.

Đêm diễn đặc biệt

.

Chọn vở tuồng Như những tượng đài biểu diễn miễn phí phục vụ người dân thành phố Đà Nẵng vào đúng ngày Nhà hát mở cửa trở lại sau 4 tháng nâng cấp, sửa chữa như lời tri ân đầy xúc động của những nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh…

Một cảnh trong vở diễn Như những tượng đài. 					          Ảnh: NGỌC HÀ
Một cảnh trong vở diễn Như những tượng đài. Ảnh: NGỌC HÀ

Đong đầy cảm xúc

Mặc dù sân khấu chưa sáng đèn nhưng ông Nguyễn Văn H. (80 tuổi, nhà Đống Đa, Hải Châu) đã có mặt từ rất sớm để chọn cho mình hàng ghế gần sân khấu. Ông chia sẻ rằng từ nhỏ đã thích xem tuồng, nhiều vở còn mua cả tài liệu về đọc để dễ hiểu, dễ xem.

“Bẵng đi thời gian, tuồng không còn vị thế nữa, tôi cũng không có điều kiện mua vé vào rạp hát. Vì vậy, được xem buổi diễn miễn phí tại nhà hát, tôi vui lắm! Trong vở tuồng có đoạn kể về các nghệ sĩ đang diễn, người dân ngồi xem thì máy bay địch quần thảo trên bầu trời, làm tôi nhớ lại thời đó, mỗi lần đoàn tuồng về thì bà con kéo nhau đi xem như trẩy hội, mặc cho tiếng súng, tiếng bom gần bên”, ông H. chia sẻ.

Ngồi hàng ghế khán giả còn có các nghệ sĩ từng cùng đồng nghiệp đi qua năm tháng ác liệt nhất của chiến trường khu 5, những năm chống Mỹ. Nhạc sĩ Trần Hồng xúc động nói: Vở diễn là câu chuyện có thật của Đoàn dân ca Quân khu 5B ngày trước, tiền thân của Đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng và Đà Nẵng ngày nay. Đoàn văn công ngày đó nhận lệnh phục vụ đồng bào vào năm 1967. Tôi đi sau (vào năm 1979) và được nghe kể lại rằng, đoàn bị Mỹ ngụy thả trực thăng xuống bắt rồi đưa đến nhà tù Qui Nhơn, sau đó là nhà tù Côn Đảo. Trong tù, các diễn viên vẫn đem lời ca, tiếng hát phục vụ các đồng chí.

“Xem lại vở diễn này, tôi xúc động lắm, như gặp lại những người đồng đội xưa cùng ở đơn vị, gặp lại hình ảnh chính mình trong những năm kháng chiến. Chúng tôi không chỉ lấy lời ca tiếng hát để đánh địch mà còn mang vũ khí và cả tinh thần kiên cường, tiếng hát át tiếng bom cùng mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, nhạc sĩ Trần Hồng nói thêm.

Như một lời tri ân

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho biết khi được Bộ VH-TT&DL chọn là đơn vị tuồng duy nhất trên cả nước dựng vở tuồng Như những tượng đài, cả đơn vị vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có cơ hội tri ân thế hệ nghệ sĩ đi trước, nhưng lo không biết làm sao để diễn tả hết những hoạt động gắn liền với người nghệ sĩ trong kháng chiến, từ chuyện tình yêu, gia đình, đồng đội, chuyện tình cảm quân - dân đến sự đấu tranh kiên cường…

Điều may mắn, tác giả kịch bản Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật Khánh Hòa vốn là nhạc công của đoàn dân ca Quân khu 5B, là người từng cùng đồng nghiệp kinh qua những năm tháng ác liệt nhất của chiến trường Khu 5 nên tường tận mọi thứ. Tác giả đã khéo léo đưa những tình tiết sinh động, gần gũi, chân thật nhưng đậm chất nghệ thuật vào kịch bản.

“Điều còn lại là cả tập thể, diễn viên nỗ lực hết mình, cháy hết mình. Chúng tôi xác định đây không chỉ là trách nhiệm với nghề, với lớp cha ông đi trước mà còn là lời tri ân sâu sắc đến những người nghệ sĩ đã không tiếc tuổi thanh xuân cống hiến máu xương cho ngày Bắc - Nam sum họp, có những người được ghi danh, có những người vẫn chưa tìm thấy mộ…”, ông Trần Ngọc Tuấn cho biết.

Là diễn viên trẻ nhưng Bích Phượng được giao vai nữ chính trong vở diễn, với chị, đây là vinh dự, cũng là áp lực. Theo Bích Phượng, vở tuồng hiện đại này đòi hỏi diễn viên diễn tả tâm lý nhân vật nhiều hơn. Bên cạnh đó, lồng ghép trong vở diễn là trích đoạn tuồng truyền thống nên các diễn viên phải chăm chút từng vai diễn, tập trung cao độ thì mới làm tròn vai của mình.

“Tôi vào vai một nữ văn công vì nhiệm vụ phải lên đường, xa đứa con còn đỏ hỏn trên tay, chứng kiến chồng hy sinh trước mặt mình… Từng tình tiết xoay quanh nhân vật làm tôi thật sự xúc động. Những người nghệ sĩ năm xưa đã không ngại hiểm nguy, không sợ khổ, sợ khó, hy sinh cuộc sống riêng tư để mang nghệ thuật đến với đồng bào. Vở diễn khơi dậy trong tôi tình yêu nghề và sẽ đem tình yêu nghệ thuật truyền thống truyền cho khán giả”, Bích Phượng nói.

Lời kết của vở tuồng cũng là cái kết đầy xúc động cho một đêm diễn đặc biệt đối với người diễn và cả khán giả. Những hy sinh của người nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa vẫn đọng lại tình cảm trong lòng khán giả, như những bài ca không tắt, như những tượng đài bất tử…

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.