Nói về vai trò của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, cho rằng đời sống văn hóa cơ sở là thước đo tính đặc thù, bền vững của văn hóa địa phương.
Đời sống văn hóa cơ sở là thước đo tính đặc thù, bền vững của văn hóa địa phương. TRONG ẢNH: Một tiết mục tại Hội thi Tiếng hát, thời trang công sở, tuyên truyền viên về Năm văn hóa, văn minh đô thị của viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố. |
Ý thức sâu sắc điều này, những năm qua, Đà Nẵng đã chú trọng xây dựng nhiều phong trào từ cơ sở như: xây dựng, biểu dương người tốt - việc tốt; gia đình văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; đời sống văn hóa ở khu dân cư; làng, tổ dân phố văn hóa; phong trào văn nghệ, thể dục-thể thao quần chúng; thực hiện nếp sống văn minh...
Kiện toàn hệ thống thiết chế văn hóa
Trong những thành tựu đó, không thể không nhắc đến nỗ lực, sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố và của ngành văn hóa trong chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế văn hóa từ đầu năm 2014 đến nay, trong có các thiết chế văn hóa cơ sở.
Tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Sở VH-TT&DL đã điều hành thực hiện nâng cấp, cải tạo 12/17 khu vui chơi giải trí hoạt động hiệu quả; dựa trên tính hiệu quả để đầu tư hoặc chuyển đổi công năng thành trung tâm văn hóa-thể thao.
Từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành đầu tư 5 khu còn lại. Cũng trong năm 2015, ngành đầu tư, nâng cấp 5 nhà văn hóa phường trên địa bàn quận Hải Châu (các phường Thuận Phước, Phước Ninh, Bình Hiên, Bình Thuận, Hải Châu 2) với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; đầu tư 5 trung tâm văn hóa - thể thao thuộc huyện Hòa Vang (các xã Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc) với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới trong năm nay. Trong khi đó, những công trình giãn kế hoạch đầu tư sang năm 2016 cũng đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ.
Con người là vấn đề then chốt
Theo những người tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, để việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu, ngoài yếu tố cơ sở vật chất, đòi hỏi đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở vừa phải có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, năng động, vừa phải có khả năng tổ chức, vận động quần chúng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nơi nào đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh thì mọi hoạt động văn hóa - thể thao ở nơi đó phát triển sôi nổi và đúng hướng.
Tại cuộc họp với ngành văn hóa gần đây nhất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, con người làm văn hóa là vấn đề then chốt, không phải cứ đông mới làm việc hiệu quả. Ngành văn hóa cần đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa, có thực tâm, thực tài. “Cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và song song vấn đề đào tạo con người, cần xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả nhất”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết phía Sở đang xúc tiến bổ sung những cán bộ điều hành có kiến thức, trình độ văn hóa; đồng thời có khả năng tổ chức, tập hợp quần chúng gây dựng phong trào; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, tương ứng với quy hoạch thiết chế; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa- thông tin, thể thao và du lịch cho cán bộ phường, xã, thị trấn, làng, bản, khu phố; bổ sung hoàn thiện chế độ, chính sách về lương, chế độ thù lao đối với đối tượng làm công tác văn hóa - thông tin cơ sở các lĩnh vực mang tính đặc thù.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; khắc phục những mặt yếu kém trong các hoạt động và phong trào liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc phối hợp lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Xây dựng môi trường văn hóa
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Chiến, tinh thần tự giáo dục từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội của mỗi cá nhân, con người đóng vai trò rất quan trọng. “Ngày nay, ti-vi, Internet có ngay tại nhà nên không đợi các cơ quan, ngành tổ chức hoạt động thì mới chính thức tuyên truyền, giáo dục. Xây dựng con người văn hóa, văn minh còn tùy thuộc vào ý thức mỗi người. Việc của chúng ta là phải xây dựng môi trường văn hóa tốt từ gia đình đến xã hội. Khi một trong các môi trường này khiếm khuyết thì không thể sinh ra một cá nhân hoàn chỉnh”, ông Chiến nhìn nhận.
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi “người Đà Nẵng thân thiện, thành phố Đà Nẵng an bình”. Ông Chiến nói rằng, dường như đa số người Đà Nẵng không dễ bị sự “ô nhiễm” bởi những thói hư tật xấu, sự xô bồ của đời sống đô thị cuốn đi. Họ vẫn phát huy những nét truyền thống, bản sắc cư dân của thành phố bên bờ sông Hàn từ những thế hệ trước, kết hợp với sự nhạy bén, tính kỷ luật, hòa nhập của đời sống hiện đại, để mỗi người dân nơi đây tự hào dựng xây thành phố quê hương ngày thêm tươi đẹp, văn minh. Đó là thành tựu, là “điều đáng nói” nhất trong chiến lược xây dựng đời sống văn hóa Đà Nẵng hôm nay.
Bài và ảnh: THANH TÂN