.

Trọn vẹn ân tình quê hương

.

Những bản tình ca thấm đượm tình yêu đời, yêu người của cố nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu sẽ neo mãi trong trái tim người yêu nhạc, như ân tình của ông đối với quê hương cho đến phút từ giã cõi đời.

Nghi thức rải một phần tro cốt cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trên sông Hàn.		Ảnh: NGỌC DUNG
Nghi thức rải một phần tro cốt cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trên sông Hàn. Ảnh: NGỌC DUNG

Theo nguyện vọng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, sáng 10-7, nghi thức rải tro cốt cố nhạc sĩ đã được gia quyến thực hiện trên sông Hàn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện các sở, ban, ngành và đông đảo văn nghệ sĩ, những người yêu mến nhạc Phan Huỳnh Điểu đã đến thắp hương, đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Về với sông Hàn

“Dù mai em về đâu, qua sông Hàn vẫn nhớ, đêm đêm thành phố thở gió mặn mòi biển khơi. Lời của gió qua rồi, lời trái tim còn mãi. Đêm đêm em vẫn gọi Sơn Trà và tên anh. Đi suốt dọc miền Trung như con tàu nhớ bến, em neo về Đà Nẵng, về với sông Hàn, về với tình yêu”…

Những ai đã có mặt tại buổi đưa tiễn có lẽ khó lòng quên những giây phút thiêng liêng, xúc động, khi những giai điệu ca khúc Về với sông Hàn được cất lên trong buổi sáng tinh sương tháng 7, lúc gia đình, bạn bè thân hữu đưa hương linh, tro cốt người nhạc sĩ tài hoa về với dòng sông quê hương.

4 giờ ngày 10-7, đoàn xe của Nhà tang lễ thành phố cập bến sông Hàn nhưng nhiều người đã có mặt từ rất sớm để đưa tiễn nhạc sĩ của Thuyền và biển. Cụ Trần Hữu Thậm (85 tuổi, trú đường Hải Phòng, quận Hải Châu), trong trang phục tập thể dục bày tỏ: “Sáng nay tôi đi tập thể dục sớm hơn mọi ngày để đưa tiễn ông”.

Cụ Thậm cho biết, cụ yêu mến nhạc Phan Huỳnh Điểu từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chiến tranh, trên chặng đường hành quân, cụ may mắn được gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nên càng đem lòng ngưỡng mộ ông. “Tôi yêu thích những bài hát của ông. Có một bài mà ít người biết, nhưng anh em đi tập thể dục chúng tôi sáng nào cũng hát, đó là bài Sông Hàn ơi!”.

Nói rồi, cụ Thậm nhờ người dìu lên thuyền thắp nén hương đưa tiễn cố nhạc sĩ. Thật bất ngờ, cụ Thậm cất cao bài hát Sông Hàn ơi: “Qua mấy nhịp cầu quay, hương tóc em tỏa bay, ôi yêu sao con sông, con sông trôi mênh mông, con sông xanh quê hương, ôi con sông Hàn yêu thương…”. Những người có mặt trên bến dưới thuyền không ai cầm được nước mắt.

Khi thuyền qua cầu Sông Hàn, ánh đèn soi xuống mặt nước lấp lánh, từng đoàn cá nhảy tung tăng theo con thuyền đang rẽ sóng, sông Hàn bình yên càng trở nên thơ mộng. “Ba ơi, ba về với sông Hàn, về với quê hương...”, nhạc sĩ Phan Hồng Hà, con trai của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu xúc động khấn trong giây phút thiêng liêng thực hiện di nguyện rải phần tro cốt của cố nhạc sĩ… 

Còn nhớ, trong đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi với chủ đề “90 năm còn mãi một tình yêu” được tổ chức ở Nhà hát Trưng Vương hồi tháng 11-2014, ông tâm sự: “Tôi ở Bắc thì được gọi là nhạc sĩ miền Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh thì được coi là dân Quảng ngụ cư. Chỉ có về miền Trung mới thấy mình về nhà”… Vậy là, ông đã được trở “về nhà”, như tâm nguyện.

Nhớ mãi người nhạc sĩ yêu đời

Đối với những người thân, người bạn, người từng gặp gỡ, chuyện trò, hay người chưa quen biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, điều họ nhớ nhất về ông luôn là những câu chuyện hóm hỉnh, là đôi mắt sáng lấp lánh nụ cười hồn hậu, bao dung.

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc Đà Nẵng, cho biết trên chặng đường sáng tác, ông may mắn được tiếp xúc và được cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chỉ dạy nhiều. “Ông đã bày cái gì thì tận tình từng li từng tí. Ông nghiêm khắc mà gần gũi, hóm hỉnh nhưng sâu sắc trong mỗi câu, từ, lời nói, kể cả đó là câu nói đùa. Điều mà tôi nhớ nhất về cố nhạc sĩ là tuyệt nhiên không có chữ bi lụy trong âm nhạc cũng như con người ông”, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa chia sẻ.

Bà Đinh Thị Ngọc Châu, con dâu của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể, cách ngày trước khi nhập viện, ông cùng MC Quỳnh Hương và những người trong ê-kip thực hiện chương trình “Tiếng hát mãi xanh” hát vang bài Cuộc đời vẫn đẹp sao và cười nói vui vẻ, tuy sức khỏe của ông đã chuyển chiều hướng xấu. “Ba tôi là vậy, chẳng để ai phải buồn phiền, lo lắng, căng thẳng gì cho mình”, bà Châu kể lại trong nước mắt.

Trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Đình Thậm chia sẻ câu chuyện về ca khúc Về với sông Hàn, rằng đây là một trong những ca khúc mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ưng ý, viết tặng cho những nghệ sĩ trẻ mong rằng những người con quê hương sẽ trở về, những tài năng trẻ sẽ tìm về Đà Nẵng; “neo về Đà Nẵng, về với sông Hàn, với tình yêu” để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. “Ông vui tươi, hóm hỉnh là thế, song chẳng bao giờ quên trách nhiệm với quê hương. Tôi biết cho đến lúc cuối đời, ông vẫn đau đáu một ca khúc về Đà Nẵng và luôn đặt niềm tin vào thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay”, nhạc sĩ Đình Thậm nói.

Bây giờ ngồi viết thì chưa chắc tôi đã có được một Giải phóng quân như ngày xưa. Hay trong một đêm rất khó để có Đà Nẵng ơi, chúng con đã về, như cái đêm biết tin Đà Nẵng giải phóng, gần hơn là Quảng Nam yêu thương...

Phải nói rằng, vấn đề cảm xúc người nhạc sĩ, tính thời điểm xuất hiện ca khúc rất quan trọng. Tính đến bây giờ, tôi đã sáng tác khá nhiều ca khúc về Đà Nẵng nhưng nói thật lòng, chưa có ca khúc nào khiến tôi thấy hài lòng. Bệnh đau đầu, hay đau bụng, chỉ cần uống thuốc chữa đau đầu, đau bụng sẽ khỏi ngay, còn chuyện tìm lời giải cho ca khúc hay về Đà Nẵng thì thật khó để tìm ra phương cách cụ thể. Đặc biệt, trong nghệ thuật, đừng nên lấy cái này so sánh với cái kia, rồi quy chụp ngang bằng, hơn thua, bởi mỗi sự ra đời của ca khúc gắn với một thời điểm, có thể một sự tình cờ, không lặp lại. Và chuyện treo giải 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, hay hơn thế nữa cũng không phải cách để có ca khúc hay, vì tác phẩm nghệ thuật là thứ đặc biệt không thể mua mà có.

(Trích chia sẻ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng)

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.