Năm 2011, dấu tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được phát hiện và khai quật, tạo sự bất ngờ và vui mừng cho giới khảo cổ và những người quan tâm văn hóa Chăm-pa.
Di tích Chăm Phong Lệ với phiến đá, gạch Chăm nằm chỏng chơ. Ảnh: HÀ THU |
Nhiều ý tưởng, đề án được đưa ra để di tích này trở thành điểm du lịch của Đà Nẵng. Thế nhưng đến nay, nơi đây vẫn hoang phế khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về việc ứng xử với các di chỉ văn hóa khảo cổ trên địa bàn thành phố.
Năm 2011, dấu tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được phát hiện và khai quật, tạo sự bất ngờ và vui mừng cho giới khảo cổ và những người quan tâm văn hóa Chăm-pa. Nhiều ý tưởng, đề án được đưa ra để di tích này trở thành điểm du lịch của Đà Nẵng. Thế nhưng đến nay, nơi đây vẫn hoang phế khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về việc ứng xử với các di chỉ văn hóa khảo cổ trên địa bàn thành phố.
Khai quật rồi để đó!
Đưa chúng tôi men theo lối nhỏ sau nhà đến dấu tích Chăm Phong Lệ, ông Chín Tồn, một người dân ở phường Hòa Thọ Đông kể: Đầu năm 2011, trong khi làm nhà ở, người ta phát hiện 3 tác phẩm điêu khắc bằng đá và một mảng móng tường gạch Chăm, sau đó đã báo chính quyền địa phương, đồng thời dừng việc xây nhà. Hay tin, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật khẩn cấp khu di tích này trong hai đợt (đợt 1 từ tháng 4 đến tháng 6-2011; đợt 2 từ tháng 7 đến tháng 8-2012).
“Sau khi khai quật, nghe nói sẽ biến nơi này thành điểm tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học. Nhưng đã 4 năm trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nghe đâu chủ mảnh đất xây nhà này vẫn phải thuê nhà ở. Còn mấy hộ nữa trong diện đền bù giải tỏa chưa nhận được quyết định nên vẫn sống đó. Nhà cửa không dám cơi nới thêm, muốn trồng thêm cái cây cũng không được”, ông Chín Tồn than thở.
Theo quan sát của chúng tôi, những hố khai quật đang dần xuống cấp, phiến đá, gạch Chăm nằm chỏng chơ, rêu phủ. Riêng vị trí hố thiêng - được xem là phát hiện độc đáo của di tích Chăm Phong Lệ, ông Chín Tồn cho biết, trước đây được che chắn bạt, bao cát nên bị tác động của thời tiết; giữa tháng 7 vừa rồi, người ta mới làm mái tôn bảo vệ.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, giải thích rằng thường những di chỉ khảo cổ học sau khi hoàn thành thì sẽ hoàn thổ. Riêng dấu tích Chăm Phong Lệ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã chú ý ngay việc phát huy giá trị này như thế nào. Tháng 9-2013, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt sơ đồ ranh giới bảo vệ khu di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ, với tổng diện tích 2.653m2.
“Nhưng ngặt nỗi, khu di tích khảo cổ này nằm trong đất của người dân nên cần tiến hành thẩm định, đền bù... Tất cả đều cần có quá trình lâu dài, phải làm từng bước vì phải phối hợp liên ngành, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban, ngành. Hằng tháng, chúng tôi cũng cho nhân công quét dọn, bảo vệ. Mà các di tích lớn, như tháp Chăm Trà Kiệu theo thời gian còn xuống cấp, huống chi mấy cái nền móng như di tích khảo cổ Phong Lệ”, ông Thắng phân trần.
Đừng để di sản văn hóa biến mất
Đà Nẵng nói riêng và Quảng Nam- Đà Nẵng nói chung có bề dày lịch sử văn hóa quan trọng trên dải đất miền Trung với các di tích phong phú gắn liền với nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa. Song, công tác khai quật vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài khai quật tại Phong Lệ, Quá Giáng, năm 2015 mới có thêm những đợt khai quật và thám sát gồm: Khai quật di chỉ đình làng Khuê Bắc, thám sát phế tích chăm Xuân Dương, khảo sát phế tích Chăm Gò Giản. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu không kịp thời đầu tư công tác khảo cổ thì các di tích văn hóa nằm sâu trong lòng đất sẽ bị quá trình đô thị hóa đè lên trên.
“Nếu tiếp tục có kế hoạch khai quật với một quy mô phù hợp và tiến hành nghiên cứu, có thể cung cấp các bằng chứng mới góp phần vào việc nhận diện các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Đà Nẵng nói riêng và của dải đất miền Trung nói chung trong chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc. Viện sẽ cử cán bộ giỏi, có kinh nghiệm vào Đà Nẵng, cùng với anh chị em ở Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng và các ngành hữu quan hoàn thành bản đồ khảo cổ học tại Đà Nẵng”, PGS,TS Nguyễn Văn Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, chia sẻ rằng lâu nay, vì điều kiện kinh phí nên chưa có cơ hội thực hiện các cuộc khảo cổ lớn. Năm 2014, thành phố đã ban hành nhiều quyết định đầu tư cho văn hóa nên Trung tâm cũng có thêm nguồn kinh phí sự nghiệp, thuận tiện trong công tác nghiên cứu.
“Chậm nhất cuối năm 2015, đầu năm 2016, chúng tôi sẽ trình Bộ VH-TT&DL, UBND thành phố “Quy hoạch khảo cổ học” đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng. Đến nay, công việc lập quy hoạch chi tiết, xác định các khu vực phải giữ nguyên trạng để bảo tồn, khai quật, nghiên cứu đã và đang được triển khai khẩn trương, cấp bách, nghiêm túc với sự giúp đỡ của Viện Khảo cổ học Việt Nam và các cơ quan chức năng”, ông Tuấn cho biết.
Một vấn đề khác cũng khiến giới nghiên cứu, những người quan tâm khảo cổ học “đau đầu” là công tác hậu khai quật, làm sao để bảo tồn di tích, làm sao phát huy di sản trong cộng đồng. “Lâu nay, chúng ta bỏ quên điều này. Cần phải có ứng xử đúng đắn với các di tích khảo cổ học; nếu không, chúng ta đánh mất các di sản văn hóa - tức là có lỗi với cha ông và cả với con cháu chúng ta sau này”, một nhà nghiên cứu khảo cổ học cảnh báo.
HÀ THU