.
Café sáng

Những bài học không có trong giáo án

.

Khi không ít người tỏ ra mất lòng tin vào giáo dục thì tôi vẫn tin, bởi tôi biết có rất nhiều thầy cô đang truyền “lửa” cho học sinh theo cách của riêng họ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Em là giáo viên trẻ mới ra trường, được nhận về chính ngôi trường chuyên trước đây em học. Dĩ nhiên, bằng giỏi, trình độ giỏi là điều khỏi phải bàn khi được nhận về ngôi trường danh tiếng này. Nhưng tôi tin, điều em vững vàng được với nghề khi em còn rất trẻ vì em yêu học sinh theo cách của mình.

Cách của em là, sẻ chia với học sinh những suy nghĩ, những chuyến đi của mình. Em có thói quen chụp ảnh những gia đình, những người bạn mình gặp trên những chuyến đi công tác, du lịch. Khi có điều kiện đi ngang hoặc về lại vùng đất ấy, bằng mọi cách, em cố gắng gửi tặng họ những tấm ảnh đã rửa. Bởi theo em, nhiều người chưa từng được chụp ảnh cầm tấm ảnh mà xúc động đến mức không nói gì được, chỉ run run cười. Em chụp ảnh những em nhỏ vùng cao với nụ cười tan sương lạnh khi được trao kẹo (túi của em luôn có những chiếc kẹo ngon mê hoặc và lạ lẫm với lũ trẻ để làm quà trong mỗi chuyến đi). Những tấm ảnh ấy, em chiếu slide xen vào cuối bài giảng của mình để bài học bớt căng thẳng.

Ngoài giờ học, em kể cho học trò nghe những câu chuyện về núi rừng, về biển rộng xa xôi, về những bài học trên hành trình mình đã qua để học sinh thành phố có nhiều vốn sống hơn. Không ít học sinh quý em vì chúng có thể sẻ chia từ những gì bình dị nhất.

Chị là cô giáo dạy văn ở vùng gần cuối đất nước. Chị hào hứng khoe trên facebook vừa gom được 50 bức tranh đẹp của các em để làm triển lãm. Thầy hiệu trưởng nói, không nằm trong kế hoạch thì thôi, không làm. Nhưng chị quyết làm vì đó là niềm yêu tin của tụi nhỏ. Hơn nữa, trong mắt chị, tụi nhỏ được nhìn nhận như những thiên tài nhí. Những thiên tài nhí ấy chịu thiệt thòi hơn hẳn so với đám bạn bè cùng trang lứa ở thành thị. Bởi vậy, chị quyết tâm  làm với niềm tin và mục đích duy nhất: Tụi nhỏ sẽ rất vui.

Tôi hiểu rõ điều ấy vì những năm tiểu học, tôi cũng từng được tham gia một cuộc triển lãm tranh không hề có trong kế hoạch như thế, do giáo viên chủ nhiệm tổ chức. Không chỉ vui, lạ, lũ trẻ lần đầu tiên được tham gia triển lãm còn cảm nhận sự tự hào lần đầu tiên rần rần chạy trong mình khi những bức tranh được bè bạn xúm vô khen “đẹp quá”. Gần 20 năm qua, lũ trẻ ngày đó lớn, có đứa thành họa sĩ vẫn nhắc về buổi triển lãm ý nghĩa nhất của cuộc đời. Hình như trong mắt cô, học sinh nào cũng có thể trở thành nghệ sĩ.

Cô là người đầu tiên cho chúng tôi có một niềm tin thực vững rằng, ai cũng có một hoa hồng, ai cũng có vẻ đẹp, có khả năng trong mình; điều quan trọng là hãy tin, hãy cố gắng thì nhất định hoa hồng sẽ nở. Mãi sau này, tôi nhận ra rằng, dù đa phần trong lũ học trò ngày ấy không trở thành nghệ sĩ thì sự lãng mạn và khát vọng cô gieo vào chúng tôi thuở ấu thơ vẫn là những hạt mầm rất cần thiết để cuộc sống nở hoa. Điều đó ít nhiều giúp cuộc đời thêm phần đáng yêu hơn giữa những bộn bề  lo toan công việc. Cô giáo ngày xưa giờ không liên lạc được nhưng vẫn trong lòng chúng tôi, cô vẫn ở một khoảng ngọt ngào nhất.

Anh bạn tôi nhận công tác về một xã heo hút ở một tỉnh miền cao Nghệ An ngay sau khi ra trường. Thông thường, 2-3 năm thực hiện xong nghĩa vụ sẽ về xuôi nhưng anh chọn ở lại. Lý do đơn giản vì như anh nói, “mình không vướng bận gia đình gì, nơi nào cần mình nhất mình sẽ đến”. Có vài thầy, cô giáo trẻ cũng lựa chọn như anh. Nhiều người cắm bản, cùng nhau xây dựng gia đình. Nhà của các thầy cô đúng nghĩa là đơn sơ bên dòng suối nhưng luôn ăm ắp tiếng cười.

Có lần lên thăm bạn, buổi sáng, tôi thấy anh cùng một thầy giáo khác dậy từ rất sớm, đi bắt ếch, bắt cua đá. Thành quả mang về là hai xô to lổn nhổn bên cua, bên ếch. Hai thầy giáo trẻ từ phố lên, da trắng lấm bùn, mắt cười rất tươi sau lớp kính cận tỏ ra hân hoan với công sức bỏ ra. Khi tôi chậc lưỡi: “Chừng này sao mấy anh em mình ăn hết?”, bạn hồn nhiên đáp: “Mình ăn một phần ít, phần nhiều nấu một nồi cháo to cho học sinh. Chút chúng lên “chiến” hết ngay đấy mà”. Rồi bạn giải thích thêm, học sinh trên này không có điều kiện uống sữa nhiều như học sinh thành phố nên xương không chắc khỏe. Em nào em nấy thấp còi như nhau. Thương tụi nó, mỗi tuần các thầy vẫn dành ra 2 buổi đi bắt ếch, bắt cua về nấu cháo để chúng có nhiều can-xi hơn, lớn lên đỡ thua thiệt bè bạn.

Trong lúc anh nói, hai cô giáo đã nhanh tay bê cua, ếch đi sơ chế. Chỉ gần một tiếng đồng hồ sau đã có nồi cháo cua - ếch thơm lừng mùi sả. Ăn món lạ miệng ngon tuyệt nhưng mắt tôi cứ cay. Tận khi chia tay những thầy cô giáo hồn hậu ấy, ngoái nhìn về ngôi trường nhỏ và những mái nhà lúp xúp bên bờ suối mờ sương, tôi còn thấy thoang thoảng hương thơm bát cháo cua. Trong tiếng suối róc rách buổi mai sớm và mát lành những cơn gió trong trẻo, tôi nhận ra mình vừa đi qua một trong những nơi đẹp nhất quê hương.

VÕ THU HƯƠNG

;
.
.
.
.
.