Văn hóa - Giải trí

Quy chế xét tặng Giải thưởng văn học-nghệ thuật:

Khuyến khích sức sáng tạo của văn nghệ sĩ

07:38, 30/09/2015 (GMT+7)

Ngày 29-9, sau khi nghe trình bày Dự thảo (lần 2) quy chế xét tặng Giải thưởng văn học-nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng lần 3, từ năm 2010-2014 (gọi tắt là Giải thưởng), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, quy chế mới lần này cần gạt bỏ những thủ tục, nguyên tắc không còn phù hợp, làm sao để khuyến khích sức sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Giải thưởng văn học - nghệ thuật thành phố năm 2010-2014 được trao tặng cho tác phẩm/tiết mục xuất sắc trên tất cả lĩnh vực văn học- nghệ thuật. TRONG ẢNH: Một cảnh trong vở tuồng mới Như những tượng đài do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.
Giải thưởng văn học - nghệ thuật thành phố năm 2010-2014 được trao tặng cho tác phẩm/tiết mục xuất sắc trên tất cả lĩnh vực văn học- nghệ thuật. TRONG ẢNH: Một cảnh trong vở tuồng mới Như những tượng đài do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.

Theo tiến độ đề ra, quy chế xét tặng Giải thưởng dự kiến sẽ được phát hành rộng rãi từ ngày có thông báo của Cơ quan thường trực Hội đồng giải thưởng thành phố đến hết ngày 15-10-2015.

Đề cao bản quyền tác phẩm/tiết mục

Một trong những điểm mới của dự thảo quy chế lần này là tác phẩm được xét tặng Giải thưởng VHNT thành phố phải là những tác phẩm đã được tặng thưởng hằng năm (từ năm 2010-2014) của các hội chuyên ngành trở lên, kể cả tác phẩm của các địa phương khác. Tác phẩm không bị tranh chấp về bản quyền tác giả, trường hợp bị phát hiện vi phạm bản quyền sẽ không được xét, nếu đã trao Giải thưởng thì sẽ thu hồi. Riêng đối với các tác phẩm in thành sách, dạng tuyển tập thì phải có hơn 70% nội dung mới lần đầu được công bố.

Với tiết mục được xét tặng Giải thưởng phải là những tiết mục đoạt Huy chương vàng (HCV) hoặc mức thưởng tương đương tại các hội diễn, cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp cấp khu vực hoặc toàn quốc (từ năm 2010-2014). Đặc biệt, để nâng cao trách nhiệm người sáng tạo với vấn đề bản quyền, dự thảo quy chế quy định mỗi văn nghệ sĩ khi có tác phẩm/tiết mục dự xét Giải thưởng phải có giấy cam kết không vi phạm bản quyền tác giả và xác định tỷ lệ hơn 70% nội dung mới lần đầu được công bố thành sách đối với tác phẩm được in thành sách hoặc tuyển tập. Đối với các văn nghệ sĩ dự xét Giải thưởng đã từ trần, Hội đồng nghệ thuật/Hội đồng khoa học của hội chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này.

Cơ cấu các giải thưởng cũng được quy định rõ tại dự thảo quy chế mới. Cụ thể, với mỗi hội chuyên ngành chỉ được trao tặng tối đa: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích, không có giải A, B, C như hai kỳ trao Giải thưởng thành phố trước đây. Tuy nhiên, căn cứ các tiêu chí xét tặng đã quy định và tình hình thực tế, số lượng Giải thưởng có thể ít hơn và không nhất thiết chuyên ngành VHNT nào cũng có tác phẩm/tiết mục được xét tặng Giải thưởng.

Chỉ xét tác phẩm, không “soi” quá trình sáng tạo

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, chỉ xét tặng Giải thưởng đối với các tác phẩm/tiết mục đoạt HCV (hoặc tương đương) là hơi khắt khe, có thể “bỏ sót” những tác phẩm, đóng góp giá trị.

Trao đổi về điều này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố - cơ quan thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng, đơn vị chủ trì soạn thảo quy chế, cho biết các thành viên của hội đồng soạn thảo quy chế đã xem xét kỹ và đi đến thống nhất chỉ xét tác phẩm/tiết mục đoạt HCV (hoặc tương đương) vì xét thêm HCB sẽ quá rộng, không phù hợp với cơ cấu giải thưởng mà quy chế đã đề ra. Mặt khác, việc chấm chọn tại các hội diễn, cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp cấp khu vực hoặc toàn quốc đã uy tín, vì vậy “không nên mua thêm dây buộc mình”, ông Tiếng phân tích.

Để bảo đảm công bằng và trao cơ hội cho tất cả mọi người, quy chế xét tặng Giải thưởng lần này quy định chỉ xem xét, chấm chọn tác phẩm/tiết mục xuất sắc (giai đoạn 2010-2014), chứ không xét quá trình sáng tạo của cá nhân. “Chúng ta chỉ quan tâm tác phẩm, tặng thưởng tác phẩm/tiết mục, chứ không phải phong tặng các danh hiệu NSND, NSUT”, ông Tiếng nói.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cơ bản thống nhất các tiêu chí, nguyên tắc dự thảo quy chế xét tặng Giải thưởng VHNT lần 3 đề ra. Chỉ lưu ý hoàn thiện, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến Hội đồng xét tặng Giải thưởng, cụ thể mức tiền thưởng, mẫu giấy chứng nhận, logo…, trình UBND thành phố trước ngày 5-10. Các Hội đồng xét tặng Giải thưởng thành phố sẽ hoàn tất việc công nhận kết quả xếp giải, trình Chủ tịch UBND thành phố trước ngày 31-1-2016. Lễ trao tặng Giải thưởng dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15-3 đến 20-3-2016.

Giải thưởng văn học - nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 34/2002/QĐ-UB ngày 5-3-2002 của UBND thành phố Đà Nẵng, được trao 5 năm/lần. Giải thưởng VHNT thành phố 2010-2014 được trao tặng cho các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ (bao gồm các sáng tác văn chương và các công trình nghiên cứu/ lý luận/ phê bình/ dịch thuật VHNT), tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh nghệ thuật, tác phẩm sân khấu và múa, tác phẩm điện ảnh (bao gồm phim truyện và phim tài liệu mang tính nghệ thuật), công trình kiến trúc... và cho các tiết mục trình diễn, vai diễn của ca sĩ, diễn viên, nhạc công, nghệ nhân... thuộc các ngành biểu diễn.

Bài và ảnh: THANH TÂN

.