.

Phạm Anh Khoa: "Rốc" từ âm nhạc đến cuộc sống

.

Phạm Anh Khoa hát nhạc rock nên mọi người hay gọi anh biệt danh Khoa “rốc”. Anh rốc từ ngoại hình đến khi lên sân khấu.

Phạm Anh Khoa không ngừng nỗ lực để tạo phong cách rock riêng biệt.			(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phạm Anh Khoa không ngừng nỗ lực để tạo phong cách rock riêng biệt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Phạm Anh Khoa thường nhảy phóc lên sân khấu. Đối với anh, sân khấu to cỡ nào cũng nhỏ như lòng bàn tay. Anh không bao giờ ngồi yên hay đứng yên một chỗ. Anh phi từ bên này sang bên kia, từ góc nọ sang góc khác. Anh nhảy nhót, nhào lộn, trồng cây chuối, ngửa mặt lên trời, chỉ tay tứ hướng… Nhìn anh, nhiều khán giả toát mồ hôi nhưng anh chẳng hề gì. Anh chẳng chút mệt mỏi, trái lại rất sung sướng là khác.

Phạm Anh Khoa bảo ghét nhất là hát như trả bài, lần nào cũng như lần nào, nhạc đúng như vậy, guitar đúng như vậy, chính xác đến từng chi tiết. Anh luôn phá vỡ chúng. Anh ngẫu hứng, say sưa, hát mạnh mẽ, sâu sắc mà không màu mè. Nhạc rock ở Việt Nam là một thứ khó nghe. Phần lớn khán giả thích những thứ êm ái hơn. Nhưng những ai mê rock khi xem anh hát, họ nhảy lên, hét lên, vung tay, vung chân cùng anh.

Là nghệ sĩ có ngoại hình và phong cách không lẫn vào đâu, Phạm Anh Khoa tạo nên một hình tượng độc đáo, có một không hai trong làng giải trí. Đạo diễn Lê Hoàng từng ví von: “Âm nhạc Việt Nam không có Khoa sẽ giống như bầu trời mùa thu, xanh nhưng không hề có sấm chớp, giống như mặt nước hồ phẳng lặng nhưng không hề có cá sấu hay cá mập, sẽ thanh bình pha nhàm chán vô cùng. Khoa “rốc” như một máy bay phản lực gầm rú, vút lên trời, làm nghệ thuật hay và hấp dẫn hẳn lên!”.

Đơn độc với nghề

Phạm Anh Khoa sinh ra và lớn lên ở Cam Ranh. Anh kể: “Ba mẹ tôi sống rất hạnh phúc và ước mơ rất giản dị, hằng ngày buôn bán ở gần cổng bệnh viện thành phố, chỉ mong một cuộc sống yên bình. Nhưng tôi không thuộc về thế giới của họ. Từ nhỏ, tôi là một đứa con cứng đầu và khá ngỗ nghịch. Tôi muốn bay nhảy chứ không muốn gò bó trong một môi trường nào”.

Cái chất năng động của Phạm Anh Khoa có từ nhỏ. Học đủ thứ như võ, vẽ… nhưng khi đến lớp nhạc của thầy Đỗ Hữu Hoàng để học guitar thì môn học này mới giữ chân được cậu bé. Anh còn nhớ mình từng rất thích con cào cào bởi nó có đôi chân có thể bò, nhảy, bay và tăng tốc. Chẳng có gì ngạc nhiên khi lớn lên, anh đem con tim, khối óc nhiệt huyết vào rock.

Mới đó mà đã hơn 10 năm kể từ ngày Phạm Anh Khoa leo lên xe đò ở Cam Ranh đến Sài Gòn để học nhạc. Đó cũng là lúc anh bắt đầu đi tìm cho mình những câu hỏi: Mình sẽ chơi loại nhạc gì? Mình sẽ biểu diễn ra sao? Biết mình mê nhạc rock đó nhưng mới chập chững bước vào nghệ thuật, anh chấp nhận xông vào tất cả những nơi nào cần mình, mình cần để mưu sinh.

Trong ký ức của nhạc sĩ Tuấn Khanh là hình ảnh một rocker loạng choạng đi tìm sự nghiệp của mình, cưỡi trên một chiếc xe cũ rích, cà tàng, gầm gừ mà ít khi chịu lăn bánh. Sau nhiều lần thất bại ban đầu, anh xin phục vụ bàn ở một quán cà-phê có chương trình hát với nhau hằng đêm.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh còn nhớ: “Một đêm vắng khách, Khoa rụt rè đến xin quản lý cho lên hát giúp vui một bài. Quản lý cho hát thử nhưng dè dặt đứng bên cạnh xem. Khoa cầm micro và cất giọng hát. Giọng hát sấm sét của rock làm vang động cả khán phòng”. Từ đó, công việc của anh được đổi từ phục vụ thành việc hát hằng đêm. Đó cũng là lúc anh kiếm sống được bằng âm nhạc khi gia đình không còn sức tài trợ.

Bắt đầu từ Sao Mai Điểm Hẹn 2007, cái tên Phạm Anh Khoa được công chúng biết đến như một ngôi sao mới của dòng nhạc rock. Dòng nhạc rock mà anh theo đuổi là dòng nhạc ít gây sự chú ý. Đó cũng là thiệt thòi. Bởi làm ngôi sao nhạc rock thì dĩ nhiên kiếm tiền không dễ như ngôi sao các dòng nhạc khác. Anh từng thú thật rằng, 10 năm làm nghệ thuật vẫn chưa có được chiếc ô-tô.

“Tôi tìm bạc lẻ nhưng đốt tiền vào các dự án âm nhạc - thứ khiến mọi sự đầu tư chỉ như muối bỏ bể, luôn cảm giác túng thiếu và cứ tặc lưỡi tự an ủi ngày mai sẽ khá hơn”, anh bộc bạch. Phạm Anh Khoa không tránh khỏi cảm giác thấy mình đơn độc. Nhưng đó là sự đơn độc thú vị.

Gần 10 năm qua, anh không ngừng nỗ lực để tạo nên phong cách rock riêng biệt. Anh bảo, không có âm nhạc nào lột tả chân thật cuộc sống này bằng rock. “Rock giúp tôi giải tỏa nguồn năng lượng âm ỉ, lại có tính phá cách, phóng khoáng và tự do. Bản thân tôi chỉ sợ một ngày nào đó không còn đủ nguồn năng lượng và nhiệt huyết để sống, đam mê và khám phá những điều kỳ diệu, hay ho của cuộc sống này”, anh nói. Thật vậy, nguồn năng lượng trong anh không biết từ đâu tới. Anh hát có lúc 30 bài mà vẫn thấy chưa đã. Trong công việc, anh kỹ tính đến mức cực đoan. Khi bước lên sân khấu thì đó chắc chắn là sự chuẩn bị tốt nhất, hết sức nhất có thể.

Sống bản năng

Trên sân khấu nghệ sĩ thế nào thì ngoài đời thế ấy nhưng điều này không đúng với Phạm Anh Khoa. Anh hiền lành, chân thật, dễ mến, dễ gần, nói chuyện không màu mè. Tóc dài, râu ria, chạy xe hầm hố, người xăm trổ đầy là thế nhưng bên trong là nội tâm phong phú, nhiều cá tính trộn lẫn. Trong Phạm Anh Khoa lúc nào cũng tồn tại ít nhất 2 con người. Một người đàn ông mạnh mẽ và một người đàn ông yếu đuối, một người đàn ông trưởng thành và một đứa trẻ hiếu động, một người rất ngông và một người rất lành.

Cái yếu đuối mà Phạm Anh Khoa muốn nói chính là việc anh không tự tin mấy về bản thân. Có vẻ hơi lạ nhưng chẳng biết sao Phạm Anh Khoa luôn có cảm giác tự ti. Anh lại có một nỗi sợ rất “buồn cười” là sợ nghe lại các bài hát của mình. Anh tỏ ra không hứng thú, khác hẳn với cách mà anh dành cho thời gian đứng trên sân khấu. “Tôi còn lại sợ gián, tôi sợ đi máy bay, hay là tôi lại sợ cái bếp gas, sợ nổ”, anh cười.  

Tuổi 30 chín chắn thì đương nhiên nhưng anh bảo mình nhiều lần vẫn sống như chàng trai mới lớn, ham chơi, ham làm, sẵn sàng từ bỏ tất cả để làm điều mình thích và đi đến tận cùng với nó. Anh sống theo cảm xúc, không muốn theo quy tắc, khuôn khổ nào. “Cảm xúc là thứ chất liệu tuyệt vời để tôi sáng tác. Tôi thích để sợi dây cảm xúc đó tự trôi đi, dù đến đỉnh điểm đau đớn, vui cực độ, hạnh phúc hay tuyệt vọng cùng cực cũng mang theo vô vàn hương vị. Đó mới là thứ ý nghĩa. Nếu phải sống đời lập trình, đi làm, tan sở, về hưu thì chắc chết trẻ vẫn hơn. Chỉ thương cho những người thân gia đình phải chịu cực cùng mình”, Phạm Anh Khoa chia sẻ.

Vợ của Phạm Anh Khoa từng chia sẻ rằng, chị chịu không ít thương tổn trong thời gian đầu quen nhau. Nhưng khi kết hôn, chị khéo hơn, bình tĩnh, biết vun vén. Phạm Anh Khoa rất tự hào về vợ và tự nhận mình là người “dở” hơn. Để chồng sống trọn vẹn với đam mê, vợ anh đã hy sinh rất nhiều. Phạm Anh Khoa lắng lòng: “Tôi là người sống bản năng. Đôi khi thích những cái người khác ghét và ghét những cái người khác thích nên có lẽ vợ phải chịu đựng nhiều. Có lúc chúng tôi viết đơn ly hôn. Nhưng sau đó, chúng tôi đã dần hiểu và chấp nhận để cùng xây dựng. Không có gia đình thì tôi không thể neo mình lại trước những cám dỗ bên ngoài”.

PHƯƠNG NGUYÊN

;
.
.
.
.
.