.

Nhớ Lưu Trùng Dương

.

Những ngày cuối tháng 9 này, họa sĩ Mỹ Nhung, vợ nhà thơ Lưu Trùng Dương, quay về ngôi nhà thân thuộc tại đường Núi Thành (quận Hải Châu) để lo đám giỗ đầu tiên của ông. Mọi thứ trong nhà chẳng có gì thay đổi và với người phụ nữ ngoài 70 tuổi này, những kỷ niệm về người chồng tài hoa như mới ngày hôm qua…

Họa sĩ Mỹ Nhung xem lại những vần thơ một thời đi cùng người chiến sĩ cách mạng của nhà thơ Lưu Trung Dương. Ảnh: HÀ THU
Họa sĩ Mỹ Nhung xem lại những vần thơ một thời đi cùng người chiến sĩ cách mạng của nhà thơ Lưu Trung Dương. Ảnh: HÀ THU

Viết như là sự sống

Theo họa sĩ Mỹ Nhung, nghiệp cầm bút đến với Lưu Trùng Dương từ năm 16 tuổi, khi ông nhận nhiệm vụ làm tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng, viết và kể chuyện người tốt, việc tốt. Năm 17 tuổi, Lưu Trùng Dương làm tờ báo tay của Phòng Tham mưu Khu V, tổ chức bài vở và sáng tác.

Sau đó, ông là một trong những cán bộ đầu tiên của tổ sưu tầm, sáng tác, thuộc Ban Tuyên truyền, Phòng Chính trị Khu V. Nhiệm vụ của tổ là sưu tầm, ghi chép những tấm gương chiến đấu của bộ đội và những chuyện căm thù tội ác do địch gây ra.

Tờ báo Luyện quân ra đời. Đó là tờ báo đầu tiên của Bộ đội Khu V và mặc nhiên tổ sưu tầm, sáng tác trở thành những người kiêm nhiệm tòa soạn báo Luyện quân (lúc đó Lưu Trùng Dương có thêm bút danh là Chiến Lũy). Rồi Luyện quân đổi tên thành báo Vệ quốc quân và đến năm 1950 đổi thành báo Quân đội nhân dân Liên khu 5. Năm 1956, Lưu Trùng Dương được điều về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, tiếp tục viết về các đơn vị bộ đội trên toàn miền Bắc.

Năm 1966, Ban biên tập thanh niên Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị Lưu Trùng Dương cộng tác thơ, bút ký, ký sự, tùy bút về tuổi trẻ ở hỏa tuyến, viết dưới dạng “thư tuyền tuyến” kể lại cuộc sống chiến đấu dũng cảm và lạc quan của các chiến sĩ trẻ… mà ông từng gặp trên đường đi hoặc từng sống với họ.

“Một điều đáng nể ở anh Dương là viết không hề mệt mỏi. Viết như là sự sống. Tôi nhớ có lần anh bệnh rất nặng, nhưng khi anh Sĩ Ẩn - Ban Biên tập thanh niên Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ viết một bài thơ để động viên thanh niên, anh vẫn nhận lời, rồi thức đêm, thức hôm ngậm sâm để hoàn thành bài thơ Nhớ lời Bác dạy. Quyết tâm của anh quả không uổng phí. Sau đêm đầu tiên Đài phát bài thơ ấy của anh, đồng chí Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Bí thư Đoàn Thanh niên Đường sắt cũng xin về cho in ra nhiều bản và phát về cơ sở Đoàn”, bà Nhung nhớ lại.

Trong bức thư viết cho Lưu Trùng Dương ngày 6-6-1966, Sĩ Ẩn cũng nhắc đến bài thơ này. “Tôi ngạc nhiên trong sổ tay nhiều đoàn viên đều có chép bài thơ này. Sau này, tôi mới vỡ lẽ, vợ tôi lấy của tôi một bản đánh máy, đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Hải Dương về chơi thấy thích quá liền đem về tỉnh cho đánh máy, gửi các huyện và đến hội nghị nào đồng chí ấy cũng ngâm...”, Sĩ Ẩn viết.

Ngoài bài thơ Nhớ lời Bác dạy, những bài thơ như Mây biên giới, Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng, Thương nhất anh nuôi, Mấy lời tâm huyết gửi người lính ngụy… đã trở thành hành trang tinh thần của người lính trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tình yêu “vô điều kiện”

“Ổng yêu nước vô điều kiện, còn mình thì yêu ổng vô điều kiện!”, họa sĩ Mỹ Nhung hóm hỉnh nói về tình yêu giữa bà và nhà thơ Lưu Trùng Dương. Bà gặp Lưu Trùng Dương lần đầu tiên tại Tam Kỳ, khi gia đình bà vào tản cư và Lưu Trùng Dương trên đường công tác ghé lại nhà một người quen. Bẵng đi một thời gian, sau khi tập kết ra Bắc, năm 1958, tình cờ bà diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội và lần đó Lưu Trùng Dương cũng đến xem.

Qua những người bạn, họ giới thiệu bà là đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Bà nhận ra ông ngay. Sau nhiều lần “tình cờ” gặp nhau cũng tại Nhà hát lớn, tình đồng hương đã gắn hai con người lại với nhau và đám cưới diễn ra vào ngày 9-1-1961.

“Lần đầu gặp Lưu Trùng Dương, tôi chỉ hơn 10 tuổi, còn Lưu Trùng Dương đã 21 tuổi nhưng như có gì khá thân thuộc và ấn tượng đó thật khó quên. Cũng không ngờ sau này nên duyên vợ chồng, giống như duyên từ kiếp nào. Có lẽ vì thế mà tôi yêu ông nhiều đến vậy”, bà Nhung kể.

Cũng theo bà Nhung, Lưu Trùng Dương viết thơ khá nhiều, nhưng riêng dành tặng vợ thì rất ít, nhưng với bà, thế là đủ lắm rồi. “Ngay ngày cưới, anh Dương viết tặng tôi bài thơ Nói với người yêu. Anh yêu em vì sao không biết rõ/ Chỉ biết yêu em anh thấy yêu đời/ Và nếu ta đầu thai kiếp khác/ Anh chắc rằng anh sẽ lại yêu em/ Em, em ơi trên đường dài lý tưởng/ Ta cầm tay nhau vui sướng nào hơn /Dù anh hay em ngã xuống giữa đường/ Trong tim bạn ta vẫn cùng đi tới/ Dẫu cái chết không chia lìa ta nổi… ”, bà Nhung đọc say sưa.

Ngoài bài thơ này, lúc ở chiến trường C, Lưu Trùng Dương cũng viết gửi bà bài thơ Ở chiến trường, nhận được tin vợ sắp đẻ. Bài thơ giản dị, đầy ắp tình cảm của một người chồng, người cha: Con là trai hay gái/ Lọt lòng nặng mấy cân/ Có cái cằm giống mẹ/ Hay giống bố nhiều hơn/ Chào đời trong bom đạn/ Con sẽ sống kiên cường/ Lớn lên cùng chiến thắng/ Con càng sống đẹp hơn.

“Những bài thơ viết riêng tặng vợ nhưng trong từng câu chữ, Lưu Trùng Dương vẫn nhắc đến lý tưởng cách mạng, khát vọng, niềm tin vào chiến thắng của dân tộc… Bước chân ông đã trải qua nhiều vùng chiến sự ác liệt, từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Đường 9, Khe Sanh, Tây Nguyên đến nước bạn Lào. Và với tôi, ở nhà vun vén gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác là niềm hạnh phúc”, bà Nhung bày tỏ.

Lưu Trùng Dương là vậy, dù viết báo hay làm thơ, người đọc vẫn cảm nhận được trái tim chất chứa tình cảm với quê hương, đất nước, đồng đội, gia đình và những tình cảm ấy dồn vào ngòi bút của ông, như chính ông từng tâm sự: “Trong những ô ngăn đầy ắp kỷ niệm của tâm hồn qua 2 thời kháng chiến, tôi kéo ngăn nào ra - dù dưới dạng này hay dạng khác - đều thấy rõ điều này: những câu, những chữ nào mà chúng tôi - những thế hệ kế tiếp nhau của những người cầm súng và cầm bút viết ra, đều bắt nguồn từ vị mặn của đất, vị ngọt của đời, từ màu xám và cái sắc lạnh của khẩu súng, vượt lên trên cả sự hy sinh…”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Lưu Trùng Dương có hơn 1.000 bài viết được đăng báo, nhưng lâu nay người ta nhắc nhiều đến ông với vai trò nhà thơ chứ ít ai nói ông là nhà báo. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi tác phẩm thơ của ông thời đó, theo nhận xét của nhà văn Xuân Thiều, như hơi thở của chiến sĩ, vui cái vui của chiến sĩ, thông cảm được ước mơ của chiến sĩ.

Hơn 60 năm sáng tác, Lưu Trùng Dương để lại 20 tập thơ, 15 tác phẩm văn xuôi. Với những đóng góp đó, ông được nhận 12 giải thưởng văn học, 5 Huân chương vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2012. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, với những gì mà Lưu Trùng Dương góp vào nền văn học giai đoạn kháng chiến, ông xứng đáng được tôn vinh ở một giải thưởng cao quý hơn như Giải thưởng Hồ Chí Minh.

HÀ THU

;
.
.
.
.
.