Văn hóa - Giải trí

Tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề

07:29, 19/10/2015 (GMT+7)

Phát động sáng tác, triển lãm, giới thiệu các mẫu nghê, lân thuần Việt do chính các nghệ nhân làng đá Non Nước chế tác chỉ là bước khởi đầu. Tìm hướng đi cho nghê Việt, giúp làng nghề khôi phục sản xuất, kinh doanh mới là điều mong mỏi của hàng ngàn lao động sống bằng nghề chế tác đá…

Cần tìm hướng đi cho nghê Việt để đẩy mạnh sản xuất ở các làng nghề.
Cần tìm hướng đi cho nghê Việt để đẩy mạnh sản xuất ở các làng nghề.

Độc đáo lân, nghê làng nghề Non Nước

14 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm mẫu hình tượng lân, nghê mang bản sắc Việt ở Ban quản lý khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn mang đến cho người xem sự thú vị xen lẫn cảm phục tài chế tác đá của nghệ nhân làng đá Non Nước. Những họa tiết hoa văn lấy từ gỗ chuyển sang đá hay cách điệu cao từ đá chuyển sang đá… dưới bàn tay của nghệ nhân trở nên mềm mại, uyển chuyển, đẹp mắt.

Để có những tác phẩm tham gia triển lãm lần này, các nghệ nhân phải dày công nghiên cứu thông qua hình ảnh lân, nghê lần đầu tiên được thấy tại triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Đà Nẵng vào năm ngoái.

Anh Phạm Hỗ (cơ sở điêu khắc Phạm Trông, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, chế tác tượng nghê mất nhiều thời gian hơn so với các sản phẩm khác, bởi có chi tiết, hoa văn nhiều và phức tạp hơn. Ngoài ra, những sản phẩm trước đây có khuôn mẫu sẵn nên dễ làm; còn nghê, sư tử mang nét truyền thống Việt Nam vừa làm, vừa phải nghiên cứu nên mất cả tháng mới hoàn thành.

Trong khi đó, vẫn chưa mãn nhãn với những gì mình thấy, anh Phạm Tiến, cơ sở điêu khắc Tiến Hiếu khăn gói ra tận Hà Tĩnh để mục sở thị hình ảnh nghê với những nét hoa văn độc đáo tại một nhà thờ cổ. “Tôi không sao chép 100% từ hình mẫu, mà có sự biến tấu, cải biên để hình tượng điêu khắc nghê đẹp và sống động hơn. Chúng tôi tiếp thu những hoa văn vẩy của nghê ở thế kỷ XVII với mảng khối chuyển động nông sâu và tìm kiếm bố cục mới mà nghê thuần Việt không có như nghê vờn con, lân mã vờn cầu…”, anh Tiến cho biết.

Nhiều năm trong nghề, chế tác không biết bao nhiêu sư tử đá, nhưng đây là lần đầu các nghệ nhân làng nghề làm nên tác phẩm linh vật thuần Việt. Tuy nhiên, với nghệ thuật chế tác tinh xảo, nhiều người tự tin khẳng định rằng sắp tới, nhiều sản phẩm nghê, lân, sư tử thuần Việt mang đến làn gió mới cho làng nghề.

Tác phẩm Lân ngậm ngọc đoạt giải nhì tại triển lãm. Ảnh: NGỌC HÀ
Tác phẩm Lân ngậm ngọc đoạt giải nhì tại triển lãm. Ảnh: NGỌC HÀ

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Theo thống kê của Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, ở làng nghề có khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ với hơn 3.000 lao động. Trong đó, có gần 1.000 nhân công là thợ chuyên làm nghề tạc tượng lân, sư; thị phần và doanh thu mỗi năm chiếm tới 2/3 của cả làng nghề. Từ ngày có Thông tư 2662 của Bộ VH-TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, mặt hàng sư tử đá có yếu tố ngoại lai ế ẩm, nhiều lao động phải nghỉ việc, doanh thu đa phần từ tượng Phật, tượng hộ pháp…

“Hiện nay, mặt hàng sản phẩm sư tử đá còn nhiều, đành cất vào kho. Lâu nay, chúng tôi loay hoay tìm hướng kinh doanh mới, nhưng khổ nỗi “bí” ý tưởng sáng tạo, không biết phải làm ra sản phẩm như thế nào cho thuần Việt. Do đó, cuộc vận động sáng tác lần này mở ra cơ hội mới cho làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Từ nay, đã có hình tượng linh vật thuần Việt do chính nghệ nhân làng nghề tạo ra, qua đó các cơ sở sản xuất trên toàn thành phố sẽ dựa vào hình mẫu này sáng tạo thêm, tạo ra những sản phẩm đặc sắc”, ông chủ cơ sở mỹ nghệ Tiến Hiếu hồ hởi nói.

Chung tâm trạng, ông chủ của cơ sở điêu khắc đá Nguyễn Long Bửu tin tưởng rằng, về lâu dài, các sản phẩm nghê, sư tử thuần Việt sẽ có chỗ đứng, khi người mua hiểu được các giá trị dân tộc ẩn chứa trong sản phẩm. “Nhưng vấn đề là làm sao quảng bá, tuyên truyền rộng rãi đến người dân để họ tìm mua sản phẩm. Trước khi có cuộc triển lãm này, một số cơ sở cũng sản xuất vài cặp lân, nghê thuần Việt nhưng vẫn khó tiêu thụ”, điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu nói.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL về việc hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm làng nghề trong thời gian tới, ông Chiến cho biết, triển lãm, giới thiệu các mẫu nghê, lân thuần Việt do chính các nghệ nhân làng đá Non Nước chế tác chỉ là bước khởi đầu. Trên tinh thần Thông tư 2662 của Bộ VH-TT&DL thì đến tháng 7-2015 sẽ quyết liệt xử lý việc đặt linh vật ngoại lai tại các di tích lịch sử và vận động, khuyến khích sử dụng linh vật thuần Việt.

“Tuy nhiên, vận động mà không có linh vật thay thế thì cũng khó. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích thay thế các linh vật ngoại lai đặt tại các cơ quan, công sở, doanh nghiệp bằng các linh vật thuần Việt do chính nghệ nhân làng đá Non Nước chế tác. Trước mắt, tạo đầu ra cho sản phẩm của làng nghề; dần dần quảng bá, tuyên truyền sâu rộng đến người dân tinh hoa của linh vật thuần Việt, để họ thấy được cái đẹp, ý nghĩa mà tìm mua, từng bước khôi phục làng nghề”, ông Chiến nói.

NGỌC HÀ

.