Lần đầu tiên Đà Nẵng đưa tuồng xuống phố biểu diễn, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật cho rằng, cần thận trọng khi trình diễn dưới phố loại hình nghệ thuật có tính hàn lâm, bác học này.
Diễn viên hóa trang ngay tại sân khấu. Ảnh: N.HÀ |
Buổi diễn đầu tiên của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ở sân khấu ngoài trời bờ đông cầu sông Hàn vào tối 12-7 đã để lại khá nhiều cảm xúc cho cả người xem lẫn người biểu diễn.
Háo hức xem tuồng
Không gian nghệ thuật đường phố đã kéo người xem và người diễn đến gần nhau hơn. Khán giả được nghe giới thiệu về mặt nạ tuồng, xem diễn viên hóa trang ngay tại sân khấu và khoác lên mình những bộ phục trang tuồng lộng lẫy để chụp ảnh lưu niệm…
Bên cạnh đó, tiếng trống, tiếng kèn (nhóm nhạc cụ chủ chốt của nghệ thuật tuồng) vang lên như mời gọi bà con đến xem diễn. Đặc biệt, màn “lớp giáo tuồng” (nghi thức bắt đầu đêm biểu diễn tuồng - thuộc hình thức tuồng dân gian) về vùng đất Sơn Trà đã nhận được những tràng pháo tay của khán giả. Kế đến, trích đoạn hài Ông già cõng vợ đi xem hội tạo tiếng cười vui vẻ, sảng khoái cho người xem.
Xem trọn vẹn đêm biểu diễn, chị Nguyễn Thị Hoa (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) chia sẻ rằng, chị cũng từng xem tuồng trên truyền hình nhưng xem trực tiếp thì đây là lần đầu tiên. “Dù chưa hiểu hết nhưng tôi thấy rất hay, từ trang phục, ánh sáng, đến giới thiệu những nhân vật điển hình, tại sao ông kia vẻ mặt đỏ, ông kia vẻ mặt trắng... Mấy cụ già trong xóm mà nghe có diễn tuồng, làm gì lần tới cũng tới xem”, chị Hoa hào hứng.
Trong khi đó, một du khách đến từ Hà Nội say sưa xem nghệ nhân giới thiệu mặt nạ tuồng cho biết, lâu nay, tuồng diễn trong nhà hát rất ít người xem. Vì vậy, Đà Nẵng đưa tuồng xuống phố là cách làm hay, vừa giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến công chúng, vừa tạo ra sản phẩm giải trí cho du khách.
Không chỉ người dân và du khách hào hứng, những người làm nghệ thuật truyền thống tỏ ra vui mừng khi giới thiệu nghệ thuật tuồng đến công chúng.
“Lần đầu tiên chúng tôi ngồi hóa trang ngay trước khán giả. Xúc động lắm! Nghệ thuật tuồng mang tính ước lệ, mỗi khuôn mặt hóa trang đều có dụng ý riêng. Vì thế, xuống phố là dịp để chúng tôi có cơ hội giải thích cho người xem hiểu hơn về tuồng”, diễn viên Tô Kỳ (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) bày tỏ.
Để có một đêm trình diễn dưới phố, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phải nghiên cứu rất kỹ chương trình biểu diễn. Trưởng phòng nghiệp vụ Nhà hát, ông Phạm Thanh Tỵ, cho biết sau nhiều lần suy đi tính lại, đơn vị này quyết định chọn những trích đoạn thể hiện tính bi hùng đặc trưng hay của tuồng, những trích đoạn dễ hiểu và cả những đoạn trích với các nhân vật lịch sử, khơi dậy tinh thần yêu nước...
Giải pháp tình thế hay định hướng phát triển?
Dù được dư luận đánh giá cao nhưng tại tọa đàm “Đưa tuồng xuống phố giải pháp tình thế hay định hướng phát triển”, do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật, Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 17-7, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lý luận phê bình, nghệ sĩ tuồng tỏ ra lo ngại khi đưa tuồng xuống trình diễn dưới phố.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố, cho biết khi nghe trình diễn tuồng dưới phố, trong lòng ông có nhiều nỗi băn khoăn: sợ lãnh đạo thành phố xem đưa tuồng xuống phố là liều thuốc an thần, là bảo tồn tuồng mà tập trung hết vào đó, ngưng quan tâm đến Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; sợ hình thức quảng bá tuồng không nói lên hết bản chất của loại hình nghệ thuật có tính hàn lâm, bác học này, dẫn đến khán giả hiểu sai lệch về nghệ thuật tuồng, ngộ nhận về nghệ thuật tuồng.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể xuống phố một cách bình thường trên đường phát triển, trong đó có nghệ thuật tuồng. Nhưng trước sự bức bách, lo lắng về sự mai một của nghệ thuật tuồng, buộc những người làm nghệ thuật chọn con đường đi tìm khán giả bằng giải pháp đưa tuồng xuống phố trình diễn.
Về điều này, NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho rằng đưa tuồng xuống phố chỉ là giải pháp tình thế nhưng cách làm này cần thiết. Song, chỉ xem giải pháp đưa tuồng xuống phố là một kênh để tiếp cận, quảng bá, giới thiệu tuồng đến công chúng, khơi dậy niềm đam mê tuồng. “Đừng quên sàn diễn chính của chúng ta là ở nhà hát. Chúng ta phải đầu tư những tác phẩm nghệ thuật tuồng đích thực, chuẩn bị lực lượng biểu diễn, lực lượng quản lý chỉ đạo nghệ thuật... để thu hút đông đảo khán giả đến với nhà hát”, NSND Trần Đình Sanh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến khác lại khẳng định, đưa tuồng xuống phố thì 70% là giải pháp tình thế, còn lại là định hướng phát triển. Dẫu mục đích là gì đi chăng nữa, trước hết, các trích đoạn tuồng diễn dưới phố phải dễ hiểu nhất, gần gũi với công chúng. Có như thế thì mới kéo được khán giả đến với sân khấu xem vở diễn trọn vẹn. Nhưng cũng không vì thế mà tỏ ra dễ dãi trong biểu diễn, đặc biệt không được pha tạp các loại hình nghệ thuật khác trong chương trình biểu diễn tuồng, vì tuồng là tuồng, dân ca là dân ca. Làm thế nào giữ được bản chất, cái giá trị đích thực của tuồng để bảo tồn, phát huy dòng tuồng Quảng vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
NGỌC HÀ