Ông Trần Văn Giảng đã sáng tạo ra loại đèn chai che gió, giảm sáng, hình thành loại rạp chiếu phim lưu động dã chiến, “trùm chăn xem phim”, không để ánh sáng lọt ra ngoài, giúp người dân an tâm xem phim ngay thời điểm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất.
Ông Trần Văn Giảng (trái) |
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, tại các vùng nông thôn miền Bắc nước ta ngày ấy, hoạt động chiếu phim thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của quần chúng nhân dân. Nhiều đội chiếu phim phải gồng mình khiêng máy chiếu, máy nổ, địu xăng, chưa kể quân tư trang để đến tận các xã thuộc những huyện xa xôi chiếu phim phục vụ đồng bào, nhất là xã vùng cao, miền núi hẻo lánh.
Không những thế, để chuyển hướng hoạt động phù hợp với hoàn cảnh thời chiến, những người làm công tác này còn phải vận dụng linh hoạt nhiều phương thức hoạt động để tổ chức những buổi chiếu phim bảo đảm an toàn cho nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ văn hóa trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho đất nước.
Từ thực tiễn ấy, vào những năm 1966-1967, ông Trần Văn Giảng khi còn là đội trưởng đội chiếu phim lưu động 109 tỉnh Nghệ An đã trở thành người đầu tiên sáng tạo ra loại đèn chai che gió, giảm sáng và hình thành loại rạp chiếu phim lưu động dã chiến “trùm chăn xem phim”, không để ánh sáng lọt ra ngoài, giúp người dân an tâm khi xem phim ngay vào thời điểm chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất.
Ông từng nêu khẩu hiệu: “Sau bom rơi một giờ, chúng ta phải chờ được người xem tại đó” và “Điện ảnh cũng là khoai sắn, biết nuôi dân, tìm riêng cách bắn quân thù”. Về sau, mô hình rạp chiếu phim lưu động của ông được nhân rộng trên toàn miền Bắc. Tại Đại hội thi đua toàn quốc vào tháng 1-1967, Đội chiếu phim lưu động 109 được xem là điển hình trong ngành chiếu bóng và Trần Văn Giảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngành văn hóa.
Ông Trần Văn Giảng sinh năm 1930, có bí danh là Đơn, quê ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Từ năm 1945-1950, ông là du kích xã Hòa An trực thuộc Mặt trận Chùa, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và làm Chi ủy viên, Đại đội Công trường 1 Hà Đông.
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 4-1975, ông Trần Văn Giảng là Đoàn trưởng Đoàn cán bộ ngành Điện ảnh vào Nam, về công tác tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Có thể nói, tại Đà Nẵng, sinh thời ông Trần Văn Giảng được biết đến là cán bộ làm công tác văn hóa có hoàn cảnh riêng khá đặc biệt. Trước khi tập kết ra Bắc, cuộc hôn nhân đầu của ông với bà Trần Thị Thôi có 2 người con trai là: Trần Văn Hai (SN 1951) và Trần Văn Ba (SN 1953). Cả hai con trai ông ngay khi bước vào tuổi thiếu niên đã tham gia du kích chiến đấu tại địa phương.
Năm 1967, Trần Văn Hai được bổ sung cho đơn vị thuộc tỉnh Kon Tum và anh hy sinh khi làm nhiệm vụ diệt ác vào năm 1968. Ngày 23-7-1997, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trần Văn Ba hy sinh năm 1967 tại huyện Hòa Vang, khi mới bước sang tuổi 15. Năm 1995, bà Trần Thị Thôi được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và cũng qua đời trong năm đó. Thực tế nói trên đã được nhà văn Thanh Quế đưa vào và hư cấu thêm trong tác phẩm Cát cháy nổi tiếng.
Cuộc hôn nhân thứ hai của ông Giảng với bà Ngô Thị Thanh Nhu (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) có 4 người con, ai cũng thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội. Trong đó, anh Trần Chí Cường hiện là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng.
Trò chuyện với chúng tôi, nhắc về người cha và gia đình, anh Cường nói: “Hoàn cảnh bây giờ thời bình thì có những cái khác nhất định. Dù vậy, lúc nào anh em chúng tôi cũng luôn nhắc nhở nhau tấm gương của cha và hai anh, để thấy rằng, trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến mấy rồi cũng có cách giải quyết, miễn là mình tin tưởng, tâm huyết...”.
Ông Mai Đình Tiến, nguyên cán bộ Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cũng cho hay: “Câu chuyện của ông Giảng chiếu phim thời chiến tranh thì trong ngành điện ảnh ai cũng biết. Sau này, khi về công tác tại Đà Nẵng, ông cũng luôn là người lãnh đạo năng nổ, luôn động viên anh em nhân viên phát huy sáng kiến để phục vụ khán giả. Chính ông đã góp phần không nhỏ trong việc đưa Fafim trở thành “Lá cờ đầu của ngành chiếu bóng Việt Nam” và nhận tặng thưởng Huân chương Lao động năm 1993. Ông Trần Văn Giảng và người con trai đầu Trần Văn Hai là những nhân vật vừa được đặt tên đường tại thành phố Đà Nẵng”.
Từ năm 1975, ông Trần Văn Giảng là Giám đốc Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Chi hội trưởng Hội Điện ảnh Việt Nam; Chi hội trưởng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến khi về hưu vào năm 1993. Ông mất năm 2001. Ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1967), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen của các cấp. |
TRẦN TRUNG SÁNG