ yếu trong giờ hành chính, buổi tối có làm thêm cũng khó duy trì đều đặn. “Trong khi đó, người dân không vui chơi trong giờ hành chính; những đối tượng phá phách, trộm cắp rất biết chọn thời điểm để thực hiện hành vi”, ông Tài lo lắng.
Cần cơ chế, chính sách rõ ràng
Trao đổi về vấn đề quản lý, vận hành TCVH phường, xã, ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cho rằng điều cốt lõi là phải tìm ra cơ chế, chính sách quản lý hợp lý. Muốn quản lý tốt các KVCGT, trung tâm VHTT, không thể chờ cán bộ kiêm nhiệm.
Về lâu dài, cần cán bộ chuyên trách về văn hóa quản lý các thiết chế này với mức thù lao, đãi ngộ xứng đáng. Ông Dũng nhìn nhận, với kinh phí 25 triệu đồng/công trình/năm cho việc duy tu, bảo dưỡng, quản lý, bảo vệ các TCVH vừa được đầu tư cải tạo, nâng cấp thì rất khó để thực hiện yêu cầu trên.
Trong khi đó, theo ông Đặng Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, các ban và cán bộ liên quan của phường đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để tìm giải pháp thỏa đáng nhất. Một số đề xuất đã được đưa ra như: thành lập tổ tự quản gồm Đoàn Thanh niên làm nòng cốt, với sự hỗ trợ của cán bộ văn hóa phường; hợp đồng với các hộ dân ở gần TCVH, giao họ chịu trách nhiệm trông coi, bảo vệ thiết chế; thành lập các CLB thể dục, thể thao tại chỗ…
Tuy nhiên, theo ông Tài, tất cả mới là sự dự kiến và còn nhiều đắn đo, băn khoăn. “Chúng tôi hy vọng sẽ có một cuộc ngồi lại với các ban, ngành liên quan của thành phố nhằm tìm giải pháp tốt nhất, một cơ chế chính sách quản lý, vận hành các TCVH chung cụ thể, phù hợp để áp dụng”, ông Đặng Ngọc Tài mong mỏi.
Theo Văn bản số 5313/UBND-VX ngày 10-7-2015 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa (TCVH), thể thao cơ sở: giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng bàn giao cho UBND các phường, xã quản lý tài sản ban đầu, sân nền nội bộ, các vật kiến trúc liên quan như hàng rào, cổng ngõ, thiết bị vui chơi giải trí, tập thể thao, giữ nguyên công năng các khu vui chơi giải trí (KVCGT), trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) vừa được chuyển đổi công năng sau khi hoàn thành việc đầu tư, nâng cấp; bàn giao cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ, cấp nước tưới cây, bó bồn hoa trong các KVCGT, trung tâm VHTT phường, xã cho Công ty Công viên cây xanh quản lý, sử dụng, vận hành và khai thác; bàn giao hệ thống điện chiếu sáng công cộng và điện chiếu sáng trang trí trong các KVCGT, trung tâm VHTT cho Công ty Quản lý, vận hành điện chiếu sáng công cộng quản lý, vận hành, khai thác. UBND các quận, huyện có trách nhiệm thành lập trung tâm VHTT phường, xã và bộ máy vận hành theo Hướng dẫn số 2146/HD-SVN ngày 29-9-2014 của Sở Nội vụ; phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí bảo dưỡng các trang thiết bị cho trung tâm VHTT xã, phường hằng năm... UBND các phường, xã ngoài việc quản lý tài sản vừa được đầu tư, nâng cấp, còn có trách nhiệm phối hợp với Công ty Công viên cây xanh và Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng bảo đảm cảnh quan và điện chiếu sáng tại các trung tâm VHTT, KVCGT, công viên vườn dạo; căn cứ thực tiễn địa phương đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các TCVH; vận động xã hội hóa kinh phí, công sức, hiện vật để đầu tư, tu bổ, tổ chức hoạt động tại các TCVH. |
Bài và ảnh: THANH TÂN