Văn hóa - Giải trí

Gìn giữ làn điệu dân ca

08:03, 03/09/2015 (GMT+7)

Gìn giữ nghệ thuật truyền thống, trong đó có những làn điệu dân ca luôn là nhiệm vụ cấp bách đối với sự nghiệp văn hóa.

Một số tiết mục xuất sắc được công diễn tại buổi tổng kết lớp tập huấn hô hát dân ca Khu 5-2015.
Một số tiết mục xuất sắc được công diễn tại buổi tổng kết lớp tập huấn hô hát dân ca Khu 5-2015.

Những năm gần đây, những người làm văn hóa ở Đà Nẵng đã có những động thái tích cực cho sự sống còn của dân ca Khu 5, tiêu biểu có thể kể đến việc tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn hô hát các làn điệu dân ca cho hạt nhân phong trào văn nghệ cơ sở. Đơn vị chủ trì các lớp tập huấn này là Trung tâm Văn hóa thành phố.

Yêu quê hương qua câu dân ca

Chị Đặng Thị Quý (Trường Tiểu học Hòa Khương 2), một trong những thành viên xuất sắc của lớp tập huấn hô hát dân ca Khu 5 năm 2015, cho biết tham gia khóa học, chị được các nghệ nhân, giáo viên đào tạo bài bản các làn điệu dân ca nguyên gốc và cải biên Khu 5 khá phong phú như: hò ba lý, hò giã vôi, hò kéo xe gỗ, hò tát nước; các làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản...

“Được giảng giải kỹ lưỡng, sâu sắc về bối cảnh, ý nghĩa các làn điệu như Thoại Khanh Châu Tuấn, Đội kịch chim chèo bẻo, Người con gái khu Đông, Bà mẹ Gò Nổi..., tôi “ngộ” ra nhiều điều. Thật không ngờ, những làn điệu dân ca này lại phong phú và đẹp đến như vậy”, chị Quý nói.

Đối với chị Nguyễn Thị Ngọc (Trường Mầm non Dạ Lan Hương), khóa học hô hát bài chòi mang lại cho chị nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Chị Ngọc vốn yêu dân ca từ nhỏ nhưng không có điều kiện theo đuổi, nay chị cảm thấy rất vui và vinh dự khi tham gia khóa học này.

“Dù yêu thích, nhưng vì ít có điều kiện tiếp xúc nên lúc đầu tôi khá bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự tận tình chỉ dạy của các giáo viên, kết thúc khóa học, tôi không chỉ hát đúng mà còn hát hay (theo đánh giá của các giáo viên), thấy yêu thêm những làn điệu dân ca quê mình”, chị Ngọc cho biết.

Tham gia với vai trò cố vấn tại khóa học, nhạc sĩ Trần Hồng - nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian lâu năm - cho biết các làn điệu dân ca Khu 5 vốn rất phong phú, có thể kể đến các thể loại tiêu biểu như: hô hát bài chòi, hát lý, các điệu hò, điệu lía… Trong mỗi thể loại có các lối hát khác nhau, chẳng hạn riêng hô hát bài chòi có đến 5 kiểu là xuân nữ, cổ bàn, xàng xê, hò Quảng, vè Quảng; các điệu lý thì có lý ngựa ô, lý năm canh, lý thượng, lý tang tích, lý thương nhau, lý chiêu quân, lý đi chợ…; các điệu hò có hò khoan, hò chèo thuyền, hò tát nước, hò giã gạo…

“Những ca từ, làn điệu trong các câu hò, điệu lý đã thể hiện niềm vui, tình yêu đời, yêu đất nước, con người, những khát vọng cháy bỏng của vùng đất miền Trung đầy nắng gió. Trong gập ghềnh, khúc khuỷu đồi núi, trong nắng lửa mưa dồn, câu hát đã sinh ra. Bởi vậy, khi nghe một điệu hò, điệu lý, ta cảm nhận được sự gập ghềnh, khúc khuỷu đó. Để hát đúng, hát hay các làn điệu dân ca, ngoài năng khiếu, chất giọng mượt mà, người hát phải có cái tâm trong sáng, giàu tình yêu quê hương đất nước”, nhạc sĩ Trần Hồng đúc rút.

Gìn giữ truyền thống của cha ông

Không ai phủ nhận những giá trị không bao giờ cũ của các làn điệu dân ca. Song, có lẽ chính nhịp sống hối hả, thời đại bùng nổ thông tin, áp lực cuộc sống, khiến không nhiều người còn mặn mà với dân ca cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống. Theo những người giàu kinh nghiệm, để lột tả hết cái hay, cái đẹp của dân ca thì chỉ có cách dạy truyền khẩu.

Nếu tự đọc sách hoặc nghiên cứu qua các tài liệu, có người cũng sẽ hát được, nhưng cách biểu đạt chắc chắn sẽ thô, cứng và giảm mất nhiều giá trị của vốn quý cha ông để lại. Vì vậy, để giữ gìn, bảo tồn các làn điệu dân ca khỏi bị mai một và phát huy giá trị trong thực tiễn hôm nay thì không ai khác, người làm công tác văn hóa - nghệ thuật phải chú trọng tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho thế hệ trẻ.

Theo ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, cái khó là hiện Đà Nẵng chưa có đội dân ca nào thật sự chuyên nghiệp, việc tìm kiếm được lực lượng trẻ hát dân ca quy chuẩn, bài bản ngày càng khó khăn. Những người làm văn hóa lúng túng trong việc tuyên truyền, tổ chức hoạt động làm sao để giới trẻ thấy sức hấp dẫn của dân ca nói riêng, các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống nói chung.

“Nhưng tôi tin rằng đó chỉ là những khó khăn tạm thời, nếu tình yêu trong chúng ta thật sự, nếu đủ quyết tâm, dân ca - nơi kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất, của dân tộc sẽ tìm được đất sống, được lưu truyền mãi mãi”, ông Ngọc tin tưởng.

Bài và ảnh: THANH TÂN

.