.

Mai một tình yêu văn học trong giới trẻ?

.

Thiếu kinh phí, thiếu diễn đàn, thiếu không gian chia sẻ…, cùng những bộn bề lo toan của cuộc sống hiện đại có phải là những nguyên nhân chính làm mai một tình yêu văn học trong người trẻ?

Nhiều người trẻ ngày càng lười đọc sách, một số cây viết trẻ có chút năng khiếu, đam mê nhưng chỉ sáng tác vài ba tác phẩm rồi mất hút, lâu lâu có những “mầm văn chương” được đánh giá là “triển vọng” được phát hiện trên một số diễn đàn, trại sáng tác, nhưng không được chăm chút, dõi theo đến cùng… Lâu lắm trong làng văn Đà Nẵng không xuất hiện những tác phẩm nổi trội, mang tính “hiện tượng” của người trẻ. Đó là thực tế khiến người ta hồ nghi về tình yêu văn học trong giới trẻ ngày nay.

Văn học trẻ thiếu “đất sống”?

Theo nhà văn Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, một trong những người tâm huyết với trại sáng tác văn học thiếu nhi hè 17 năm qua của Đà Nẵng, không dễ tìm đúng, tìm đủ đối tượng học sinh có năng khiếu nghệ thuật. Ông Hùng cho biết, qua 17 mùa trại, Ban tổ chức luôn tìm mọi cách vận động các em tham gia, thầy cô vận động, trường lớp vận động, Sở GD&ĐT cũng có những chính sách khuyến khích cộng điểm vào lớp 10 cho những em có giải khi tham gia sáng tác trại, nhưng lượng trại viên vẫn “teo tóp”, thưa vắng dần.

“Chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới cách hướng dẫn các trại viên để làm sao phát huy tối đa khả năng của các em nhất, nhưng văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung là chuyện rất khó nói, như trồng cây quý vậy, làm sao chăm chút nhưng vẫn bảo đảm cây phát triển tự nhiên; nếu gò ép quá, cây sẽ không còn vẻ đẹp hoang sơ cần thiết vốn là chuyện không phải muốn là làm được”, ông Nguyễn Minh Hùng băn khoăn.

Nhiều phóng viên, biên tập viên phụ trách lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của các báo trên địa bàn Đà Nẵng phàn nàn rằng, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm, giới thiệu những tác phẩm văn học mới, sáng tác trẻ có chất lượng. “Đôi khi chúng tôi cũng phải viết những bài nhận định, đánh giá có phần khiên cưỡng, những điều mình chưa thật tâm đắc về tình hình văn học - nghệ thuật hiện nay”, một phóng viên văn nghệ chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào, một cây bút trẻ được đánh giá là viết khá đều tay, có nét riêng, cho rằng Đà Nẵng thiếu những diễn đàn, những không gian chia sẻ tình yêu, đam mê văn học cũng như kinh nghiệm cầm bút. Nhà văn này nói: Sự “chết yểu” của tờ Văn nghệ trẻ - chỗ “nương thân” gần như cuối cùng của văn học trẻ Đà Nẵng khiến những người sáng tác trẻ như chị không khỏi hụt hẫng, thất vọng, ảnh hưởng đến sáng tác.

Tạp chí Non Nước, Báo Đà Nẵng và nhiều tờ báo, tạp chí có trang văn nghệ khác đều không phải là nơi các sáng tác trẻ có thể “lọt” vào. Muốn tồn tại, người viết trẻ thường phải tự tìm đề tài, lựa chọn cách viết, đồng thời phải biết tự quảng bá tác phẩm, dẫn đến những hạn chế trong sáng tác. Theo nhiều nhà văn trẻ, thiếu đất sống, cùng nhịp sống hối hả, áp lực mưu sinh đè nặng là những lý do khiến văn học trẻ khó có điều kiện nảy sinh, phát triển, vươn cao, vươn xa.

Tình yêu văn học không thay đổi

Dù vậy, nhà văn trẻ Nguyễn Thị Anh Đào luôn tin rằng, tình yêu văn học trong giới trẻ, kể cả ở lứa tuổi học sinh không hề thay đổi. Có chăng chỉ là sự thay đổi, chuyển hướng cách đọc trong thời đại bùng nổ thông tin. Văn học truyền thống vì thế cũng bị thay thế bởi văn học trên internet, các trang mạng xã hội... “Song, dù sao đi nữa, tôi luôn tin tình yêu văn học không chết đi mà sẽ thay đổi theo thời gian và góc nhìn của độc giả”, nhà văn Anh Đào nói.

Trong khi đó, theo nhà văn Thái Bá Lợi, văn học trẻ Đà Nẵng cần biết “kiên nhẫn chờ đợi”. Nhà văn trẻ hay già đều phải tự thân vận động, không nên trông cậy vào điều kiện hay đổ lỗi hoàn cảnh. “Nếu nói rằng, bạn bận làm công việc của một kỹ sư, bác sĩ… nên không có thời gian dành cho văn chương dù đam mê và có khả năng sáng tác thì bạn đã sai, bởi tình yêu văn học là hoàn toàn tự nguyện. Và văn học không chờ đợi ai, cũng không tự tìm đến với ai bao giờ”, nhà văn Thái Bá Lợi nói.

Cũng theo nhà văn Thái Bá Lợi, văn học ngày nay cần nhịp sống hối hả như cuộc sống vậy. Không thể đòi hỏi người trẻ ngày nay làm theo kiểu như Văn Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng… ngày trước. Người tài năng thực sự sẽ tìm được lối đi riêng, cách làm riêng phù hợp với thời đại họ đang sống. “Tác phẩm văn học thực sự, tác phẩm hay ắt sẽ tự tìm được đất sống, dù điều kiện có khắc nghiệt thế nào đi chăng nữa”, nhà văn Thái Bá Lợi tin tưởng.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.