.
Café sáng

Nghĩ về nếp nhà người thầy

.

Mỗi con người là một cá thể độc lập cần được tự do và phát triển hoàn thiện. Song, cá thể ấy sẽ tồn tại méo mó nếu tách khỏi gia đình, xã hội.

Và hiển nhiên, phẩm chất của con người hẳn không chỉ được tạo nên trong mối quan hệ ngang với một thời đại, mà còn trong mối quan hệ dọc với một truyền thống, một nếp nhà. Giữa thời kỳ hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển kinh tế, bùng nổ thông tin với những phương tiện ứng dụng công nghệ phục vụ hữu hiệu cho chất lượng sống của con người thì chắc chắn quan niệm sống, lối sống của mỗi người không thể không chịu sự tác động của thời đại cả hay lẫn dở, cả tốt lẫn xấu. Vậy làm thế nào để vừa hội nhập, vừa giữ được truyền thống, giữ được nếp nhà là điều đáng để những người đang đảm nhiệm thiên chức cao quý là “trồng người” bận tâm, suy ngẫm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một trong những biện pháp giáo dục hiệu quả nhất, có thể đặt lên hàng đầu đó là tự giáo dục. Trong giáo dục, một trăm lời nói hay không bằng một hành động đẹp. Một người thầy không thực sự là tấm gương sáng thì làm sao dạy dỗ, thuyết phục được học trò của mình. Gia đình của một nhà giáo mà không có nền tảng văn hóa thì liệu được ai tôn trọng. Con cái của mình mà mình không dạy được thì liệu mình dạy được con ai. Nói như thế quả thực khó nghe nhưng đó là sự thật không thể phủ nhận được.

“Xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa, tiến bộ, hạnh phúc và thành đạt” chính là xây dựng bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục, góp phần phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của thời đại, tạo môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phụng sự Tổ quốc. Và khi đã dùng khái niệm “xây dựng” thì phải có một mô hình, một cái chuẩn để hướng tới.

Chuẩn mực đầu tiên của một gia đình nhà giáo có thể hiểu trước hết là vấn đề xử thế phải dựa trên nền tảng của đạo lý truyền thống là tình người, là lòng nhân. Vậy thế nào là Nhân? Theo nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện: “Nhân là tính người, khác với thú vật. Nhân là tình người, nối kết người này với người khác. Có tự kiềm chế, khắc kỷ, khép mình vào lễ nghĩa mới nên người.

Có mở rộng tầm nhìn, lấy “văn” mà tô đẹp mới thành người. Có gắn bó với người khác thì mới thật là người. Có thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh mới là con người trưởng thành”. Lối ứng xử dựa trên nền tảng đạo lý này phải thấm sâu trong mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là gia đình có người làm nghề giáo. Người lớn hơn phải là chuẩn mực, là tấm gương cho lớp người sau ngay trong chính gia đình mình.

Lòng nhân thực ra ai chẳng có, nhưng nó được nuôi dưỡng hay bị hủy hoại đi thì chính những người làm công tác giáo dục hiểu hơn ai hết. Trong thời hội nhập, trong tốc độ phát triển đến chóng mặt của xã hội hiện đại, một trong những điều đáng báo động khiến chúng ta phải nhìn lại mình là thái độ, lối sống vô cảm đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều lớp người, đặc biệt là giới trẻ. Ngay chính giáo viên và con cái của giáo viên cũng không ngoại lệ.

Bởi thế, vấn đề xử thế phải dựa trên nền tảng của đạo lý truyền thống là tình người, lòng nhân phải đặt lên hàng đầu và xuyên thấm trong mỗi nếp nhà. Sự chuyển hóa thực ra rất tự nhiên và giản dị nếu chúng ta ý thức được nó và xem đó là nguyên tắc sống của mình. Đó là tình cảm yêu thương chân thành, là sự gắn bó, chia sẻ, là sự nhắc nhở, uốn nắn cho nhau, là đức hy sinh, là lòng vị tha, chung thủy, là ý thức trách nhiệm, là sự tôn trọng cá tính và danh dự của nhau. Những điều giản dị mà thiêng liêng ấy phải được khởi phát và nuôi dưỡng trong mỗi cái tổ của chúng ta. Đó là gia đình, là tổ ấm, là nơi chúng ta có cảm giác thoải mái, bình yên nhất mỗi khi xuất hiện trong đầu cụm từ “ở nhà”, “về nhà”.

Nét chuẩn thứ hai, hiển nhiên đã là một gia đình nhà giáo thì trí tuệ không thể không được coi trọng. Hiếu học phải là truyền thống, phải chiếm một vị trí quan trọng trong lòng tự trọng của mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt lớp cháu con. Trước khi dạy con người khác, mình phải biết cách dạy con mình. Phải có trí tuệ, dù là nhỏ bé. Dạy con biết đứng trên đôi chân của chính mình. Dạy con biết quý chữ nghĩa, biết trọng túi khôn nhân loại, khao khát chiếm lĩnh tri thức cũng là cách giúp con biết tự hoàn thiện mình. Thật xót xa khi lâm vào cảnh “cha làm thầy, con đốt sách”.

Hẵng khoan buộc tội, hắt hủi các cháu; hẵng khoan đổ lỗi cho ai đó mà những người làm cha, làm mẹ kiêm làm nghề dạy học hãy soi xét lại chính mình. Bởi vì, thực tế trong gia đình những nhà giáo có nhân cách, có trí tuệ, có tâm huyết với nghề dù hoàn cảnh sống có khó khăn hay thế nào chăng nữa thì con cái của họ đều ngoan, hiếu học, học giỏi và thành đạt. Phải chăng đây là phần thưởng, là niềm tự hào chính đáng và cũng là niềm an ủi trong  nghề dạy học cao quý của chúng ta ở một thời kỳ “nặng về trách nhiệm, nhẹ về ưu đãi”!

Nét chuẩn nữa, phải khẳng định rằng, đã là gia đình văn hóa thì lối sống phải có văn hóa. Văn hóa vật chất như ăn, ở, mặc; văn hóa tinh thần như đức tin, nghệ thuật, ứng xử phải hướng tới một cái chuẩn nhất định chứ không thể sống tùy tiện, buông tuồng. Nhà ở có thể chưa đẹp, chưa đầy đủ tiện nghi nhưng ngăn nắp; ăn có thể chưa ngon nhưng cách ăn sạch, đẹp theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; mặc đương nhiên phải đẹp, nếu không sang trọng thì cũng phải tao nhã. Các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, bà con lối xóm, cơ quan, địa phương vừa thân tình, vừa đúng mực.

Từ lời ăn, tiếng nói, tác phong cho đến cách thưởng thức nghệ thuật, cách giải trí của mỗi thành viên trong gia đình cũng phải có cái nền cơ bản của văn hóa mà ta quen gọi là “phông văn hóa”. Thiết nghĩ, nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình phải vừa có cái hiện đại để thích nghi với thời đại, vừa phải có cái thuần Việt để giữ nếp nhà, giữ bản sắc dân tộc, để không tự đánh mất chính mình. Mà đánh mất chính mình là mất tất cả. Nếu gia đình của một nhà giáo không làm được điều này thì thử hỏi ai sẽ làm khi chính chúng ta là lực lượng quan trọng trong việc góp phần “tạo được môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phụng sự tổ quốc”.

Trong suy nghĩ giản đơn của tôi, sẽ khó mà “Xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa, tiến bộ, hạnh phúc và thành đạt” nếu người thầy, thành viên chính trong ngôi nhà đó thiếu sự tu thân, thiếu lòng tự trọng của một người làm thầy. Giáo dục trước hết là tự giáo dục. Thế mới hay, cuộc vận động của ngành giáo dục “Mỗi người thầy là một tấm gương sáng”  đang đi vào chiều sâu và có ý nghĩa rất thiết thực.

TRẦN THỊ XUÂN THU

;
.
.
.
.
.