.
Thế giới sách

Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng: Những lát cắt tinh tế

.

Khi cầm bản thảo cuốn Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng dưới góc nhìn đương đại của Bùi Văn Tiếng - cuốn sách khá khiêm tốn so với các công trình trước đó viết về xứ Quảng dày cả ngàn trang, tôi hiểu rằng, tất cả những gì gói gọn trong hơn 250 trang sách đã được tác giả nghiền ngẫm, tâm đắc và muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người về đời sống văn hóa truyền thống của quê hương.

Nhu cầu giãi bày ấy là nhu cầu tự thân và xa hơn là ý thức công dân của người viết. Lối viết phóng túng, nghĩ đến đâu nói đến đó (dĩ nhiên phải nghiền ngẫm đến độ chín nhất định) đã giúp tác giả thoát khỏi cái khung hàn lâm để bộc lộ đến tận cùng tính chất hồn nhiên, trung thực và dân dã của mình.

Bùi Văn Tiếng vốn là người học văn, nếu không rẽ lối sang ngang con đường chính trị, chắc Bùi Văn Tiếng cũng sống đến tận cùng cái nghề đã trót chọn từ sớm và có thể thành đạt như bao bạn bè khác. Cuốn sách này là một minh chứng cho sự “ngứa nghề” của con nhà văn đấy thôi. Vì vậy, qua công trình nhỏ này, những người quen biết Bùi Văn Tiếng sẽ nhìn thấy ở anh một góc khác khá thú vị, vừa quen vừa lạ.

Cuốn sách dày hơn 250 trang, vừa được NXB Đà Nẵng  ấn hành.
Cuốn sách dày hơn 250 trang, vừa được NXB Đà Nẵng ấn hành.

Để có công trình này, tôi hình dung tác giả phải khảo cứu kỹ các tài liệu lịch sử, văn hóa, văn học, địa chí viết về xứ Quảng từ hàng trăm năm nay và hơn thế còn phải đi để nhìn, nghe, suy ngẫm. Cho nên, dù đi sau, Bùi Văn Tiếng vẫn tìm được tiếng nói riêng của mình qua những lát cắt tinh tế, thông minh và trong chừng mực nào đó đã thoát khỏi những khung quy chiếu, những định kiến của người đi trước. Xin đơn cử việc đề cập đến quá trình mở cõi về phía Nam của các thế hệ tiền nhân trong mối quan hệ với người Chăm, điều tôi tin là không ít sử gia thường rất dè dặt và né tránh vấn đề vẫn được cho là nhạy cảm này.

Những người làm sử, ai cũng biết từ nhiều thế kỷ trước, tại nơi này diễn ra một quá trình thâm nhập tộc người mà biểu hiện rất đặc trưng cho cách ứng xử của người Việt, tuy đến muộn: hòa hiếu, thân ái với láng giềng, với những cư dân bản địa. Có nhiều thư tịch cổ của dòng họ ở khu vực này cho thấy thậm chí người Việt đã thờ người Chăm là tổ khai canh, khai cơ.

Nếu không nhìn thấu đáo vấn đề này và nhất là nếu thiếu thái độ tôn trọng lịch sử, tác giả khó để có những kết luận: “Người Việt muốn bày tỏ với cộng đồng người Chăm rằng do chẳng đặng đừng mà phải đứng chân lâu dài trên lãnh thổ Amaravati, đồng thời tự nhận chỉ là người tá thổ - mượn đất”. Nói như vậy là dám nhìn thẳng sự thật và trung thực với văn hóa - lịch sử, với tổ tiên.

Tất nhiên, lịch sử mở cõi về phía Nam của dân tộc ta theo gót tiền nhân ở những giai đoạn sau đó còn do nhiều lý do khách quan khác nữa để có diện mạo như bây giờ. Tìm lối diễn đạt cho điều khó nói mà không thể tránh được quả là thách thức với người cầm bút. Do đó, tuy là phóng túng nhưng tác giả phải nắm rất vững và sâu không chỉ về cứ liệu lịch sử mà còn hiểu được tâm tình của người xưa mới chọn được điểm nhấn đích đáng khi đề cập đến quá khứ có chiều hướng bị thời gian phủ lấp cùng với những thiên kiến, định kiến khác. Một đặc tính cố hữu của dân xứ Quảng là “hay cãi”.

Quả thực, trước đây, tôi chưa nghe lý giải nào đủ sức thuyết phục về cố tật này như Bùi Văn Tiếng. Anh cho rằng, đấy là kiểu tư duy suy biện qua cách nhìn, cách ứng xử của người xứ Quảng, giúp người đọc hiểu thêm căn rễ lịch sử văn hóa của một tính cách khá tinh tế.

Sách còn đề cập nhiều vấn đề khác xoay quanh đời sống thực tại xã hội đang vươn lên hội nhập và những thách thức đối với văn hóa truyền thống. Là người làm công tác quản lý, tác giả cũng đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội đang đặt ra trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa của xứ Quảng.

Có điều ngay chính những vấn đề gai góc như vậy, tác giả vẫn đưa ra cái nhìn tinh tế dưới góc độ văn hóa, khiến ta ngạc nhiên. Tác giả lý giải: “Thật ra câu chuyện văn minh đô thị ở đây không hề đơn giản. Trong mắt du khách thập phương và cư dân bản địa, trong không ít trường hợp, chính hàng rong và hàng quán vỉa hè lại góp phần làm nên cái hồn của đô thị. Còn xét trên khía cạnh kinh tế thì mọi hàng rong và hàng quán vỉa hè đều gắn với những dân nghèo thành thị, giúp họ kiếm sống lương thiện hằng ngày”.

Đây là cái nhìn thâu hóa được ý thức trách nhiệm của người làm công tác quản lý xã hội và sự thấu hiểu cội nguồn thân phận người dân cũng như đồng cảm với tâm lý du khách dựa trên tinh thần nhân bản. Hóa ra cái nhìn đó bao quát tất cả văn hóa đô thị người Việt trên mọi nẻo đường đất nước mà cái mẫu số chung của nó tạo nên hình hài có vẻ “nhếch nhác” ấy lại là tâm thức làng, và tại xứ Quảng tụ lại ở khái niệm “kéo ghế” mà tác giả cho rằng không phân biệt đẳng cấp chính quy hay vỉa hè.

Miên man tản mạn trên mọi vấn đề khiến người đọc ngỡ rằng dường như đấy chỉ là cuộc rong chơi của tác giả nhưng thực chất lại khá nhất quán trong suy nghĩ, quy tụ về một hướng nhận thức: người xứ Quảng luôn đau đáu về tâm thức văn hiến bốn ngàn năm của người Việt xứ Đàng Ngoài nhưng lại sáng tạo phong cách mới trong muôn vàn nhọc nhằn mưu sinh của cuộc sống - sợi chỉ đỏ xuyên suốt đã tạo nên cái nhìn “đương đại” vừa trong sáng vừa tinh tế, hồn nhiên, trung thực của tác giả về di sản văn hóa của cha ông trên vùng đất xứ Quảng.

Với tư cách người đọc, tôi chia sẻ mọi suy tư của người viết về cuốn sách Văn hóa văn nghệ dân gian dưới góc nhìn đương đại đến với những ai cùng yêu thương và quan tâm tới xứ Quảng. Tôi hy vọng mỗi người đều có thể tìm thấy được điều bổ ích từ cuốn sách của Bùi Văn Tiếng.

HỒ QUỐC HÙNG

;
.
.
.
.
.