.
CÔNG TRÌNH THƯ VIỆN KHOA HỌC TỔNG HỢP

Xây dựng văn hóa đọc

.

Tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất thành phố, trước mặt là dòng sông Hàn thơ mộng cùng cảnh quan tươi mát, thoáng đãng, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa đọc của người dân thành phố.

Phòng mượn với số lượng đầu sách được tăng cường, phong phú về các lĩnh vực sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu của bạn đọc. 						Ảnh: N.HÀ
Phòng mượn với số lượng đầu sách được tăng cường, phong phú về các lĩnh vực sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu của bạn đọc. Ảnh: N.HÀ

Sau khi được đầu tư, nâng cấp, đến nay, công trình văn hóa trọng điểm này đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây sẽ là không gian đọc lý tưởng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, qua đó kích cầu văn hóa đọc đối với người dân thành phố…

Quyết sách đúng đắn

Tiền thân của Thư viện Khoa học tổng hợp hiện nay là Thư viện tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, được thành lập vào ngày 2-9-1975. Trải qua 40 năm hoạt động, thư viện trở thành điểm nhấn văn hóa của thành phố và là địa điểm lý tưởng cho việc đọc sách, học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân dân thành phố. Ước tính đến tháng 7-2015, hơn 10.000 bạn đọc đã được cấp Thẻ mượn sách tại thư viện. Điều này cho thấy văn hóa đọc vẫn còn chỗ đứng đáng trân trọng và là nhu cầu thực sự của người dân.

Năm 2005, UBND thành phố từng có chủ trương di dời thư viện khỏi vị trí này. Sau nhiều lần trắc trở, “số phận” của thư viện được định đoạt vào ngày 17-2-2014, khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ công bố thành phố quyết định không di dời Thư viện Tổng hợp như quy hoạch trước đó mà giữ nguyên vị trí cũ (46 Bạch Đằng), đồng thời đầu tư xây dựng mới với quy mô lớn, hiện đại hơn vào năm 2015.

KTS Huỳnh Tòa, một trong những KTS lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc di dời thư viện thời điểm đó, cho rằng ở Đà Nẵng, nơi còn lưu giữ đậm nét nhất lịch sử kiến trúc đô thị, tổ chức không gian đô thị chính là tuyến đường Bạch Đằng, đặc biệt là đoạn đường từ ngã ba Phan Đình Phùng - Bạch Đằng đến ngã ba Quang Trung - Bạch Đằng ngang qua Thư viện Khoa học tổng hợp. Cũng trên con đường này, các công trình như Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố (nay là HĐND thành phố) đều đang sử dụng các khu biệt thự cũ của Pháp được giữ nguyên hoặc mới cải tạo, nâng cấp.

“Kiến trúc của người Pháp không chỉ đẹp mà còn có không gian tốt, thoáng đãng... Việc thành phố giữ lại khu đất vàng này là điều đáng mừng. Vị thế này có ý nghĩa phong thủy đặc biệt, có thể coi là nơi đắc địa cho sự học”, KTS Huỳnh Tòa nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, nguyên đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VI và VII chia sẻ: Trước đây, HĐND khóa VI và VII kiên trì việc giữ lại Thư viện Khoa học tổng hợp. “Đối với một thành phố được xem là bộ mặt của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì nên có một thư viện xứng tầm. Nơi đây, mấy chục năm qua chứng kiến nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Đà Nẵng trưởng thành. Nơi đây hiện diện tình yêu với con chữ của người Đà Nẵng. Nhưng mãi đến HĐND khóa VIII mới có quyết định giữ lại thư viện này và đầu tư, nâng cấp để trở thành biểu tượng văn hóa đọc của người Đà Nẵng. Theo tôi, đó là quyết sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nhận được sự đồng thuận lớn”, ông Huỳnh Văn Hoa nói.

Không gian đọc lý tưởng

Công trình Thư viện Khoa học tổng hợp có mức đầu tư 50,88 tỷ đồng, chia 2 khu, gồm thư viện và khu hành chính tổng hợp. Không gian phía trước được thiết kế theo hướng mở, thân thiện, hài hòa. Được khởi công vào tháng 11-2014, sau 9 tháng thi công, công trình được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 28-8-2015.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp cho biết, công trình này được Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố xác định là công trình trọng điểm năm 2015. Đây không chỉ là công trình phục vụ văn hóa - xã hội của thành phố mà còn là mong ước, nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân về biểu tượng văn hóa đọc. Do đó, thư viện sẽ khai thác hết công năng, phục vụ đa dạng nhu cầu của bạn đọc, không để biểu tượng văn hóa đọc của thành phố thành kho chứa sách như nhiều người lo ngại.

Sự đổi mới trong hoạt động của thư viện, trước hết là thời gian phục vụ kéo dài từ 8-21 giờ hằng ngày. Hệ thống phòng đọc mới cho phép đón tiếp và phục vụ 2.500 độc giả (tăng gấp 2,5 lần), cùng phương tiện hiện đại, đồng bộ hơn hẳn (có thang máy, thiết bị thông gió, điều hòa).

Kế đến, phòng hội nghị rộng 400m2 là không gian lý tưởng để tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề, sự kiện, phục vụ hoạt động chính trị của thành phố. Đồng thời, ngoài các bản in, Thư viện cũng có phòng đọc trực tuyến gồm 39 máy với dữ liệu sách điện tử phong phú, phục vụ độc giả thích loại hình này.

“Đặc biệt, thư viện có phòng độc lập dành cho thiếu nhi, sẽ tạo nhiều hứng thú cho các em với sách. Thậm chí có góc riêng, nếu độc giả nhí ngồi đọc lâu, muốn nằm đọc như ở nhà cũng được. Đọc mệt rồi thì các em có thể vào phòng chiếu chuyên dụng với màn hình 55 inch xem phim 3D. Những gì các em tiếp thu được từ đọc sách, xem phim, các em sẽ viết ra thành bài thu hoạch, bày tỏ cảm nghĩ”, ông Thái cho biết.

Thống kê của Bộ VH-TT&DL cho thấy mỗi năm, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Tại Đà Nẵng, mỗi người chỉ đọc 0,4 cuốn sách/năm. Do đó, một thư viện với trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, không gian trưng bày hợp lý được kỳ vọng như luồng gió mới thổi vào văn hóa đọc của thành phố, cải thiện tình trạng đọc sách của người Đà Nẵng. Đồng thời, với không gian đẹp, thơ mộng, nơi đây hứa hẹn là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến Đà Nẵng.

Công trình Thư viện khoa học tổng hợp có mức đầu tư 50,88 tỷ đồng; do UBND thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Công ty CP Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng thi công.

Thư viện có quy mô xây dựng gồm: xây mới khối nhà 2 tầng (khối thư viện và khối hành chính) với diện tích xây dựng 1.868m2; cải tạo CLB tiếng Pháp trên diện tích đất xây dựng 155m2. Đồng thời, đơn vị thi công thực hiện đào đắp tạo đồi cảnh quan, làm mới 3 bãi đậu xe với tổng diện tích 324m2; di dời 6 cây xanh hiện trạng và trồng mới 255 cây cảnh các loại; bố trí hệ thống chiếu sáng trang trí dọc lối đi, đường nội bộ trong khuôn viên; lắp đặt hệ thống tưới tự động cho cây xanh sân vườn... tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ, hài hòa với kiến trúc bên trong.

Khởi công vào tháng 11-2014, công trình được nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng vào ngày 27-8 và khánh thành, đi vào hoạt động từ ngày 31-8.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.