.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lưu động

.

Thời gian qua, việc tuyên truyền văn hóa, văn minh đô thị thông qua các tiểu phẩm sân khấu được Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng và trung tâm văn hóa các quận, huyện chú trọng dàn dựng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần đưa các tiểu phẩm đến quần chúng, thay vì dàn dựng chỉ để dự thi.

Một tiểu phẩm dự thi tại Hội thi “Chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” ở phường Xuân Hà.
Một tiểu phẩm dự thi tại Hội thi “Chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” ở phường Xuân Hà.

Tiểu phẩm phong phú

Theo ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, thời gian qua, trung tâm đã tổ chức biên soạn nội dung chương trình tuyên truyền lưu động bằng hình thức miệng mỗi quý 2 lần (đã thực hiện được 3 quý) nói về chống chèo kéo, đeo bám khách du lịch; cấm quảng cáo, rao vặt; cấp phát tờ rơi sai quy định; đặc biệt là trung tâm đã xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền về văn hóa, văn minh đô thị.

Đến thời điểm hiện tại, trung tâm đã dàn dựng, biểu diễn 5 tiểu phẩm, bao gồm: Tôi không say màCuộc họp tổ dân phố với nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông; Buổi tiếp xúc bất ngờ nói về cải cách hành chính, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công sở; Bánh xe ma túyAn toàn thực phẩm tuyên truyền về phòng chống tội phạm ma túy, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi đó, từ tháng 4-2015 đến tháng 7-2015, các trung tâm văn hóa quận cũng tổ chức Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền văn hóa, văn minh đô thị như các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ… Mỗi phường trên địa bàn quận mang đến một tiểu phẩm có nội dung xoay quanh các nhóm chủ đề về văn hóa, văn minh đô thị.

Không khí tập tành, dựng vở cũng rộn ràng ở các đơn vị cấp phường. Anh Trực, Trưởng phòng Văn hóa-thông tin phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) cho biết, ngoài cuộc thi tại quận, phường còn tổ chức Hội thi “Chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” với sự tham gia của học sinh, sinh viên, trí thức, lao động phổ thông, chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố của các khu dân cư (KDC)… “Đặc biệt, tiểu phẩm Chạy trời không khỏi nắng được chọn công diễn ở các KDC và nhận được sự tán thưởng của người dân.

Cách tuyên truyền hiệu quả

Nhận xét về hiệu quả của việc tuyên truyền văn hóa, văn minh đô thị bằng tiểu phẩm, ông Cao Tấn Ngọc cho rằng, dùng hình thức nghệ thuật để tuyên truyền đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước có ưu thế nhất định bởi tạo ra sự hấp dẫn và lôi cuốn, mỗi đêm tuyên truyền đều thu hút đông đảo công chúng.

“Thay vì diễn giải, thông báo những vấn đề liên quan an toàn giao thông, ma túy học đường bằng văn bản cứng nhắc…, thông qua diễn xuất của diễn viên, những vấn đề diễn ra trong đời sống thường ngày được tái hiện sống động nên dễ đi vào lòng người, tạo sự nhận thức sâu sắc hơn”, ông Ngọc lý giải.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Văn hóa thành phố mới tổ chức diễn 4 đêm tại KDC của các quận Sơn Trà và Liên Chiểu (bao gồm các phường Thọ Quang, Phước Mỹ, Hòa Khánh Nam và khu chợ Hòa Khánh). Các tiểu phẩm dự thi tuyên truyền văn hóa, văn minh đô thị tại các quận vẫn chưa công diễn đến từng KDC.

“Tiểu phẩm thi xong mà mang về cất thì quá uổng. Chẳng hạn, tiểu phẩm Nỗi đau tột cùng tham gia dự thi ở quận có nội dung khá hay về tuyên truyền an toàn giao thông, nếu biểu diễn tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố sẽ tác động đến nhận thức của sinh viên. Chúng tôi đã trình kế hoạch, hy vọng sẽ sớm được công diễn”, ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Thanh Khê nói.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, thông qua các tiểu phẩm, người dân sẽ dễ hiểu hơn những gì nên làm và không nên làm đối với nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Vì vậy, đẩy mạnh hoạt động sân khấu hóa thông qua công tác tuyên truyền lưu động là một trong những điều mà các ngành chức năng cần quan tâm nhằm thực hiện hiệu quả “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.