Có lần tôi giật mình khi một chị bạn trong friend list (danh sách bạn bè) của mình đang khóc... trên facebook.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chị không ngủ được khi nhớ lại khoảnh khắc ngày này năm bố chị mất. Khi nhắm mắt xuôi tay, ông còn kịp chảy một giọt nước mắt muộn mằn.
Trước đó, bố chị là một diễn viên nổi tiếng với những vai diễn để đời nhưng lại sa đà vào nghiện ngập. Cuối đời, sau khi cai nghiện, ông ở trọ một mình. Ông bị tai biến mạch máu não khi đang ở một mình. Khi con gái phát hiện thì khá muộn. Những tế bào não đang dần chết hẳn.
Trong những phần não ít ỏi lúc ấy, ông vẫn ý thức thèm một miếng bánh mì chấm sữa đặc - món ăn ông thích thuở thiếu thời và thèm một điếu thuốc. Cô con gái dĩ nhiên không đồng ý vì bác sĩ khuyên chỉ nên cho ông uống sữa bột pha loãng. Trên trang facebook của mình, chị vừa khóc, vừa chia sẻ rằng, sau những va vấp của ông, chị có cách nhìn nghiêm khắc hơn và không cho phép nhiều điều ông muốn khi điều ấy không tốt cho ông.
Cái điều không tốt - mẩu bánh mì chấm sữa và một vài hơi thuốc lá ấy - lần cuối cùng bố chị xin con gái mình trở thành nỗi ám ảnh, dày vò chị khi chỉ vài tiếng sau đó ông rơi vào hôn mê sâu và ra đi không bao giờ trở lại.
Mẩu bánh mì chấm sữa và vài hơi thuốc lá dĩ nhiên chẳng thể giết chết một bệnh nhân, dĩ nhiên càng chẳng thể giúp sức khỏe của ông tốt hơn. Nhưng chắc chắn nó sẽ giúp ông hài lòng với vài giây phút còn lại của cuộc sống. Tôi tin vậy và nếu là cô con gái, tôi sẽ mủi lòng đáp ứng cho bố trong hoàn cảnh ấy. Nếu có thể lựa chọn lại, tôi tin người con gái sẽ đồng ý những mong muốn cuối của bố mình.
“Chỉ một chút thôi bố nhé, bác sĩ nói thế này không tốt cho sức khỏe của bố”. Hẳn nhiên ông bố cũng vui lòng, mà cô con gái cũng không phải mang sự dằn vặt về mẩu bánh mì và điếu thuốc lá suốt cả phần đời chông chênh còn lại khi không còn bố.
Tôi đã rơi nước mắt khi thương người con gái ấy. Đúng là có những tình huống không thể hành xử theo những rạch ròi phân định đúng - sai. Bố tôi hằng ngày vẫn đạp xích lô chở hàng trăm viên than ngang khắp những con đường thành phố Vinh. Ông vốn là cán bộ kỹ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Giao thông vận tải nhưng bỏ việc đi xuất khẩu lao động và trở về... với hai bàn tay trắng. Một người thuần tính, chất phác, xuề xòa dễ gì làm ăn nổi ở xứ người.
Bố về nước trong thời điểm hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Ông chấp nhận cùng mẹ bỏ hết sĩ diện để đạp xích lô chở than từ xưởng về các hàng quán quen biết, kiếm tiền nuôi con ăn học. “Nghề” ấy cũng đằng đẵng được 20 năm rồi.
Tính bố đặc biệt nên chiếc xe xích lô chở than cũng có phần... đặc biệt. Xe được gia cố thêm một cái quạt máy để chống nóng, bạt che nắng trên đầu, lại thêm loa đài đi đến đâu lại vang vang đến đó những khúc hát bố tôi yêu thích: “Ơi con sông quê, con sông quê...”.
Chủ nhân chiếc xe ấy - bố tôi - đầu trần, áo may-ô, da đen bóng, cười nói oang oang giữa phố như giữa đường làng mỗi khi gặp người quen. Nếu bạn tinh ý, ở thành phố Vinh không quá rộng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ông vì sự khác biệt ấy. Người không ưa tính bố, bảo nhìn bố mi như phường chèo, con cái lớn hết rồi mà không giữ ý tứ cho con. Người thương thì bảo, bố mi khỏe hầy, nhưng nhắc bố, ngoài 60 rồi, đừng chủ quan với sức khỏe.
Tôi vẫn luôn dặn dò kỹ lưỡng bố chỉ làm nếu công việc đó vui và vừa sức. Bằng không, bố cứ nghỉ đi vì con đã có thể lo cho bố. Mà quả thực, nhìn bố hoan hỉ khi ngồi trên xích-lô, gặp những khách hàng quen thuộc, không ai phủ nhận rằng ông vui với công việc ấy. Cả bố lẫn tôi đều hiểu, nếu buộc phải thôi việc, bố sẽ bơ vơ lắm khi vào ra suốt ngày đối diện với những bức trướng, những di ảnh... Bên này ảnh vợ, bên kia ảnh mẹ, hết thảy đều chưa mãn tang. Cả hai người phụ nữ ông yêu thương nhất đều bỏ ông đi trong một thời gian quá ngắn.
Chẳng biết đúng hay sai khi chưa bao giờ tôi thấy khó chịu, nóng ruột khi để bố mình với một hình ảnh mà không ít người nhìn vào thấy có phần “như phường chèo” trên phố. Tôi thậm chí thấy vui vui trong lòng khi nghe Khúc hát sông quê ngân lên từ chiếc xe than cáu bẩn mỗi dịp về thăm nhà. Và thú thực, tôi luôn thấy bố mình thật gần gũi, dễ chịu khi bố cười nói hể hả, hồn nhiên như trẻ nhỏ. Tính ông vẫn thế. Hơn 60 năm rồi. Cả đời bà nội, rồi tới mẹ không có khả năng thay đổi thì làm sao tôi có thể thay đổi. Mà thực lòng tôi chẳng muốn thay đổi nếu điều ấy có làm ngứa mắt vài người nhưng làm bố tôi vui.
Ở tuổi ngoài 60, ở dốc bên kia của cuộc đời rồi, mọi lễ nghi, phép tắc có lẽ nên bỏ bớt để niềm vui và sự hồn nhiên trở về trong tâm hồn. Chẳng biết cách nghĩ của tôi đúng hay sai nhưng tôi vẫn tin rồi mình sẽ không phải... khóc trên facebook như người bạn của mình, chỉ vì mẩu bánh mì và điếu thuốc.
VÕ THU HƯƠNG