.

Hoài Linh: Người mắc nợ nhân gian

.

20 năm trong nghề, Hoài Linh tự nhận mình gặp may và mang ơn quá nhiều người. Anh dốc sức mình để làm nhiều thứ coi như trả ơn tổ nghiệp, trả nợ nhân gian.

Nghệ sĩ Hoài Linh (phải) trong bộ phim Đua nhau làm giàu. (Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)
Nghệ sĩ Hoài Linh (phải) trong bộ phim Đua nhau làm giàu. (Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)

Dốc sức trả ơn tổ nghiệp

20 năm làm nghệ thuật của Hoài Linh không phải là chừng ấy thời gian anh quần quật suốt với nghề. Trước kia, anh chỉ tấu hài, đóng kịch dài; sau đó thỉnh thoảng đóng phim Tết. Với một người “máu nghề” như Hoài Linh, công việc như vậy không thể gọi là thong thả nhưng cũng không đến mức vội vã. Song, hơn 1 năm nay, anh bỗng làm nhiều thứ, khi thì đóng hài, khi thì đóng phim, lúc làm MC, lúc làm giám khảo các chương trình truyền hình.

Có thể với diễn hài, đóng phim, Hoài Linh như “phù thủy” bước vào hang, vồ “con mồi” gọn gàng. Nhưng làm MC hay giám khảo vốn không thuộc sở trường của anh. Hoài Linh cũng tự nhận: “Lúc nhìn người ta làm cứ nghĩ đơn giản. Cầm mic nói trước đám đông rồi mới thấy khó. Tôi vốn không có khiếu nói trước đám đông, lại không biết dẻo mồm dẻo miệng, văn chương bóng bẩy nên nhiều lúc run đến cứng miệng, nói không ra lời”.

Gần một năm nay, Hoài Linh làm nghề theo đúng nghĩa của từ “cày xới”; mà đã là “cày xới” thì cực nhọc, vất vả biết dường nào. Trước đây, nói là bận rộn nhưng anh vẫn có thời gian đi câu cá. Vậy mà nay, thời gian anh ăn, ngủ hầu như cũng trở nên hạn hẹp. Nhiều lần theo chân Hoài Linh đến trường quay các chương trình truyền hình thực tế, tôi không khỏi xót xa.

Khi máy quay vừa dứt, nụ cười anh cũng tắt, thay vào đó là tiếng thở dốc, mệt mỏi. Nhiều ngày anh hầu như phải ăn, ngủ ở phim trường từ sáng đến tối. Bữa cơm vội vàng, giấc ngủ không trọn. Anh bảo phải thường xuyên ru mình bằng những viên thuốc ngủ, lúc nửa đêm. “Ai bảo làm nghệ sĩ là sướng, như tôi giờ thì cực thấy mồ!”, anh thẳng thắn.

Hoài Linh thừa nhận việc “cày” trên các “chiếu” khác giúp mình kiếm được không ít tiền. Anh bộc bạch: “Cố NSND Bảy Nam khi còn sống đã nói rằng: Đừng xem nghề hát là nơi kiếm danh, kiếm lợi, vì nghề hát chính là Đạo hát. Cái Đạo giúp con người nhìn thấy đó mà tu tâm sửa tánh, cái Đạo giúp người nghệ sĩ sống đúng với tâm hồn đồng điệu của mình. Tôi đã học theo đó và xác định như vậy nên có ham hố làm gì cái chuyện bạc tiền, lợi danh”. Thành ra, gần như đánh đổi sức khỏe và nhiều thứ khác, Hoài Linh muốn làm việc có ích hơn. Đó là trả ơn tổ nghiệp. “Nhiều đồng nghiệp nói tôi là con của ông tổ, tôi sẽ dùng sức lao động nghệ thuật của mình để phụng sự lại tổ nghiệp. Tôi xác định làm MC hay ngồi ghế giám khảo là cú rẽ ngang tức thời. Tôi đâu thể vơ vét hết cho riêng mình. Có lúc sẽ dừng lại thôi”, anh chia sẻ.

“Tôi đã gặp may”

Có những người sinh ra đã có máu nghệ thuật trong người như Thành Lộc, Hữu Châu, Bảo Quốc… Nhưng Hoài Linh không phải vậy. Anh sinh ra trong một gia đình có 6 người con, nguyên quán ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Mẹ Hoài Linh nổi tiếng khắp vùng vì bà làm nghề hộ sinh và có hẳn một nhà bảo sanh tư lấy tên cô con gái đầu là Phương Trâm. Những năm sau ngày thống nhất đất nước, gia đình anh từ Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) vào Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), đây chính là thời gian Hoài Linh cơ cực nhất.

Anh kể: “Từ nhỏ, tôi lanh lợi, thích bươn chải làm đủ thứ nghề kiếm tiền như: bắt ốc, hái rau, bán chôm chôm, bắp luộc, mía gim ở bến xe”. Bản thân anh chưa bao giờ nhận thức được cái gì gọi là đam mê nghệ thuật. Những bước ngoặc đến với anh đều bất ngờ và tình cờ. Năm anh 21 tuổi, anh ra Nha Trang học tiếng Anh để chuẩn bị theo gia đình định cư ở Mỹ thì “nổi hứng” tham gia cuộc thi Tiếng hát hay của thành phố Nha Trang, đoạt giải nhì và bị rủ rê về Đoàn ca múa nhạc Ponagar (Khánh Hòa).

Tình cờ một hôm diễn viên vắng đột ngột trong vở kịch thiếu nhi Ngọc hoàng xử án, anh được thế vai. Ai ngờ từ đó diễn tấu hài luôn. Hay lần hợp tác với Vân Sơn tại Mỹ và chấp nhận lời thuyết phục của đạo diễn Trần Ngọc Giàu tham gia vở kịch dài Trạng chết, chúa cũng băng hà trên sân khấu Nhà hát Kịch thành phố Hồ Chí Minh khi mới về nước…, đó cũng là những con đường mà anh không chủ đích đi.

Nhưng ngay cả khi đã đi con đường nghệ thuật, Hoài Linh cũng không mấy trầy trật như bao người. Không phải “con nhà nòi” nên anh không bị áp lực kế thừa, phát huy bất cứ điều gì. Đã thế, có quá nhiều thứ vô tình giúp anh nổi tiếng, tạo dấu ấn, ví như cái giọng nói 3 miền. “Hồi ở Đồng Nai, xung quanh nhà tôi là dân từ các vùng, miền khác tới nhập cư. Nhờ đó, tôi có cơ hội tiếp xúc, nghe nhiều giọng vùng, miền. Ai ngờ sau này khi đi diễn, tôi nói được nhiều giọng địa phương mà khán giả thích”, anh kể.  

20 năm nhìn lại, Hoài Linh vẫn hay giật mình thảng thốt về sự tài năng, sự nổi tiếng của mình. Hoài Linh khiêm nhường: “Vào nghề bất ngờ, nổi tiếng bất ngờ, tôi thấy mình đã gặp may. Và hình như tôi đã được lựa chọn chứ không phải do tôi chọn lựa mà thành”.

“Lúa” là bản chất

Nói về Hoài Linh mà chỉ nói về tài năng, không nói về con người, cách sống của anh là thiếu sót to lớn. Ai cũng gọi Hoài Linh là “cây đa, cây đề” của sân khấu hài. Mà đã là cây đa, tức phải cao lớn lực lưỡng, có mái che rợp người. Nhưng Hoài Linh lại khác. Anh giống dây leo hơn. Về cơ bản, Hoài Linh ốm. Có người nói anh nặng 40 ký, có người bảo 50 ký. Anh thú nhận mình nặng 56 ký. Mấy chục năm nay, Hoài Linh chỉ quen thuộc với mắm, khô, cơm đường cháo chợ, vỉa hè, ngồi co giò hay dưới đất. “Ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn. Ăn mà tinh thần thoải mái thì món gì chả ngon, cần gì cao lương mỹ vị”, anh nói.

Hoài Linh cũng tự nhận mình là “lúa”. Rất khó tả vẻ “hai lúa” của anh nhưng có thể khẳng định đó là điểm nổi bật nhất. Anh không chủ trương mặc vest bảnh bao, đầu chải bóng loáng, đi giày hàng hiệu, dù anh thừa sức mua những thứ đó. “Áo thắt cà vạt, mang giày sáng bóng, bước xuống từ xe hơi đắt tiền, đeo nhẫn kim cương, cắp cặp da đi nữa thì tôi cũng không sang lên được. Cái tạng người tôi chỉ hợp với bà ba, dép lào thôi. Cái gì không hợp với mình thì đừng cố ép. Có sao để vậy cho khỏe”, anh cười.

Hoài Linh cũng quan niệm rằng, những điều màu mè sẽ rất mau phai, quan trọng là giữ được bản chất con người mình, mà bản chất của anh là “hai lúa”. Dù lưu lạc, sinh sống nhiều nơi nhưng về bản tính, có thể khẳng định anh là một “lát cắt” của người miền Trung, mà cụ thể là người Quảng. Dễ dàng nhận ra cách ăn nói, hành xử, thói quen, nếp sống, văn hóa… của anh luôn đậm chất Quảng, ăn cục nói hòn, thẳng thắn, nói móc, tự trọng nhưng nhân hậu và luôn đau đáu với thời cuộc.

Hoài Linh có lúc thấy sao trái tim mình chật chội quá, không chứa đựng hết những ân tình với người xung quanh. Anh thương người một cách đại trà, vô điều kiện và không có lý do. Anh rất dễ động lòng trắc ẩn, thấy ai khó khăn là ra tay cứu vớt. Thành ra, có những chương trình anh lấy cát-sê rất cao nhưng có lúc không lấy một đồng. NSƯT Thành Lộc nói rằng, Hoài Linh đa đoan, tự gánh vác lên mình nhiều món nợ đời quá, nhiều ơn nghĩa quá.

Còn anh lại bảo, mình mắc nợ nhân gian nay phải trả. Thật ra, khen Hoài Linh có mà khen cả ngày không hết. Anh còn những đức tính tốt đẹp khác mà từ lâu hễ nhắc đến anh là mọi người đều biết hết. Đó là sự bình dân, sống ít phật lòng ai. Anh giải thích: “Là do tôi học từ lời dạy của mẹ: Ai ganh ghét thì kệ họ, con cứ nhún nhường rồi họ sẽ tự cảm thấy mắc cỡ với chính mình!”.

MINH NGA

;
.
.
.
.
.