ĐNĐT - Nghỉ chơi lân để chuyên tâm học tập nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học FPT, Hà Xuân Tài sẵn sàng bỏ ngang công việc ổn định để tiếp tục cháy hết mình cùng lân…
Hà Xuân Tài tỉ mẩn trang trí từng đường nét của một chiếc đầu lân. |
Say mê điệu múa lân
Chúng tôi tìm đến một con hẻm nhỏ trên đường Hải Phòng để gặp “thuyền trưởng” của đội lân Tài Bảo Đường, người không chỉ say mê điệu múa lân mà còn sáng tạo những chiếc đầu lân đẹp. Khá ngạc nhiên, đón chúng tôi là chàng thanh niên trẻ, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề làm lân, đang cặm cụi trang trí họa tiết trên đầu lân. Đó là Hà Xuân Tài (23 tuổi), đến từ phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khi còn nhỏ, Tài vô cùng mê lân. Niềm say mê đến từ sự hứng thú khi ngắm nhìn những điệu múa lân và bắt nguồn từ những lần đến nhà người chú ruột, một người sống bằng nghề làm đầu lân truyền thống ở Huế, ngắm nhìn muôn sắc lấp lánh từ những con lân.
Từ năm lớp 6, mỗi khi rảnh rỗi, Tài lại sang nhà chú, phụ bồi giấy (một công đoạn để làm chiếc đầu lân truyền thống - PV). Thương đứa cháu nhỏ, người chú tặng cháu một chiếc đầu lân. Có lần, Tài tập hợp bạn bè, cũng là những đứa trẻ cùng độ tuổi trong xóm, hình thành nhóm múa nhỏ. Nhớ lại kỷ niệm ngày xưa, Tài cười: “Hồi đó, cả nhóm mang lân đi múa ở các làng quanh đó. Từ làng này qua làng kia cách nhiều cánh đồng bát ngát, nhiều hôm trời mưa, cả đám vừa múa, vừa chạy vì sợ sấm sét đánh…”.
Say mê là vậy nhưng sau 2 năm gắn bó, Tài tạm ngưng múa lân để tập trung việc học. Cậu bé năm nào dần lớn, trở thành sinh viên Trường Đại học FPT tại Đà Nẵng. Đam mê năm xưa bùng cháy trở lại khi một người anh khóa trên trong trường nhen nhóm ý tưởng thành lập đội lân. “Kinh phí ban đầu không nhiều, mình lặn lội về Huế mua 2 đầu lân cho đội, một màu vàng, một màu đỏ. Cũng vì thế, cái tên Song Lân hội ra đời”, Tài kể.
Sáng tạo đầu lân
Sau hơn một năm đắm mình trong lân, Tài vẫn băn khoăn: “Chơi lân tốn nhiều chi phí, trong đó có việc đầu tư tiền mua lân để đáp ứng thị hiếu ngày càng phong phú. Lúc đó, mình nghĩ, nếu muốn phát triển đội lân thì không thể cứ mãi đi mua đầu lân của người ta…”.
Chàng sinh viên năm 4 quyết định “Nam tiến” để học làm lân cũng như giao lưu kỹ thuật múa với các đoàn lân lớn. Tháng 3-2014, tranh thủ kỳ nghỉ giữa hai học kỳ, Tài gom góp tiền dành dụm bấy lâu rồi mượn thêm bạn bè, vào Thành phố Hồ Chí Minh "học nghề".
Trở về Đà Nẵng, Tài vừa hoàn thành việc học, vừa nâng cao sức sáng tạo trong đam mê với lân. Bây giờ, không chỉ có thể tự làm đầu lân cho riêng mình mà Tài còn cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tài đã thành lập đoàn nghệ thuật lân sư rồng Tài Bảo Đường. “Ba mẹ mình ban đầu phản đối dữ lắm vì muốn mình có công việc và sớm ổn định cuộc sống. Nhưng nhờ sự kiên trì hơn nửa năm, mình đã thuyết phục được ba mẹ ủng hộ…”, Tài chia sẻ.
Vừa tỉ mẩn vẽ từng họa tiết, Tài vừa giới thiệu: “Để hoàn thành một chiếc đầu lân hoàn chỉnh, mình mất khoảng 3 ngày. Đầu tiên là mua nhôm về uốn thành khung, tiếp đó là khâu đan sườn bằng mây và tre. Tre tạo độ cứng, còn mây tạo độ cong. Rồi dán gạc y tế, một lớp giấy mỏng nhẹ. Để chống thấm ướt và trang trí đẹp hơn, mình còn dán thêm một lớp decal lấp lánh…”.
Càng nói, Tài càng hào hứng: “Bước quan trọng kế sau là vẽ màu. Muốn lên màu đẹp và sáng hơn, mình sẽ đi một lớp màu trắng trước rồi mới phủ màu dạ quang. Đặc biệt, một chiếc đầu lân phải bảo đảm đủ ngũ quang. Đồng thời, họa tiết trang trí phải phân biệt rõ ràng ở từng bộ phận. Cuối cùng là lên lông, thường thì mình chọn lông cừu…”.
Tốt nghiệp đại học, có một công việc ổn định, nhưng Tài làm chúng tôi thêm lần nữa ngạc nhiên khi… nghỉ việc cách đây 3 tháng. “Mình cảm thấy công việc không phù hợp với mình. Phần nữa, mình làm gì thì sẽ chuyên chú việc đó nên muốn toàn tâm tập trung vào lân trong mùa Trung thu. Hết hội, mình đi tìm việc làm khác…”, Tài bộc bạch.
Chia tay Tài trong tiếng rộn rã của trống lân vào hội trăng rằm, tôi vẫn ấn tượng với câu nói của cậu bạn trẻ: “Mình chỉ có một cuộc đời để sống nên muốn theo đuổi và cháy trọn với niềm đam mê. Quan trọng là mình phải biết cân bằng cuộc sống và có những kế hoạch cụ thể cho bản thân…”.
KHA MIÊN